Ông bầu Đoàn Nguyên Đức: “Tôi không đốt tiền, phá bóng đá”
Ông bầu giàu thứ hai sàn chứng khoán đã không còn ồn ào trên thị trường chuyển nhượng... Bầu Đức thỏa thuận với tôi chỉ nói về bóng đá và sẵn sàng nói thẳng, nói thật, có đụng chạm ai mất lòng thì chịu…
. Ông làm bóng đá với quan điểm nếu không vô địch thì đi nhậu sướng hơn? Và đã sáu mùa rồi Hoàng Anh Gia Lai chưa biết vô địch…
+ Muốn vô địch, phải đích thân tôi xây dựng đội ngũ như năm đầu 2002. Sau này tôi bận, rất bận. Cả mùa bóng tôi chỉ rảnh xem có hai trận thì làm được gì. Hơn nữa, tôi lo làm ăn và lo lớp cầu thủ trẻ cho tương lai nhiều hơn. Anh em thì không còn “máu” như xưa nữa. Hồi ấy, tôi có ông giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh và HLV Ajhan giỏi nghề trong khi cầu thủ toàn tuyển thủ và biết đá bóng vì nhau nên không vô địch mới lạ.
. Ông không máu nữa sau khi thỏa mãn bài toán marketing với bài mua Kiatisak và đội hình dream team?
+ Chưa hẳn, bởi tôi còn nhiều cách riêng của mình, hiệu quả tính sau. Suốt hơn ba năm qua, tôi thầm lặng đầu tư công sức, tiền của Học viện Arsenal và rất hy vọng. Chờ bốn năm nữa đi, “gà” tôi nuôi sẽ gáy vang rần cho coi.
. Ông vừa được phong là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán nhưng ở sàn chuyển nhượng cầu thủ, ông lại từ dưới đếm lên.
+ Tôi hứng với đề tài này rồi đấy! Nói thật, so tiền bạc, tôi dám khẳng định mình không thua các ông bầu khác. Máu chơi và máu liều của tôi cũng hơn. Tôi thừa sức làm hơn họ nhưng tại sao tôi không làm? Giả sử, người ta bỏ 15 tỉ mua cầu thủ, tôi sẵn sàng chơi 30 tỉ liền. Ngán gì, nếu tôi muốn và chắc chắn họ chơi không lại. Đơn giản, tôi không muốn và không thích tranh mua, tranh bán cầu thủ một cách vô lý. Bầu Đức này không đóng góp vào sự hỗn loạn có hại cho bóng đá Việt Nam.
|
Bầu Đức dành nhiều thời gian hơn cho lứa cầu thủ trẻ lò Arsenal. |
. Cái tên Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức từng tiên phong cải cách CLB của mình theo kiểu đồng tiền đi trước, giờ không chịu chi thì sao làm nổi bóng đá?
+ Nếu muốn chơi kiểu ấy, tôi bảo đảm mua được tất cả cầu thủ giỏi rồi đem… cất hết. Tôi không châm chọc ai hết mà nói rất thật, bởi tôi có đầy đủ khả năng nuôi cả đội Arsenal. Tôi có hai nguyên tắc là không nuông chiều cầu thủ và không mua cầu thủ bằng mọi giá. Như vụ Lee Nguyễn, tôi đã không cần thì một cắc cũng không thiết.
. V-League được tiếng sôi nổi và hấp dẫn nhất Đông Nam Á nhưng ở các sân chơi AFC Cup, AFC Champions League các đại diện Việt Nam đều thất bại ê chề?
+ Ai nói V-League hấp dẫn nhất? Đừng ngộ nhận nghe lời mấy ông ở VFF rồi huyễn hoặc. Chẳng qua tự mình nói chứ không ai thừa nhận cả. Mỗi quốc gia đều có mặt hấp dẫn riêng và cách làm riêng. Thái Lan vẫn đứng trên ta một bậc. Bóng đá Malaysia không hấp dẫn thì sao mạnh nhất từ SEA Games đến AFF Cup… Riêng tôi từng muốn đội bóng của mình đá chết bỏ ở các cúp châu Á, đã ra sân là chơi hết mình, không được thì phải chấp nhận. Quan trọng là mình biết hạn chế chỗ nào để sửa, chứ không phải thua rồi đổ thừa.
. Ông đã ít chú ý đến bóng đá như trước. Duy có điều, mùa nào ông dự đoán nhà vô địch cũng trúng phóc khi bóng chưa ngừng lăn, từ Bình Dương đến Đà Nẵng hay gần nhất là Hà Nội T&T?
+ Thú thật tôi không dám nói nhiều về những chuyện tế nhị kiểu này. Ngắn gọn là ai cũng biết chứ không phải mình tôi.
. Bóng đá là một kênh quảng bá thương hiệu rất hiệu quả và rất dễ khiến nhà nhà đều làm bóng đá. Ông thấy sao khi có nhiều ông bầu ôm hai, ba đội bóng?
+ Ai làm gì với mục đích gì là quyền của họ. Quan điểm làm bóng đá của tôi khác. Phải đi những con đường không ai dám đi. Tôi có thể làm được những gì người khác làm, còn người khác có nhiều tiền cũng không làm được theo cách của tôi. Có ông bầu nào có bảng quảng cáo như Hoàng Anh Gia Lai trên sân cỏ nước Anh không? Có ai dám mua máy bay đi coi đá banh? Có ai đào đâu ra một học viện đào tạo cầu thủ theo công nghệ Arsenal dù họ không thiếu tiền để làm?
. Bóng V-League sắp lăn, Hoàng Anh Gia Lai vẫn lặng lẽ với chỉ một tuyển thủ Kenya là mới. Thế mà mùa nào ông cũng đòi vô địch. Có phải bầu Đức giỏi “nổ” hơn giỏi làm?
+ Ai hỏi tôi cũng nói chơi bóng là phải vô địch. Cứ nói đã, không vô địch trên sân cũng vô địch trong tư tưởng để còn phấn đấu nữa. Tôi giáo dục cầu thủ là thế, phải luôn có suy nghĩ vô địch. Tôi dặn họ, ai hỏi chỉ tiêu là nói vô địch nhé, phản xạ chậm tôi phạt đấy. (Cười)
. Ông hãy nói thật lòng, làm bóng đá bây giờ dễ hay khó?
+ Khó! Suy cho cùng, bóng đá chỉ là trò chơi nhưng muốn chơi tốt thì ông chủ thực sự phải tâm huyết, chứ không phải kiểu làm bóng đá bây giờ chỉ là làm thương hiệu. Tôi tự hào mình và ông Võ Quốc Thắng có tiếng tăm như hôm nay là nhờ bóng đá tạo ra hết, trăm sự đều do làm bóng đá. Nhiều ông bầu sau này nhìn vào cách bọn tôi làm rồi đi theo một lối mòn nhưng tất cả đều không có sự khác biệt mà đơn giản là rập khuôn.
Còn cầu thủ thời nay họ đá bóng vì cái gì? Nói trắng ra phần lớn là tiền. Hàng loạt tuyển thủ bỏ giải cao nhất V-League để xuống đá hạng Nhất không phải vì tiền thì vì cái gì? Hàng loạt cầu thủ sẵn sàng xé hợp đồng, chấp nhận đền bù để đi đội khác đa phần cũng vì tiền… Đồng tiền trong bóng đá chuyên nghiệp quan trọng nhưng đừng để đồng tiền khiển mình và làm mất hết tất cả thì lại phản tác dụng.
. Các cầu thủ hay kể ông bầu mình đến Hàm Rồng thường ghé chỗ Học viện Arsenal coi bọn nhỏ tập mà ít khi gần gũi với đội lớn nữa… Ông chán bóng đá đỉnh cao rồi?
+ Tôi không chán bóng đá đỉnh cao nhưng tôi chán bóng đá kiểu chụp giựt. Tôi có thể đua tiền làm bóng đá nhưng tôi không đua tiền để chụp giựt phá hoại bóng đá. Bóng đá bây giờ đội lớn hay V-League coi hoài đâm chán. Cái thú của tôi là hay đứng lặng một mình hàng giờ xem các cầu thủ nhí tập luyện, thích lắm! Tháng trước, tôi ra Đà Nẵng xem cầu thủ U-15 của tôi đá với đội vô địch quốc gia U-17 Đà Nẵng. Mấy đứa nhỏ thấp hơn đàn anh cả cái đầu, chấp luôn thủ môn mà vẫn thắng 5 trái. Tôi xem mà sướng lắm và cực kỳ đặt niềm tin vào bọn nhỏ.
. Xin cảm ơn ông.
Đội tuyển Việt Nam có vấn đề
“Đá bóng trên sân như một ván bài ngửa, HLV dạy sao, cầu thủ đá sao mọi người biết hết. Riêng tôi thì thấy đội tuyển Việt Nam cứ chơi hoài một kiểu. Cái thua ở AFF Cup 2010 hay thua trận chung kết SEA Games 2009 chính là hậu quả của sự huyễn hoặc mình sau chức vô địch AFF Cup 2008. Hãy nhìn kỹ lại, ở AFF Cup 2008 mình vô địch có bao nhiêu phần hay và bao nhiêu phần may? Nếu thủ môn Malaysia không biếu cho mấy bàn thì có vào đến bán kết nổi không? Vô địch xong lại cứ tưởng mình là ông trời, coi thường người ta để thua ở chung kết SEA Games 2009. Bây giờ thua ở AFF Cup 2010 thì đổ thừa, tại đội Philippines chơi phòng ngự tiêu cực, tại trọng tài, tại đèn laser, tại không có cầu thủ nhập tịch… Tôi nực cười ông Calisto bảo không có tiền đạo, không có Công Vinh… Nếu tôi là chủ tịch VFF thì khuyên ông Calisto nên từ chức, không tôi rút ghế luôn. Vấn đề nữa là VFF đã không tự tin để HLV nội làm. Ông Lê Thụy Hải, Thanh Hùng, Huỳnh Đức thua ông Calisto chỗ nào?”.
Sao VFF không bao giờ ngồi lại với bọn tôi?
“Tôi hay nghe VFF than thở nghèo trong khi nắm trong tay tài sản vô giá là đội tuyển quốc gia. Cái chính vẫn là cách sử dụng con người, cách nghĩ, cách xây dựng chiến lược phát triển bóng đá qua việc tập trung nguồn lực. Đơn giản, có bao giờ VFF chịu ngồi lại với mấy ông chủ tịch CLB - những người có tâm huyết và quyết định đến sự phát triển của các tế bào bóng đá Việt Nam. CLB mạnh thì đội tuyển mới mạnh. Nếu VFF cần hỗ trợ vài chục tỉ cho sự nghiệp phát triển bóng đá Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau”. |
Công Tuấn thực hiện
PHÁP LUẬT
|