!
Thứ Hai, 17/01/2011 10:34

Có phải “đầu tư không dẫn tới lạm phát”?

Một điều thú vị là trong buổi họp báo cuối năm 2010, lãnh đạo của Tổng cục Thống kê (TCTK) rất tự tin bình luận về lạm phát. Một cách vắn tắt, TCTK - cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng nhân tố tiền tệ chứ không phải đầu tư là căn nguyên gây ra lạm phát ở Việt Nam.

Tổng cục trưởng TCTK đã nhận định rất đúng rằng “nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân đối tiền - hàng và tiền mà nhiều hơn hàng thì không thể không có lạm phát được”. Đơn cử như trong giai đoạn 2006-2010, cả cung tiền và tín dụng của Việt Nam tăng tới 400%, trong khi GDP thực chỉ tăng 40%. Hệ quả tất yếu không chỉ là lạm phát cao mà còn là tiền đồng mất giá, thâm hụt thương mại tăng cao và bong bóng bất động sản ngày một phình to như chúng ta đã thấy.

Cần nhấn mạnh thêm là chỉ trong vòng năm năm, từ 2004-2009, tỷ lệ giữa dư nợ tín dụng nội địa và GDP đã tăng từ mức 60% lên đến trên 120% (xem đồ thị). Điều này có nghĩa là với tốc độ tăng trưởng tín dụng như nhau thì lượng tín dụng mới đổ thêm vào nền kinh tế tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP trong năm 2009 sẽ cao gấp đôi so với năm 2004. Vì vậy, khi tổng dư nợ tín dụng càng tăng cao thì để kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng trưởng tín dụng mục tiêu càng phải giảm.

Mặc dù nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là do chính sách tiền tệ nới lỏng, song nếu nhìn sâu xa hơn, lạm phát ở Việt Nam là do đầu tư tăng rất nhanh nhưng lại kém hiệu quả.

Về mặt số lượng, tổng vốn đầu tư tích lũy đã tăng từ mức 110% GDP trong năm 1995 lên trên 360% GDP trong năm 2009 (xem đồ thị). Về mặt chất lượng, ICOR của nền kinh tế tính theo vốn đầu tư đã tăng từ mức dưới 4,0 trong giai đoạn 1995-2000 lên 4,9 trong giai đoạn 2001-2005 và lên đến 6,8 trong giai đoạn 2006-2010.

Nếu nhìn vào tương quan hiệu quả đầu tư giữa các khu vực kinh tế thì trái với ý kiến của một vị tổng cục phó TCTK, một số đánh giá gần đây cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kém hiệu quả hơn hẳn so với doanh nghiệp tư nhân. Theo tác giả Bùi Trinh (2010), dù tính theo vốn đầu tư thực hiện hay theo tích lũy tài sản thì ICOR của khu vực DNNN cũng cao gấp rưỡi ICOR chung của toàn nền kinh tế.

Nhìn từ khía cạnh tài khóa, hoạt động đầu tư công và tài trợ cho các DNNN có quy mô rất lớn nhưng kém hiệu quả là một nguyên nhân trực tiếp của tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề. Để tài trợ thâm hụt ngân sách, trong nhiều trường hợp Nhà nước đã tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách, và do đó gây ra lạm phát.

Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ thể chế, ở Việt Nam Ngân hàng Nhà nước không độc lập và chính sách tiền tệ thường phải chạy theo chính sách tài khóa. Do đó, chính sách thúc đẩy đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tóm lại, ở Việt Nam chính sách tiền tệ chạy theo chính sách đầu tư và cả hai cùng chạy theo mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Nhưng vì hiệu quả đầu tư ngày một giảm nên nền kinh tế phải liên tục gia tăng đầu tư nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Hệ quả là lạm phát đã trở thành vấn đề thường trực và là cái bóng theo sau tăng trưởng.

Một điều thú vị (và đáng kinh ngạc) nữa là không chỉ dừng lại về mặt định tính, một tổng cục phó TCTK còn đưa ra đánh giá định lượng rất cụ thể về đóng góp của nhân tố tiền tệ vào lạm phát. Theo vị này, “yếu tố tiền tệ đóng góp vào lạm phát khoảng 4,65%, còn lại là các yếu tố khác 7,1%. Còn nếu tính bình quân thì đóng góp khoảng 50%, tức là tiền tệ và các yếu tố khác đóng vai trò 50/50”. Hình như từ trước đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào trên thế giới có thể khẳng định “như đinh đóng cột” như thế này về đóng góp của chính sách tiền tệ đối với lạm phát.

Vậy con số 4,65% từ đâu ra? Một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên là chỉ cần sử dụng CPI của tháng 12-2010 so với tháng 12-2009 (11,75%) và tốc độ tăng trưởng (6,78%), bằng một vài phép tính số học đơn giản ta có thể “sản xuất” ra con số 4,65% này. Cụ thể là [(1 + 11,75%)/(1 + 6,78%) - 1] bằng đúng 4,65%. Hơn nữa, nếu dùng CPI trung bình năm là 9,19% thì áp dụng “công thức” trên, ta có [(1 + 9,19%)/(1 + 6,78%) - 1] = 4,54%, tức là xấp xỉ phân nửa của 9,19%, và do vậy trùng hợp với kết quả “50/50” như trong phát biểu của vị tổng cục phó.

Có điều là “công thức” vừa sử dụng không hề có bất kỳ một cơ sở lý thuyết nào, vì vậy chỉ nên coi là phép tính đùa chơi trong chốc lát. Hy vọng rằng vị tổng cục phó TCTK sẽ công bố mô hình mà ông sử dụng để từ đó đưa ra nhận định về đóng góp của yếu tố tiền tệ vào lạm phát nhằm giải tỏa thắc mắc của rất nhiều người, đồng thời làm cơ sở cho chính sách tài khóa và tiền tệ trong tương lai.

Vũ Thành Tự Anh

tbktsg

Các tin tức khác

>   TPHCM: 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 (17/01/2011)

>   Đổi mới kinh tế và những kiến nghị từ Đại hội XI (16/01/2011)

>   Đầu tư ra nước ngoài càng tăng, nỗi lo càng lớn (16/01/2011)

>   Khởi động dự án sân bay quốc tế Long Thành (16/01/2011)

>   Công hữu tư liệu sản xuất có hạn chế thu hút đầu tư? (14/01/2011)

>   WB lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam (14/01/2011)

>   Khẳng định vai trò Nhà nước trong hội nhập kinh tế (13/01/2011)

>   Việt Nam tăng hạng về tự do kinh tế (13/01/2011)

>   Chen lấn đăng ký kinh doanh lúc 5h sáng (13/01/2011)

>   Trung Quốc: Người khổng lồ bên cạnh ta (13/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật