Giải ngân TPCP năm 2010 cao nhất từ trước đến nay
Bộ KH&ĐT và UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, năm 2010, việc giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù còn cần thêm số liệu thống kê cuối cùng để đánh giá kế hoạch giải ngân 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) như dự kiến ban đầu, nhưng với những kết quả đã đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, năm 2010, việc giải ngân nguồn vốn này vẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Kho bạc Nhà nước, tính đến đầu tháng 12/2010, nguồn vốn TPCP giải ngân đạt khoảng 43.700 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch. “Theo báo cáo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương thì khối lượng giải ngân nguồn vốn TPCP tháng 12/2010 rất khả quan nên khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn TPCP năm 2010 nhiều khả năng đạt mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết.
“Việc giải ngân nguồn vốn TPCP năm vừa qua không chỉ đạt mức cao nhất từ trước đến nay, mà còn khắc phục được tình trạng giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền nhận định.
Theo ông Hiền, có được kết quả khả quan này một phần là do Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành kịp thời nhiều văn bản nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư; trong chỉ đạo thực hiện, các chủ đầu tư đã năng động hơn, chủ động hơn trong việc điều chỉnh nguồn vốn giữa công trình được bố trí đủ vốn nhưng triển khai chậm sang công trình hoàn thành đúng tiến độ, vượt kế hoạch.
“Việc kịp thời điều chỉnh nguồn vốn không chỉ khắc phục được tình trạng nguồn vốn TPCP giải ngân “ì ạch”, mà còn nâng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, sớm đưa dự án hoàn thành vào khai thác; tránh được “căn bệnh cố hữu” trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn nhà nước là công trình có khả năng đẩy nhanh tiến độ thì thiếu vốn, trong khi nguồn vốn lại “nằm chờ” nhiều công trình khác, thậm chí còn phải chờ cả những công trình chưa đủ thủ tục đầu tư”, ông Hiền phát biểu.
Do chưa có kết quả báo cáo cụ thể của các bộ, ngành, địa phương về khối lượng thực hiện và giải ngân nguồn vốn TPCP tháng 12/2010, mặc dù rất hy vọng năm 2010 - năm kết thúc giai đoạn đầu tư bằng nguồn vốn TPCP năm 2003 – 2010, sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, song Chủ nhiệm Uỷ ban Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển vẫn dè dặt khi cho rằng, năm nay khó có thể hoàn thành kế hoạch.
“Theo quy luật, vào quý 4 hàng năm, đặc biệt là trong tháng 12 tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước đạt cao hơn trung bình cả năm, nhưng để hoàn thành thì trong tháng 12 phải giải ngân 11.200 tỷ đồng vốn TPCP, tương đương 20% khối lượng cả năm. Điều này không dễ thực hiện, bởi các dự án do Bộ Quốc phòng quản lý (3.200 tỷ đồng) sau 11 tháng đầu năm mới hoàn thành được 30% kế hoạch và không có triển vọng đẩy mạnh giải ngân vào tháng 12/2010”, ông Hiển phân tích.
Năm 2011, Quốc hội đã phê chuẩn cho Chính phủ huy động 45.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng. Cho ý kiến về việc phân bổ nguồn vốn TPCP năm 2011, các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giảm huy động nguồn vốn TPCP tạo điều kiện để giảm nợ công (được đánh giá là gần đến ngưỡng thiếu an toàn vì nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2010 đã tương đương 57% GDP) là phù hợp. Nhưng quan trọng hơn là sử dụng nguồn vốn đi vay này thế nào cho hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bởi hiện nay mặc dù nhiều hạn chế, khiếm khuyết trong việc đầu tư, sử dụng nguồn vốn TPCP đã được khắc phục nhưng vẫn còn không ít bất cập.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hiện ở một số địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ nguồn vốn không đúng với cơ cấu ngành được giao, một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư vẫn được giao kế hoạch vốn.
“Tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc phân giao không đúng đối tượng và có biện pháp thu hồi, đồng thời xử lý các sai phạm một cách nghiêm túc, bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội trong việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn TPCP năm 2010”, ông Hiển đề xuất.
Ngoài ra, một trong những hạn chế trong việc đầu tư, sử dụng nguồn vốn TPCP hiện nay, theo ông Hiển là số lượng dự án hoàn thành còn quá ít, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể, trong năm 2010, trong khi các bộ đưa khá nhiều công trình, dự án vào khai thác sau khi đã hoàn thành việc đầu tư như Bộ Giao thông - Vận tải đưa 125 dự án vào sử dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 22 dự án, Bộ Y tế 86 dự án.., thì tại các địa phương số lượng dự án hoàn thành không nhiều dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Mạnh Bôn
Đầu tư
|