Trung Quốc: Người khổng lồ bên cạnh ta
Truyền thống tiết kiệm của dân TQ là một yếu tố vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp tích lũy làm giàu của họ. TQ là nước có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, và trong 2 thập kỷ qua tỷ lệ đó còn tiếp tục tăng lên.
Vào năm 2010, TQ (Trung Quốc) đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, vượt lên trên Nhật Bản, và đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 1-2 thập kỷ tới.
Sự đi lên của TQ có rất nhiều hệ quả, cho thế giới. Ví dụ như, TQ sẽ thay thế Mỹ trở thành nước có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Đồng tiền Nhân dân tệ của TQ sẽ trở thành một trong các ngoại tệ mạnh được dùng làm ngoại tệ dự trữ trên thế giới, trong khi vai trò của USD thì giảm đi. Nhiều nước, trong đó có VN (Việt Nam), có nguy cơ trở thành rất phụ thuộc vào TQ về kinh tế. Nhưng đồng thời, sự đi lên của TQ cũng có thể kéo VN lên theo.
Bài viết này nhằm phân tích về sự đi lên của TQ trong hơn 3 thập kỷ qua, và những vấn đề của họ, đồng thời đưa ra một số so sánh với VN, và nhằm rút ra một số bài học cho VN.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) đăng lại một số bài viết của tác giả Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse - Pháp) trên tạp chí Tia sáng liên quan đến chủ đề này, mời bạn đọc đón xem.
Năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho nhiều nước lao đao, kinh tế đi xuống (tốc độ tăng trưởng âm) trong năm 2009. Nhưng TQ năm 2009 vẫn tăng trưởng ở mức rất cao là 8.7%, một mức mà ở nhiều nước khác lúc kinh tế thuận buồm xuôi gió nhất cũng không mơ đạt được.
Triết lý mèo trắng mèo đen
Chủ tịch Mao Zedong (Mao Trạch Đông1) thành lập nước TQ mới (CHND Trung Hoa) vào năm 1949, và muốn đưa TQ trở thành một cường quốc trên thế giới, dựa trên học thuyết Marx-Lenin cộng với triết lý của Mao, lan tỏa ảnh hưởng đến toàn cầu.
Đến sau năm 1976, khi Chu Ân Lai (Thủ tướng TQ) và Chủ tịch Mao mất, và Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình, sinh năm 1904)2 lên nắm quyền, TQ mới thực sự thay đổi quĩ đạo, bắt đầu giai đoạn phát triển nhanh, để từ một nước nghèo khó trở thành đại cường quốc tranh dành ngôi bá chủ thế giới với Mỹ vào năm 2010.
Đặng Tiểu Bình từng là tướng quân đội và từng làm Phó Thủ tướng. Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông mất, Hoa Quốc Phong lên thay đã khôi phục lại Đặng Tiểu Bình, và sau đó họ Đặng với uy tín cao đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của TQ.
Trong các câu triết lý thâm thúy của Đặng Tiểu Bình, nổi tiếng nhất có lẽ là câu: Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột. Từ lúc Đặng Tiểu Bình lên, TQ đã áp dụng triệt để triết lý này, rũ bỏ các chính sách nặng màu "hệ tư tưởng" (ideology), và lập nên các chính sách "thực dụng" (pragmatic) nhằm giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm, trong đó đặc biệt là phát triển kinh tế và ổn định xã hội TQ, khiến thế giới phải nể sợ.
Một số biểu hiện cụ thể của học thuyết "mèo trắng mèo đen" là:
- Từ năm 1978, TQ bắt đầu đợt cải cách triệt để về kinh tế 3. Chủ nghĩa tư bản hay kinh tế thị trường không bị coi là xấu nữa, cho phép kinh tế tư nhân, miễn sao phát triển được kinh tế.
Các hợp tác xã nông nghiệp (mô hình nông nghiệp XHCN) được xóa đi, phân lại đất cho nông dân tư hữu nhằm tăng sản lượng nông nghiệp. Vào năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm đến 70% nền kinh tế TQ (tuy nhiên, cần hiểu rằng, các hãng gọi là "tư nhân" ở TQ, Nhà nước vẫn chiếm cổ phần khá lớn).
- Về mặt đối ngoại, TQ quan hệ với bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ thế lực cầm quyền nào, miễn sao điều này có lợi về kinh tế cho họ.
Theo triết lý "mèo trắng mèo đen", thì tên gọi tư bản hay cộng sản không quan trọng, miễn sao trở thành giàu có quyền lực. Trên thực tế, ở TQ ngày nay, phần lớn các nhà tư bản của TQ là "tư bản đỏ", tức là từ Đảng Cộng sản mà ra. Theo một tin của Tân Hoa Xã TQ đưa ra vào tháng 10/2006, trong số 3.220 tỷ phú (tiền nhân dân tệ) tại TQ, có đến 2.932 "hoàng tử đỏ", tức là con cháu của các lãnh đạo cao cấp của Đảng, chiếm 91%!
Truyền thống tiết kiệm
Truyền thống tiết kiệm của dân TQ là một yếu tố vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp tích lũy làm giàu của họ. TQ là nước có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, và trong 2 thập kỷ qua tỷ lệ đó còn tiếp tục tăng lên.
Nếu như vào thời điểm 1990, tỷ lệ tiết kiệm của TQ là khoảng 39%, thì con số đó tăng lên đến mức 53% vào năm 2008, tức là tư nhân và Nhà nước chỉ tiêu thụ 47% tổng tài sản làm gia, còn lại là tiết kiệm. Để so sánh, cũng quãng năm 2008, tỷ lệ tiết kiệm ở Ấn Độ đạt khoảng 30%, ở Việt Nam đạt khoảng 35%, còn ở các nước tư bản phát triển thì thấp hơn, chẳng hạn ở Pháp đạt khoảng 20%, và ở Mỹ chỉ khoảng 13%.
Nếu chỉ tính tư nhân, thì tỷ lệ tiết kiệm của tư nhân (thu nhập trừ đi chi tiêu của tư nhân) ở TQ vào năm 2008 vào quãng 28%, so với các nước khác: Ấn Độ 32% (tăng lên mạnh từ mức 20% vào năm1998), Pháp 15%, Đức 11%, và ở Mỹ chỉ có hơn 2%.
Các khoản tiết kiệm được thể hiện ở đâu?
Nó thể hiện ở những tài sản bền vững tồn tại lâu dài và những khoản đầu tư, như nhà cửa, công ty, máy móc, khoa học và công nghệ mới, v.v., và những khoản đầu tư ra nước ngoài: các công ty ở nước ngoài, các dự trữ tài nguyên mua được của nước ngoài, các khoản cho nước ngoài vay, v.v. Tổng cộng các khoản đầu tư của TQ ra nước ngoài có thể ước lượng cỡ vài nghìn tỷ USD.
Riêng các khoản TQ cho Mỹ vay (chủ yếu dưới hình thức mua trái phiếu) đã lên tới một con số khổng lồ là 1.700 triệu USD vào năm 2010. Ngoài ra, TQ còn mua quyền khai thác hay mua các công ty khai thác dầu mỏ, khoáng sản, rừng, đất nông nghiệp, v.v. ở khắp mọi nơi trên thế giới, và còn mua cổ phần hay mua đứt nhiều công ty nước ngoài.
Một ví dụ gần đây: hãng xe Geely của TQ, có tiếng xấu là sản xuất xe không đảm bảo độ an toàn, vào năm 2010 đa mua đứt lại hãng xe Volvo, một hãng nổi tiếng về chất lượng xe tốt. Công ty đầu tư CIC (China Investment Corporation) của Chính phủ TQ nắm trong tay 300 tỷ USD để đi đầu tư các nơi trên thế giới.
Có tiết kiệm thì mới có tiền đầu tư (mà không phải vay nợ), và tỷ lệ đầu tư cao thì tăng trưởng kinh tế nhanh. Nếu giả sử là số tiền đầu tư mới mỗi năm ở TQ tương đương với 40% GDP, và chỉ số hiệu quả đầu tư ICOR là 45, thì đủ để cho TQ giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức 10%/năm. (Đây là ví dụ minh họa chứ không hẳn là con số thực tế, nhưng cho thấy ảnh hưởng của mức tiết kiệm và đầu tư trong nước đến tăng trưởng kinh tế, chưa tính đến các đầu tư của TQ ở nước ngoài mang về lợi nhuận mà không hiện lên trong GDP).
Khi có tiền tiết kiệm, dự trữ, thì nền kinh tế cũng an toàn, ổn định hơn là nếu đi vay để đầu tư và tiêu xài.
Đó chính là do TQ có nhiều tiền dự trữ, có thể tung ra gói kích cầu khổng lồ 600 tỷ USD vào cuối năm 2008 để kích thích kinh tế (trong khi các nước khác cũng muốn kích cầu, nhưng không có tiền để có thể làm mạnh như vậy). Khủng hoảng tài chính 2008 đã làm cho các nước ''tư bản già cỗi'' cũng như một loạt các nước đang phát triển yếu đi, nhưng lại làm cho TQ mạnh lên, nhờ thế mạnh dự trữ tài chính của họ.
Vì sao tỷ lệ tiết kiệm ở TQ lại rất cao, không những cao hơn rất nhiều so với các nước giàu, mà còn cao hơn nhiều so với cả các nước nghèo?
Thứ nhất là truyền thống cần kiệm của người TQ: có thể làm việc rất nhiều mà không kêu ca, và có tinh thần tiết kiệm cao. Kể cả các Hoa kiều sống ở các nước giàu, có thu nhập cao, nhưng vẫn giữ thói quen tiết kiệm: nhiều khi ghế rách còn ngồi được thì vẫn dùng mãi không chịu vứt đi thay cái khác.
Thứ hai là, tuy thu nhập bình quân đầu người ở TQ hiện nay đã vào loại khá, không còn là nước nghèo nữa, nhưng phân chia rất không đều: có một tỷ lệ nhỏ người giàu lên nhanh, với mức sống không kém gì phương Tây ở các thành phố lớn; nhưng phần lớn dân số (đặc biệt là những người ở vùng nông thôn) vẫn rất nghèo và sẵn sàng lao động với mức lương rẻ mạt chưa bằng 1/10 so với mức lương phương Tây cho cùng công việc. Lực lượng đông đảo đó không có nhiều tiền để tiêu dùng, và do vậy mức tiêu dùng chung ở TQ thấp.
Một lý do nữa là, đồng RMB (Nhân dân tệ) được giữ ở giá thấp so với USD góp phần làm giảm lượng tiêu thụ hàng ngoại ở TQ.
Một báo cáo của IMF (Quĩ Tiền tệ quốc tế) năm 20096 viết như sau: mức tiết kiệm tư nhân cao chưa chắc đã phải là điều tốt. Nó có thể là dấu hiệu của một hệ thống bảo hiểm xã hội tồi, khiến cho người dân buộc phải tiết kiệm để đề phòng lúc cơ nhỡ. Và nó cũng có thể chứng tỏ là quản lý doanh nghiệp kém, khiến cho các doanh nghiệp có thể giữ lại phần lớn lợi nhuận mà không chịu chi trả cho cổ đông.
Có những người viện vào những lý do như trong báo cáo IMF nhắc tới phía trên để coi nhẹ đi tầm quan trọng của tỷ lệ tiết kiệm cao ở Trung Quốc. Họ còn cho rằng nước Mỹ, một nước hiện có mức tiết kiệm vào loại thấp nhất thế giới, nếu tăng tiết kiệm lên sau đợt khủng hoảng tài chính 2008 thì sẽ chậm phục hồi kinh tế sau khủng hoảng (?!).
Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm sụt giảm ở Mỹ trong suốt mấy thập kỷ qua (nhân dân ''được'' thúc đẩy tiêu dùng quá nhiều, quá khả năng, theo kiểu ''xã hội tiêu thụ'') chính là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm sút thế lực kinh tế của Mỹ so với thế giới, nợ nước ngoài và thâm thụt cán cân thương mại trầm trọng của Mỹ trong những năm qua.
Nếu Mỹ vực kinh tế dậy bằng cách tiếp tục kích thích tiêu pha quá khả năng, không tiết kiệm (như lời khuyên của một số nhà kinh tế), thì chỉ là đào hố sâu thêm cho mình.
Đối với các nước đã phát triển, vẫn phải giữ một tỷ lệ tiết kiệm tương đối (ví dụ như Pháp và Đức, với tỷ lệ tiết kiệm tương đối lớn), mới giữ được sự phát triển bền vững (thu nhập ít nhưng chi phí thấp, có nhiều của cải dự trữ thì cuối cùng vẫn giàu hơn là thu nhập cao nhưng chi phí cao, không có dự trữ). Muốn phát triển nhanh, từ nghèo khó trở nên giàu có, thì phải tiết kiệm nhiều. TQ hiểu rất rõ vấn đề này.
Trong những năm tới, khi hàng hóa TQ trên các thị trường quốc tế đã bão hòa, TQ sẽ buộc phải tăng tiêu thụ nội địa nếu muốn tiếp tục phát triển sản suất, không thì tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa.
Điều này kéo theo là mức tiết kiệm của TQ sẽ phải giảm dần đi. Đến lúc mà TQ đạt thu nhập bình quân đầu người ngang bằng với các nước giầu hiện nay, thì tỷ lệ tiết kiệm cũng sẽ phải giảm đến một "mức tiết kiệm theo nguyên tắc vàng" (golden rule saving rate)7
Sức mạnh tỷ người
Vào năm 2010, nước TQ có 1.340 triệu người, đông nhất thế giới, và bằng 20% của toàn thế giới. "Sức mạnh tỷ người" này là một lợi thế lớn của TQ trên trường quốc tế. Với dân số đông gấp hơn 4 lần Mỹ, chỉ cần đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng 1/4 Mỹ cũng sẽ đủ để TQ vượt lên trên Mỹ thành nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đối với các doanh nghiệp xuyên quốc gia (multi-national), thì thị trường TQ là quá lớn để mà có thể bỏ qua, và doanh nghiệp nào cũng mơ ước chiếm lĩnh được thị trường này. Bởi vậy, từ khi cải cách kinh tế và mở cửa vào năm 1978 và thiết lập các "vùng kinh tế đặc biệt''8 (những vùng mà nước ngoài được đầu tư trực tiếp, với các luật lệ ưu đai tự do hơn các vùng còn lại) từ những năm 1980, TQ đã không khó khăn gì trong việc thu hút đầu tư của nước ngoài.
Biết được lợi thế thị trường lớn của mình, nên TQ có thế mạnh trong đàm phán thương mại với nước ngoài. Thông thường, để vào được thị trường TQ, các hãng phải nhân nhượng về chuyện chuyển giao công nghệ cho TQ, và lắp đặt sản phẩm tại TQ.
Ví dụ, đi kèm thỏa thuận mua máy bay A320 của Airbus, TQ đạt được thỏa thuận lắp máy bay đó tại TQ, trong một công ty với 49% vốn thuộc về TQ. Chiếc A320 đầu tiên sản xuất tại TQ đa ra lò năm 2009.
Thị trường nội địa lớn cũng giúp cho các công ty TQ, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần có "economy of scale'', dễ tồn tại và phát triển. Tất nhiên, dân số đông quá thì không những chỉ có lợi, mà cũng có thể có hại, vì bùng nổ dân số kéo theo nhiều vấn đề về xã hội và môi trường, và đông dân quá thì không đủ của cải và tài nguyên thiên thiên để mà thỏa mãn các nhu cầu. Chính phủ TQ cũng nhận thấy là nước họ đa đông dân đến mức báo động, và trong nhiều năm kể từ 1979 áp dụng khắt khe chính sách 1 con nhằm hạn chế tăng dân số.
Theo ước tính, chính sách 1 con đã làm bớt đi 250 triệu lượt sinh đẻ ở TQ trong quãng thời gian từ 1979 đến 2000 (tức là nếu không có chính sách này, thì dân số TQ sẽ còn tăng thêm 250 triệu người nữa)10. Nếu như trong vòng 50 năm 1950-2000, dân số TQ tăng hơn gấp đôi, từ 550 triệu lên hơn 1.200 triệu, thì dự kiến trong giai đoạn 2000-2050, dân số TQ sẽ chỉ còn tăng thêm khoảng 10%, và có nhiều khả năng giảm đi kể từ 2030.
Biểu đồ dân số TQ
Không nhất thiết phải đông dân mới lợi thế và phát triển được, mà còn phụ thuộc vào tổ chức nội bộ tốt và đối ngoại khôn khéo. Ví dụ, Thụy Sĩ chỉ có 8 triệu dân nhưng là một trong các nước giàu có và hạnh phúc nhất thế giới.
Nhưng dù sao, đất rộng người đông hơn các nước khác là một lợi thế không nhỏ trong các quan hệ đối ngoại, nếu như giữ được đất nước thống nhất và chính quyền Trung ương mạnh. Cái mà TQ sợ là đất nước "chia 5 xẻ 7", như đã từng xảy ra trong lịch sử TQ, sẽ làm TQ yếu đi.
Nguyễn Tiến Dũng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|