Mất 100 triệu trong tài khoản, ACB phủi trách nhiệm
Giả chứng minh nhân dân (CMND) cùng các giấy tờ liên quan của Công ty Công nghệ Rồng Vàng, kẻ lừa đảo đã đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) - chi nhánh Văn Lang (TPHCM) rút 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ngân hàng phủi trách nhiệm...
|
Mặc dù thông tin chủ tài khoản và chữ ký đã được thay đổi nhưng Ngân hàng Á Châu - chi nhánh Văn Lang vẫn để cho kẻ gian rút được tiền. |
Giấy tờ giả, rút tiền thật
Phát hiện tài khoản của công ty bị rút trộm 100 triệu đồng, ông Nguyễn Thanh Hiếu- GĐ Công ty Công nghệ Rồng Vàng kiểm tra lại tại chi nhánh Ngân hàng ACB Văn Lang (quận Gò Vấp) mới biết ngày 13-11, một người có tên Trần Hoàng Minh, số CMND 311945800 do CA Tiền Giang cấp ngày 4-7-2009 là thủ phạm của vụ rút tiền trên. Ông Hiếu cho biết công ty không có nhân viên nào tên Trần Hoàng Minh và cũng không ủy quyền cho người có tên này đến ngân hàng để rút tiền.
Ngày 15-11, ông Hiếu đã yêu cầu Ngân hàng ACB chi nhánh Văn Lang cung cấp hình ảnh camera quan sát người rút tiền; cung cấp giấy thay đổi thông tin và chữ ký của người đại diện công ty, đồng thời điều tra nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm mỗi bên. Theo đó, ông Hiếu khẳng định giấy ủy quyền lãnh tiền từ ngân hàng ACB do Trần Hoàng Minh thực hiện này 13-11 đã bị làm giả.
Ông Hiếu cho biết: “Ngày 12-11, kẻ lừa đảo đã đến chi nhánh Văn Lang rút tiền cầm theo giấy giới thiệu (giả) nhưng ngân hàng yêu cầu phải có “giấy ủy quyền” kèm chữ ký và thông tin của chủ tài khoản nên hôm đó kẻ gian không rút tiền được. Sau đó ngân hàng phát cho người tên Minh một giấy ủy quyền, đồng thời yêu cầu điền thông tin có chữ ký, đóng dấu của chủ tài khoản. Giấy giới thiệu sau đó đã sửa từ ngày 12 thành ngày 13 kèm theo chữ ký của tôi và con dấu của công ty tôi”.
Sau khi làm giả giấy ủy quyền mà ACB phát cho, trong ngày 13-11, Trần Hoàng Minh đã rút trót lọt số tiền 100 triệu đồng. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, số tiền sẽ không bị thất thoát nếu như nhân viên ngân hàng tra cứu kỹ thông tin ở tờ “Giấy ủy quyền” do Ngân hàng ACB phát cho Trần Hoàng Minh.
“Nếu khai bên ủy quyền cũng như bên được ủy quyền nhằm rút tiền đều không khớp với những thông tin mà chủ tài khoản đăng ký với ngân hàng, thậm chí khi chữ ký của chủ tài khoản “có vấn đề” thì ngừng giao dịch để kiểm tra” - một chuyên gia tài chính ngân hàng nói.
Phủi trách nhiệm
Vụ việc xảy ra từ ngày 13-11 nhưng đến nay, theo ông Hiếu, phía ACB chi nhánh Văn Lang vẫn chưa có hướng giải quyết cũng như trả lại số tiền 100 triệu đồng cho công ty. Theo ông Hiếu, để cho kẻ gian thực hiện rút tiền thành công của công ty, do lỗi chủ quan của cán bộ ACB chi nhánh Văn Lang. Vì trong giấy ủy quyền do ACB phát cho Trần Hoàng Minh, ngoài phần giả chữ ký của tôi, trong phần khai đăng ký thông tin chủ tài khoản, người này ghi sai số CMND, ngày cấp cũng như nơi cấp CMND của tôi mà ngân hàng không hay biết.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thông tin chủ tài khoản mà kẻ gian điền vào giấy ủy quyền để rút tiền là những thông tin cũ, đã bị vô hiệu hóa vì sau khi ông Hiếu chuyển hộ khẩu từ Đồng Nai lên TPHCM và làm mới CMND, ngày 4-11-2009, ông Hiếu đã làm thủ tục thay đổi thông tin chủ tài khoản và đổi chữ ký với phía ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Phong - GĐ ACB chi nhánh Văn Lang thừa nhận có sự việc trên. Sau khi công ty khiếu nại cho rằng chữ ký và con dấu trên các chứng từ là giả, cũng như công ty không ủy quyền cho ông Trần Hoàng Minh rút tiền, và thông tin chủ tài khoản được ghi trên giấy ủy quyền là sai lệch, chi nhánh Văn Lang đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an quận Gò Vấp thụ lý giải quyết.
Về trách nhiệm của ngân hàng trong vụ việc này, ông Phong cho biết phải chờ công an kết luận mới giải quyết được và không nhận trách nhiệm do sai sót từ phía ngân hàng gây ra. Theo thông tin mà Tiền Phong có được giấy chứng minh có tên Trần Hoàng Minh đăng ký do Công an Tiền Giang cấp cũng là giả. Như vậy, nếu cơ quan điều tra không tìm ra thủ phạm, khách hàng chịu thiệt?
Tại điều IV mục 2 của giấy đăng ký thông tin tài khoản giữa ông Nguyễn Thanh Hiếu và Ngân hàng Á Châu ACB ghi rõ quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Á Châu và khách hàng. Theo đó, ACB có quyền và nghĩa vụ từ chối thực hiện các lệnh thanh toán của khách hàng, khi khách hàng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục thanh toán; lệnh thanh toán không hợp lệ, không khớp với các yếu tố đã đăng ký. |
Lê Nguyễn
Tiền Phong
|