Năm 2011: Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa - tiền tệ
Bộ Tài chính xác định phải tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ và các chính sách khác nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2011.
Chính sách tài chính phát huy hiệu quả
Báo Tổng kết ngành Tài chính năm 2010 công bố ngày 7/1 cho biết, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, bội chi NSNN năm 2010 theo Nghị quyết của Quốc hội bằng 6,2% GDP, đã thực hiện giảm 0,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội, bằng 5,8% GDP.
Điểm sáng trong công tác Tài chính năm 2010 là việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán.
Các công cụ thuế, phí, lệ phí... đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được sử dụng linh hoạt để đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu, khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế nhập siêu.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh triển khai thủ tục hải quan điện tử, hiện đại hóa thu NSNN, nhằm tạo thuận lợi, giảm thiểu chi phí, thời gian cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều văn bản đã được xây dựng, hoàn thiện, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm...có những bước tăng trưởng khá.
Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô
Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ năm 2011 là cần phải tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Những biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, sẽ được vận dụng linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu để hình thành quỹ xúc tiến nhập khẩu công nghệ nguồn trên cơ sở quỹ xúc tiến xuất khẩu, trong đó tính toán tỷ lệ đóng góp hợp lý giữa nhà nước và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để hình thành quỹ.
Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động, thị trường bất động sản…
Đáng chú ý là Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu Nhà nước còn định giá.
Tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp: kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá; Kiên quyết ngừng việc đăng ký giá có mức tăng giá không hợp lý. Kiểm soát đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá bất hợp lý, nhất là các nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Văn Chính
CHÍNH PHỦ
|