Thu phí ngoại tệ sai, Agribank thua kiện
Chuyện ngân hàng ép DN chịu các khoản phí vô lý, nhất là khi mua bán và vay vốn bằng ngoại tệ, nhiều lần được nhắc đến. Cơ quan quản lý cũng đã xử phạt mang tính nhắc nhở một vài trường hợp. Tuy nhiên, tại tòa án, một DN đã kiện và thắng kiện ngân hàng khi thu phí sai.
Thu thêm hơn 1 tỷ đồng để tư vấn tài chính?
TAND TP. Hà Nội vừa xét xử vụ án Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Phát (quận Ba Đình, Hà Nội) kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân (NN&PTNT) - Agribank về việc ngân hàng thu phí 1.052.480.000 đồng sai với quy định.
Đây là trường hợp DN hy hữu dám kiện ngân hàng, trong khi nhiều DN khác đang phải im lặng chịu thiệt hại. Phần thắng đã thuộc về DN.
Cụ thể, ngày 13/6/2008, Công ty Hoa Phát vay Ngân hàng NN&PTNT 13.285.536.000 đồng để thanh toán nhập khẩu 23 ôtô đầu kéo. Số tiền này được dùng để mua ngoại tệ ngay tại ngân hàng. Theo đó, DN chỉ mua được 736.000 đô la Mỹ (USD), với số tiền VND phải trả 12.233.056.000 đồng. Số tiền còn lại hơn 1 tỷ đồng là DN phải trả cho ngân hàng với để thanh toán phí dịch vụ mua ngoại tệ.
Bức xúc trước khoản phí tiền tỷ, DN đã kiện ngân hàng ra tòa.
Tại tòa, Ngân hàng NN&PTNT cho rằng, số tiền 1.052.480.000 đồng là khoản phí tư vấn đầu tư tài chính theo thỏa thuận hai bên. Tuy nhiên, gọi là hợp đồng tư tài chính tiền tệ nhưng ngân hàng lại không nêu cụ thể công việc phải làm, thời gian bắt đầu, kết thúc. Khi toà yêu cầu xuất trình các chứng cứ chứng minh cho phần việc tư vấn đã làm, ngân hàng cũng không có, chỉ cung cấp hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, hợp đồng mua bán ngoại tệ...
Song, tất cả những tài liệu đó vẫn không chứng minh được việc mà ngân hàng đã tiến hành tư vấn. Tại tòa án, đại diện ngân hàng khai, việc tư vấn là trao đổi trực tiếp bằng miệng giữa hai bên, nhưng DN không thừa nhận.
Sau khi xem xét, TAND TP. Hà Nội nhận thấy các hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán ngoại tệ, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, ủy nhiện chi giữa các bên ký kết đều diễn ra cùng một ngày 13/6/2008. Trong các hợp đồng vay và mua bán ngoại tệ đều ghi số tiền thanh toán mua ngoại tệ là 12.233.056.000 đồng + tiền trả phí 1.052.480.000 đồng bằng số tiền vay trong hợp đồng tín dụng là 13.285.536.000 đồng.
Như vậy, ngân hàng đã thu phí liên quan đến hoạt động cho vay, mua bán ngoại tệ, điều này làm tăng chi phí vay vốn của khách hàng, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích tổ chức tín dụng và khách hàng vay.
Mặt khác, Luật Ngân hàng, bộ luật Dân sự và Pháp lệnh phí và Lệ phí không quy định cụ thể về phí liên quan đến hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Hơn nữa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 5158/NHNN-VSTT ngày 10/6/2008 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện việc không thu phí liên quan đến hoạt động cho vay.
Như vậy, khoản tiền phí đã thu không hợp lý nên phải được hoàn trả cho Công ty Hoa Phát theo quy định.
Vì thế, tòa đã yêu cầu Ngân hàng NN&PTNT phải hoàn trả Công ty TNHH XNK Hoa Phát số tiền phí đã thu 1.052.480.000 đồng và số tiền 192.814.336 đồng là tiền lãi phải trả của số tiền phí trên.
Rắc rối chưa hết
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khâm, đại diện pháp luật của Công ty TNHH XNK Hoa Phát, những rắc rối từ khoản vay này hiện chưa hết. DN lại tiếp tục kiện ngân hàng này ra tòa.
Cụ thể, vào thời điểm tháng 6/2008, để vay được số tiền theo hợp đồng tín dụng trên, Công ty Hoa Phát đã phải làm hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với số tiền là 3,5 tỷ đồng. Sau đó, công ty có món hàng chuyển thuế nên cần chuyển 400 triệu đồng nên đã đề nghị ngân hàng trích từ hợp đồng tiền gửi 3,5 tỷ trên và được ngân hàng đồng ý.
Nhưng ngân hàng đã không trích 400 triệu đồng như đã cam kết, mà chuyển toàn bộ số tiền 3,5 tỷ đồng gửi có kỳ hạn sang không kỳ hạn, làm giảm lãi suất từ 16%/năm xuống còn 3%/năm, gây thiệt hại lớn cho DN.
Theo Công ty Hoa Phát, để vay vốn này, công ty đã thế chấp 23 xe nhập khẩu hình thành từ chính vốn vay ngân hàng và ngân hàng có quyền kiểm kiểm soát tài sản. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, ngân hàng liên tục gây khó khăn cho DN trong việc vào kiểm tra chất lượng, giới thiệu khách để bán hàng... nhằm thu hồi vốn và lấy tiền trả nợ.
Vụ việc kéo dài đến nay, việc tiêu thụ xe vẫn không được. Điều này gây khó khăn kéo dài, đến tận thời điểm 21/04/2009, khi hợp đồng giao cho bên thứ ba giữ tài sản thế chấp hết thời hạn.
Thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, Công ty Hoa Phát làm nhiều đề nghị ngân hàng thanh lý hợp đồng và di chuyển 23 xe về Hà Nội, nhưng ngân hàng không có hồi âm. Ngược lại, ngân hàng còn ra thông báo phát mại, xử lý tài sản cầm cố thế chấp để thu nợ. Thậm chí, phía ngân hàng cũng không chấp nhận phương án đề xuất của DN là có người bảo lãnh trả nợ thay cho DN bằng tiền gửi tiết kiệm của mình.
Sự việc kéo dài đẩy DN càng lúc càng khó khăn. Bước cuối cùng, DN tiếp tục kiện ngân hàng ra tòa thêm lần nữa và đòi bồi thường thiệt hại. TAND TP. Hà Nội đã quyết định đưa vụ án ra xét xử để tìm đúng sai giữa hai bên. Như vậy, chỉ vì một khoản vay mà hai lần DN phải kiện ngân hàng ra tòa.
Lê Khắc
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|