Khởi động dự án sân bay quốc tế Long Thành
Dự án sân bay quốc tế Long Thành có quy mô gấp bốn lần sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến đưa vào khai thác trước năm 2020.
Ngày 14-1, Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam (SAC) giới thiệu báo cáo cuối kỳ về quy hoạch tổng thể cảng hàng không quốc tế Long Thành (viết tắt là LTIA, tọa lạc ở huyện Long Thành, Đồng Nai) để các sở, ngành TP.HCM góp ý. Theo SAC, sân bay Long Thành sẽ đạt cấp 4F trong tiêu chuẩn phân loại tổ chức hàng không quốc tế (ICAO), gấp bốn lần sân bay Tân Sơn Nhất. Đây sẽ là trạm trung chuyển hàng không khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các sân bay lớn trên thế giới.
Thay thế sân bay Tân Sơn Nhất
SAC cho biết sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang tọa lạc tại TP.HCM đã đóng vai trò quan trọng như là cửa ngõ quốc tế đến miền Nam Việt Nam. Mặc dù cách trung tâm TP chỉ 7 km nhưng do quá trình phát triển đô thị, sân bay Tân Sơn Nhất đã bị khu dân cư vây kín. “Hiện tại SAC nhận thấy các vấn đề liên quan đến việc khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, như tiếng ồn gây ra bởi máy bay và an toàn giao thông hàng không” - đại diện SAC nhìn nhận.
|
Sân bay Tân Sơn Nhất dần sẽ đạt đến công suất thiết kế, lại rất khó mở rộng nên cần có một sân bay khác.
|
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang khai thác ở mức trên 12 triệu hành khách/năm (gồm 6 triệu hành khách quốc tế và 6 triệu hành khách quốc nội) và 278.000 tấn hàng hóa/năm. Trong vòng 15 năm qua, lượng hành khách quốc nội tăng 13,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế (khoảng 9,3%). Theo đơn vị tư vấn, vào năm 2030, nhu cầu ở các sân bay khu vực vùng TP.HCM sẽ đạt mức 44,5 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Với thực tế này, dù cảng hàng không Tân Sơn Nhất vừa được đầu tư mở rộng với công suất được nâng lên khoảng 20 triệu hành khách/năm (dự kiến trong khoảng thời gian 2015-2020 sẽ đạt đến công suất thiết kế) cũng không thể phục vụ đủ nhu cầu. Vì lý do này mà Chính phủ đặt ra yêu cầu khai thác sân bay Long Thành càng sớm càng tốt trước năm 2020 - SAC cho hay.
Chuyển khách dần về LTIA
Mục tiêu đặt ra là LTIA sẽ phải phục vụ nhu cầu giao thông hàng không vào năm 2020 (giai đoạn 1) và phục vụ 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm trong giai đoạn hoàn thành. Đây là sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á với các cơ sở vật chất hấp dẫn và phát triển hài hòa với quy hoạch vùng phụ cận.
Tuy vậy, đơn vị tư vấn cũng nhận định, do LTIA là sân bay trung chuyển trong khu vực nên tất cả chuyến bay từ/đến TP.HCM phải được phục vụ tại LTIA. Nhưng có một số khó khăn như sản lượng hành khách và hàng hóa phải phục vụ trong khu vực TP.HCM là rất lớn nên chi phí xây dựng trong giai đoạn 1 sẽ lớn hơn nhiều khi phải di chuyển toàn bộ hoạt động từ Tân Sơn Nhất về LTIA. Hiện một số cơ sở vật chất tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn mới, nên nếu sau năm 2020 mà không sử dụng thì việc đầu tư sẽ lãng phí. Chưa hết, hệ thống giao thông tiếp cận đường sắt khó đưa vào hoạt động trước năm 2020 nên việc phục vụ lượng hành khách và hàng hóa khổng lồ sẽ rất khó khăn.
SAC đưa ra năm kịch bản cho việc phát triển LTIA nhưng đề nghị lựa chọn kịch bản thực tế và ôn hòa nhất với mức cụ thể là LTIA sẽ tiếp nhận 90% khách quốc tế và 20% khách quốc nội; Tân Sơn Nhất phụ trách 10% khách quốc tế, 80% khách quốc nội. Với kịch bản này, sản lượng giao thông mục tiêu cho LTIA sẽ đạt 25 triệu hành khách/năm, việc hoàn thành cơ sở vật chất sẽ nhanh và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển dựa vào thực tế. Mặt khác, sản lượng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt lại công suất thiết kế vào năm 2030 nên việc di chuyển toàn bộ từ sân bay Tân Sơn Nhất về LTIA có thể được thực hiện trong giai đoạn 2030-2035.
Kết hợp đường bộ, đường sắt và hàng không
Với lịch trình phát triển như trên, đơn vị tư vấn kiến nghị phát triển LTIA thành bốn giai đoạn. Giai đoạn 2018-2020 sẽ xây dựng sân bay, ga hành khách, khu ga hàng hóa, khu công nghiệp hàng không và học viện hàng không phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 2020-2035 sẽ nâng công suất lên 52 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 2030-2035 sẽ đưa vào hoạt động tất cả hoạt động thương mại chuyển về LTIA và giai đoạn sau năm 2035 sẽ mở rộng theo nhu cầu.
Để hoàn thành giai đoạn 1 sớm nhất, đơn vị tư vấn đề nghị nên chọn xây dựng những hạng mục tối thiểu cần thiết cho hoạt động khai thác đáp ứng công suất ban đầu ở khu vực không vướng giải tỏa. Như vậy, chi phí cho giai đoạn 1 sẽ ít nhất. Qua khảo sát ban đầu, đơn vị tư vấn cũng nhận định khu vực không gây nhiều khó khăn về tình hình địa chất, khá lặng gió và không có hạn chế về hướng bay.
10 tỉ USD là vốn đầu tư ước tính ban đầu cho LTIA. Ngoài ra, để thực hiện dự án có khoảng 5.000 hộ dân sẽ bị giải tỏa.
|
Kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn cho thấy LTIA có công suất cao, ngoài việc phải có hệ thống sân đậu diện tích lớn, các khu vực sân bay, đường bay đáp ứng đủ nhu cầu cùng hệ thống cầu hoặc đường hầm thì đòi hỏi phải có hệ thống giao thông tiếp cận thuận tiện. Theo quy hoạch phát triển giao thông, sẽ có các đường bộ tiếp cận LTIA gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (dự kiến xong vào năm 2020), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự kiến xong trước năm 2020), đường vành đai 4 của TP.HCM (xong năm 2030); đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang (xong trước năm 2030), đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - LTIA (sau năm 2030).
Đại diện các sở, ngành thành phố cũng thống nhất với nhận định này và đề nghị Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đốc thúc các chủ đầu tư sớm hoàn thành các dự án giao thông kết nối vào LTIA để đảm bảo khai thác hiệu quả LTIA khi đưa vào sử dụng.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành tọa lạc ở các xã Long Phước, Bàu Cạn, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu và Cẩm Đường (huyện Long Thành, Đồng Nai); cách sân bay Biên Hòa 32 km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 43 km, cách trung tâm TP.HCM 40 km. LTIA có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; đón được máy bay A380-800 và tương đương, diện tích chiếm đất 5.000 ha; gồm hệ thống bốn đường cất hạ, đường lăn, sân đỗ tàu bay (30 vị trí đậu gần và 21 vị trí đậu xa), khu nhà ga hành khách, hệ thống đường giao thông, khu bảo dưỡng, kho nhiên liệu, khu quản lý điều hành cảng và các công trình phụ trợ...
|
Minh Phong
PHÁP LUẬT
|