Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phải đủ 6 điều kiện
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phải thỏa mãn 6 điều kiện.
6 điều kiện ở đây bao gồm: 1- Phát hành trái phiếu để đầu tư vào các chương trình, dự án theo quy định (điểm a, b, c bảng dưới); 2- Các chương trình, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan; 3- Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý nợ công; 4- Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; 5- Có đề án phát hành trái phiếu được Bộ Tài chính thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh Chính phủ; 6- Tuân thủ các quy định khác của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Đối với các ngân hàng chính sách của nhà nước, tổ chức tài chính, tín dụng phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phải thỏa mãn điều kiện sau: Phát hành trái phiếu để thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; có đề án phát hành trái phiếu được Bộ Tài chính thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh Chính phủ; tuân thủ các quy định khác của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Theo Nghị định này, chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ là Bộ Tài chính.
Chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 32 Luật Quản lý nợ công.
Chủ thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là UBND cấp tỉnh. Trong đó, đối với các dự án được xác định là có khả năng hoàn vốn, tổng giá trị vốn vay, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu, để đầu tư vào một dự án không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của dự án đó.
Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh được phát hành để đầu tư cho các chương trình, dự án sau:
a) Chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm cả phương án tái cơ cấu nợ của các chương trình dự án này.
b)Chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
c) Chương trình, dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn được nhà nước khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
d) Chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. |
Hoàng Diên
Chính Phủ
|