Thứ Ba, 25/01/2011 20:12

Thị trường ngày 26/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng không đủ sức đỡ thị trường lúc này.

(Vietstock) - Các chỉ số sẽ biến động với biên độ hẹp trong phiên ngày 26/1 và kết quả tăng hay giảm của VN-Index phụ thuộc nhiều vào động thái của nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại do mặt bằng giá cổ phiếu đang hấp dẫn nhà đầu tư nhưng chưa có đột biến về giá trị giao dịch.

Nguồn cung sẽ giảm mạnh

CTCK Bảo Việt (BVS): Nếu như trước đây, đà tăng của BVH và MSN chính là động lực đi lên chính của thị trường thì sự sụt giảm hiện tại của 2 cổ phiếu này đang gây ra những hậu quả đáng ngại đối với chỉ số VN-Index. Tác động của BVH và MSN không chỉ ảnh hưởng tới xu hướng thị trường mà còn gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với khá nhiều nhà đầu tư khiến đa phần các cổ phiếu hiện chỉ còn giao dịch tại mức giá tương đương với VN-Index ở 450 – 470 điểm.

Với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh theo diễn biến của 2 cổ phiếu trên trong phiên sắp tới. Tuy nhiên, thị trường có thể có được sự hồi phục ngắn hạn hoặc ít nhất là sự giằng co trong phiên khi VN-Index tiến sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý tại 500 điểm.

Vietstock nhận định:

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, vùng 475 – 485 điểm của VN-Index là vùng mà chúng tôi cho là có độ vững chắc cao nhất trong ngắn hạn. Nơi đây tập trung trendline chống đỡ dài hạn, Fibonacci cũng như một số đường MA dài hạn chủ chốt khác... Những nhà đầu tư có lượng tiền mặt dồi dào thậm chỉ có thể mua mạnh khi giá về đến vùng này.

Trong khi đó, chỉ báo RSI của HNX-Index đã giảm xuống xuống mức 35.93, và có thể sẽ xuống vùng quá bán trong vòng vài phiên tới. Mặt khác, RSI, RMO đều đang cho những phân kỳ rất mạnh và có thể đó chính là báo hiệu cho sự phục hồi sắp đến gần. Đây có thể là cơ hội tốt để mua vào trên sàn này (xem chi tiết).

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy lực cầu ở vùng giá thấp hiện khá dồi dào và đây có thể sẽ là cơ sở giúp đà rơi của thị trường chậm lại. Một yếu tố quan trọng khác là lực cung cổ phiếu của nhà đầu tư trong 3 phiên cuối tuần nhiều khả năng sẽ giảm mạnh do những nhà đầu tư lo ngại về chi phí tài chính trong đợt nghỉ Tết sắp tới đã tiến hành bán ra trong các phiên vừa qua.

Vì vậy, chúng tôi chuyển từ quan điểm giảm tỷ trọng sang nắm giữ đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, chúng tôi chuyển từ khuyến nghị nắm giữ sang tăng tỷ trọng trong các phiên sắp tới.

Khó có diễn biến mới trước Tết

CTCK Vietcombank (VCB): Dù thông tin CPI tháng 1 là khá tích cực nhưng dường như không tạo được hiệuứng lên thị trường trong thời điểm này. Phiên 25/1, thị trường tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh giảm do các mã trụ chính là BVH và MSN bị bán mạnh cùng với tâm lý chán nản thiên về xu hướng nghỉ ngơi của nhà đầu tư khi Tết âm lịch sẽ bắt đầu trong vài ngày nữa.

Diễn biến giao dịch đang cho thấy sẽ không thể có những thay đổi trên thị trường trong các phiên trước Tết. Nếu nhà đầu tư nước ngoài không trở lại đỡ các trụ cột thì xu hướng giảm vẫn là chủ sẽ là chủ đạo trên hai sàn. Đồng thời, thị trường vẫn sẽ tiếp diễn cảnh chợ chiều do tâm lý nghỉ Tết đang choáng ngợp.

Sau Tết, kinh tế vĩ mô chứa đựng cả tích cực (lạm phát giảm dẫn đến lãi suất có thể giảm cùng thanh khoản của hệ thông ngân hàng tốt hơn, nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng dồi dào hơn) và đan xen những dự báo tiêu cực (như diễn biến tỷ giá, áp lực tăng giá điện xăng dầu…), tuy nhiên chúng tôi cho rằng, những điều không tích cực đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian gần đây. Vì vậy, với PE của nhóm cổ phiếu nhỏ đã về dưới 8x, cơ hội đầu tư giá trị đang hé mở trong thời gian tới.

Các chỉ số sẽ biến động hẹp

CTCK FPT (FPTS): Thanh khoản trên hai sàn sụt giảm mạnh cùng với đà sụt giảm của cả hai chỉ số đang cho thấy sự thắng thế của bên bán. Chúng tôi nhận thấy đó là hiện tượng bình thường khi kỳ nghỉ Tết đã cận kề, nhà đầu tư nắm giữ tiền hạn chế hoạt động mua vào trong khi một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bán ra để chi tiêu và kinh doanh trong dịp Tết.

Dù tổng giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10% giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng cơ cấu giao dịch tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên họ vẫn tạo động lực chính giúp các chỉ số không giảm quá mạnh.

FPTS dự báo, các chỉ số sẽ biến động với biên độ hẹp trong phiên ngày 26/1 và kết quả tăng hay giảm của VN-Index phụ thuộc nhiều vào động thái của nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại do mặt bằng giá cổ phiếu đang hấp dẫn nhà đầu tư nhưng chưa có đột biến về giá trị giao dịch.

Khả năng giảm sâu là rất thấp

CTCK SME: Vinacapital thông báo sẽ huy động 400 triệu USD và giải ngân vào quý 4/2011. Đây là thông tin tích cực đối với TTCK Việt Nam. Thời gian gần đây có thể thấy rằng khối ngoại đang mua dồn dập cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam trên cả sàn niêm yết lẫn các đợt phát hành riêng lẻ, phát hành cho đối tác chiến lược. Liệu chúng ta có thể kỳ vọng rằng năm 2011 là năm đốt biến của dòng vốn ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có nhiều lý do để kỳ vọng khi mà TTCK Việt Nam đang bị định giá thấp hơn thị trường chứng khoán theo tiêu chí P/E so với thị trường các nước mới nổi ở khu vưc châu Á (Thấp hơn khoảng 40%) và năm 2010 là năm mà TTCK Việt Nam tăng trưởng âm. P/E trailing toàn thị trường năm 2010 ở mức 11x. EPS năm 2010 của VN tăng trưởng khoảng 25% – 27%. Năm tới EPS được dự báo sẽ tăng khoảng 20% – 25%. Như vậy, P/E forward của thị trường có thể vào khoảng 9.3x. Với mức này là đang chiết khấu hơn 42% so với giai đoạn 3 năm gần đây, P/E bình quân 3 năm (3 year average P/E – 3HA P/E vào khoảng 13.2x) và chiết khấu khoảng hơn 115% so với bình quân 5 năm (5 year average P/E – 5HA P/E vào khoảng 20.1x). Quá hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Với phiên giảm điểm ngày hôm nay, chỉ số VN-Index tiến gần về vùng hỗ trợ số (1) trên đồ thị phân tích kỹ thuật. Đà giảm điểm sẽ chững lại và sức cầu sẽ phục hồi vào cuối phiên giao dịch ngày mai. Đối với sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đang nằm ở ngưỡng hỗ trợ mạnh là 105 điểm và mốc hỗ trợ tâm lý 100 điểm.

Do vậy, khả năng giá giảm sâu hơn là rất thấp. Kỳ nghỉ Tết kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán mạnh và rời bỏ thị trường nhưng theo chúng tôi đây là cơ hội để các nhà đầu tư tăng cường tích lũy cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu Bluechips (DPM, VNM, REE, PVD, VCG…), cổ phiếu đầu cơ như KLS, PVC, TCM, ITA, REE, TCM…và một số cổ phiếu trong nhóm sông đà như (SDP, SD7…) là những cổ phiếu nhà đầu tư nên quan tâm và có thể mua vào khi có hiện tượng bán tháo.

Chưa nên giải ngân tại ngưỡng 500 điểm

CTCK Đông Dương (DDS): Tiếp nối đà giảm điểm, sáng 25/01 chỉ số chính trên cả hai sàn đều đồng loạt mất điểm ngay từ đầu phiên. Hầu hết các cổ phiếu Bluechips vốn hóa lớn đều giảm mạnh trong phiên hôm nay, xu hướng bán ra tăng mạnh khi về cuối phiên kéo chỉ số VN-Index mất điểm sâu hơn. Thông tin vĩ mô CPI tháng 1/2011 của cả nước tăng 1.74% so với tháng trước được công bố vào chiều ngày hôm qua đã tác động một phần đến tâm lí nhà đầu tư khi lực cầu tỏ ra e dè và thận trọng hơn. Nhưng có lẽ yếu tố chi phối nhất vẫn là dòng tiền đang tham gia vào thị trường khi đây là thời điểm những ngày giao dịch cuối cùng trước khi nhà đầu tư đón Tết nguyên đán sắp đến gần.

Với diễn biến như phiên hôm nay, thị trường cho thấy một tín hiệu đi xuống và có thể tiếp tục thử thách tại ngưỡng kháng cự 493 điểm nếu như mốc 500 điểm không được giữ vững. Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng trong thời điểm này, mặc dù giá của hầu hết các cổ phiếu đã về mức tương đối hợp lý nhưng chưa phải là thời điểm thích hợp để giải ngân do đó cần xem xét khi thị trường có tín hiệu rõ ràng hơn, đăc biệt là lực cầu tại ngưỡng kháng cự quan trọng 500 điểm.

Nhiều khả năng thị trường tiếp tục giảm

CTCK Quốc tế (VIS): Chỉ số tiếp phiên thứ 2 liên tiếp giảm điểm, VN-Index về sát mốc 500 điểm. Thị trường giao dịch theo chiều hướng xấu đi, dòng tiền vào các mã cổ phiếu penny chưa có sức đột phá, mặt bằng giá cổ phiếu tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ. Nguyên nhân một phần có thể do đà tăng từ các cổ phiếu bluechip đã chững lại, thị trường chịu sự chi phối từ nhóm vốn hóa lớn này tiếp tục đi xuống trong sắc đỏ.

Thêm vào đó là thị trường chưa có động lực đi lên, nhà đầu tư cũng rất cảnh giác trước thời điểm tâm lý thận trọng trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết Âm lịch đè nặng giao dịch, thanh khoản thấp tiếp tục là vấn đề trong thời điểm này.

Do đó, nhiều khả năng VN-Index vẫn giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 26/01/2011.

Viết Vinh tổng hợp

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm xuống 42,84 điểm (25/01/2011)

>   Ngày 25/01: 10 cổ phiếu Large Cap làm VN-Index giảm 1.48% (25/01/2011)

>   Chứng trường: Mảnh đất lắm người nhiều ma (25/01/2011)

>   Sự thật về quỹ đầu tư chỉ số (25/01/2011)

>   Năm 2011, VN-Index có thể đạt mốc 650 điểm (24/01/2011)

>   Mối lo thanh khoản giảm (24/01/2011)

>   Thị trường ngày 25/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (24/01/2011)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (24/01/2011)

>   Ngày 24/01: Khối ngoại mua mạnh BVH và MSN, VN-Index vẫn lùi sâu (24/01/2011)

>   Chứng khoán năm 2011: Thách thức, đổi mới và cơ hội (24/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật