Tài chính - tiền tệ năm 2011: Kỳ vọng về một hệ thống chính sách nhất quán hơn
|
TS. Nguyễn Đức Thành |
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), thị trường tài chính - tiền tệ năm 2011 hy vọng vào một hệ thống chính sách điều hành nhất quán và môi trường kinh tế vĩ mô có thể dễ dự báo hơn.
Ông có thể nhận định khái quát về tác động của những biến động của thị trường tài chính - ngân hàng năm 2010 đối với mục tiêu chung của nền kinh tế?
Năm 2010 thực sự là một năm nhiều biến động đối với thị trường tài chính - ngân hàng, cũng là năm thử thách đối với các công cụ của chính sách tiền tệ. Môi trường kinh tế - tài chính và tiền tệ đầy khó khăn, đặc biệt là những vấn đề về thiếu hụt ngoại hối từ năm 2009 trở nên căng thẳng ngay đầu năm 2010. Dư địa của chính sách tài khoá đã gần như cạn kiệt, vì năm 2009 chúng ta theo đuổi gói kích thích kinh tế lớn, khiến năm 2010, chúng ta chủ yếu trông mong ở chính sách tiền tệ.
Thêm vào đó, sự mất giá mạnh của đồng USD trên thế giới, cũng như diễn biến phức tạp ở Hy Lạp và Ireland tích tụ thêm nhiều nỗi lo ngại về sự an toàn của hệ thống ngân hàng thế giới. Ngoài ra, còn phải kể tới việc giá vàng thế giới tăng chưa từng thấy. Đó là những đặc điểm chính tác động và định hình bức tranh thị trường tài chính - ngân hàng của Việt Nam, thông qua đó tác động đến nền kinh tế.
Xin được đi vào chi tiết, theo ông, thực chất của diễn biến lãi suất năm 2010 là gì?
Lãi suất đã không thể hạ trong năm 2010, dù ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã muốn hạ mức lãi suất chung của nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và Hiệp hội Ngân hàng cũng đã vào cuộc. Nỗi lo khan hiếm USD và tình trạng “đô la hoá” leo thang cũng là nhân tố quan trọng không cho phép NHNN hạ lãi suất VND, vì sẽ làm VND yếu đi tương đối so với đồng USD và người dân, doanh nghiệp có khuynh hướng rời bỏ VND để chuyển sang USD.
Theo tôi, bản chất của việc lãi suất cao ở Việt Nam trong năm 2010 bắt nguồn từ môi trường vĩ mô còn hàm chứa nhiều bất ổn, như nền kinh tế vẫn rất nhạy cảm với nguy cơ lạm phát, hoạt động đầu tư vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Lãi suất là thước đo cảm nhận của người dân và doanh nghiệp về những hiện tượng này, do đó, mọi nỗ lực kìm nén lãi suất sẽ chỉ làm người dân rút lui khỏi VND. Và như vậy, lạm phát sẽ xuất hiện không dưới hình thức này thì hình thức khác, đồng thời là sự nóng lên của các thị trường tài sản như vàng, ngoại hối và bất động sản.
Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là tỷ giá VND/USD, cũng là điểm nóng không thể không nhắc tới?
Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, nên giá vàng trong nước hầu như liên thông với giá vàng thế giới tính theo USD. Thêm vào đó, USD lại luôn có khuynh hướng khan hiếm, nên bản thân giá USD trong nước luôn rình rập tăng. Kết quả là, giá vàng quy đổi ra VND phải qua một lần tính theo USD, đã tăng kép, vừa là sự tăng giá vàng theo USD, vừa là sự tăng giá USD theo VND. Điều đó càng dễ kích hoạt tâm lý lo ngại của người dân, khiến họ càng muốn ẩn náu vào vàng.
Việc bình ổn giá vàng trong nước, theo tôi, trước hết phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế trên thế giới, nghĩa là sự ổn định trở lại của giá vàng tính theo USD. Tiếp đó là phụ thuộc vào tình trạng kinh tế của Việt Nam, cụ thể là thâm hụt thương mại. Nếu thâm hụt thương mại được cải thiện, hoặc dòng vốn ngoại chảy vào nhiều hơn, thì tỷ giá sẽ hạ nhiệt và giúp điều tiết giá vàng quy theo VND.
Liên quan đến những vấn đề nóng vừa nêu, nhiều người đề cập vai trò quản lý, điều hành của cơ quan chức năng. Theo ông, điểm được và chưa được trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2010 là gì?
Điểm được là cơ quan chức năng đã cố gắng chủ động trong nhiều tình huống. Ví dụ, từ đầu năm, sau khi thấy việc yêu cầu các tập đoàn lớn bán USD không mấy thành công, cơ quan điều hành đã chủ động hạ lãi suất USD để ngoại tệ này bớt hấp dẫn, nhằm cải thiện cung USD trên thị trường. Một nỗ lực nữa rất đáng hoan nghênh là việc tăng tỷ lệ an toàn cho hệ thống ngân hàng trước những bấp bênh của nền tài chính toàn cầu và cả trong nước.
Tuy nhiên, có thể thấy, khi các chính sách được thi hành, những tác động xảy đến trong các bước tiếp theo hoặc trên các khía cạnh khác dường như không được chuẩn bị chu đáo để ứng phó với những công cụ thích hợp. Kết quả là xuất hiện những xáo trộn trên thị trường không định trước được và cơ quan chức năng lại bị rơi vào thế bị động trước hoàn cảnh mới.
Một nguyên nhân nữa là các thông điệp chính sách còn chưa rõ ràng và thiếu nhất quán, gây những đồn đoán, tạo “đất” cho những thông tin không chính thống.
Vậy theo ông, năm 2011, thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nào và có những thuận lợi gì?
Theo tôi, thách thức lớn nhất là chúng ta bước vào năm mới 2011 với dư địa cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, cũng như chúng ta đã bước vào năm 2010 với dư địa rất hạn chế cho chính sách tài khoá. Điều ấy hàm ý chúng ta phải dùng các chính sách thay thế để điều tiết nền kinh tế. Tôi cho rằng, trong năm 2011, giới quản lý sẽ phải bỏ nhiều công sức để điều tiết lãi suất, tiếp đó là lo toan với vấn đề tỷ giá.
Một thuận lợi so với năm 2010, đó là năm 2011, chúng ta có thể hy vọng vào một hệ thống chính sách nhất quán mới sẽ được ra đời và thực thi, rút kinh nghiệm từ thực tế điều hành trong năm 2010. Môi trường kinh tế vĩ mô có thể dễ dự báo hơn, mặc dù không có nghĩa là sẽ khá ngay lên trong năm, nhưng đó cũng là điều tích cực.
Huy Hào
ĐẦU TƯ
|