Thứ Bảy, 18/12/2010 15:13

TS. Lê Xuân Nghĩa: Áp lực tỷ giá sẽ được giải quyết trong quý 1/2011

(Vietstock) - Bên lề hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro trong 2011” do VietstockMedia tổ chức sáng 18/12 tại TPHCM, TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng, NH Nhà nước Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Vietstock về những vấn đề của thị trường tài chính cũng như triển vọng thị trường chứng khoán năm 2011.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Trong năm 2010, các rủi ro về lạm phát, tỷ giá, lãi suất tác động lớn đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, ông dự báo những rủi ro này có còn tác động mạnh trong năm 2011?

Thông thường khi lãi suất tăng sẽ làm cho thị trường chứng khoán giảm. Bên cạnh đó, giá vàng, giá USD tăng cũng làm cho tâm lý nhà đầu tư dè dặt hơn và những tác động khác của kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng rất mạnh. Điều đó giải thích vì sao năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam giảm, trong khi các thị trường khác thì lại tăng.

Tuy nhiên, dự báo trong năm 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gắn chặt với chứng khoán thế giới hơn bởi những rủi ro về lạm phát, tỷ giá, lãi suất sẽ dần hạ nhiệt.

Cụ thể, trong năm tới, Chính phủ sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm những bất ổn này. Trong đó, áp lực tỷ giá và lạm phát là vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết.

Một khi lạm phát được giải quyết thì lãi suất trên thị trường cũng có xu hướng lắng dịu và thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng bền vững hơn.

Ngoài ra, đà phục hồi kinh tế thế giới năm 2011 sẽ vững chắc hơn, những "đám mây đen" trên bầu trời Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Ý… sẽ mờ nhạt hơn. Kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng nhanh điều này góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh trở lại.

Theo ông để ổn định tỷ giá trong năm 2011, Chính phủ cần những biện pháp quyết liệt như thế nào?

Vấn đề quan trọng nhất của tỷ giá hối đoái không nằm ở sự mất giá của VND với đồng USD mà là cách thức chúng ta xử lý nó thế nào. Theo tôi, Chính phủ cần phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp vừa can thiệp vừa điều chỉnh, vừa điều hành lãi suất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch giữa đồng nội tệ và ngoại tệ thì có thể giải quyết vấn đề này trong quý 1/2011.

Trước hết có thể điều chỉnh chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Không nhất thiết phải điều chỉnh lên mà là có thể làm giãn mức chênh lệch lãi suất đó. Thậm chí có thể giảm lãi suất đồng Việt Nam, miễn sao có lợi nhất cho đồng Việt Nam là được.  

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều biện pháp để thu hẹp sức ảnh hưởng của tỷ giá trên thị trường chợ đen nhưng có vẻ không thành công, ông có nhận định gì về điều này?

Năm vừa qua, đặc biệt là trong tháng 11 và đầu tháng 12, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chợ đen rất lớn so với tỷ giá chính thức đến 10%, có thể nói là mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử tài chính Việt Nam từ năm 1990. Điều đó gây ra quan ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam, nó cũng cho thấy nguồn cung ngoại tệ của chúng ta thiếu hụt thực sự.

Một phần của chênh lệch này cũng do yếu tố tâm lý lo ngại vàng tăng giá, bất ổn về lãi suất, lạm phát… nên các doanh nghiệp có dấu hiệu găm giữ ngoại tệ, ngân hàng cũng ngại bán ra USD càng làm cho chênh lệch này lớn hơn. Như đã nói ở trên, thời gian tới, Chính phủ sẽ có những biện pháp quyết liệt để làm giảm chênh lệch đó và ổn định tỷ giá hối đoái.

Liệu Chính phủ có thể “dẹp” được thị trường này không, thưa ông?

Theo tôi, việc dẹp thị trường này là cũng khó bởi dung lượng của thị trường này là rất lớn, có thể lên tới hàng chục tỷ USD, kể cả vàng. Do đó cần có biện pháp quản lý nó như là một thực thể của thị trường sẽ tốt hơn là ngăn cấm bằng những biện pháp hành chính. Và thực tế đã chứng minh là hàng chục năm nay, chúng ta áp dụng tất cả các biện pháp hành chính nhưng đều không thành công. Tôi nghĩ những biện pháp hữu hiệu nhất là áp dụng những nguyên tắc của thị trường để quản lý, ngay cả với thị trường vàng cũng vậy.

Với những rủi ro và cơ hội đã đề cập, ông có dự báo gì đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2011?

Thị trường chứng khoán năm 2011 có những mặt tích cực đáng quan tâm như giá chứng khoán hiện ở mức rất thấp, điển hình là chỉ số P/E trung bình chỉ vào khoảng 7 – 8 lần trong khi bình quân của khu vực là hơn 17 lần. Điều đó cho thấy các hoạt động đầu tư trung và dài hạn là rất có lợi. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là nhu cầu đầu cơ cũng có vai trò rất quan trọng góp phần tạo ra thanh khoản cho thị trường qua đó kích thích những nhà đầu tư trung và dài hạn tham gia thị trường. 

"Hội thảo tiếp tục được diễn ra tại Hà Nội vào 14h00 ngày 25/12/2010. Vui lòng đăng ký tham dự miễn phí tại đây.

Một trong những lực lượng đầu tư trung và dài hạn có vai trò chủ chốt đến thị trường chứng khoán Việt Nam là các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn ai hết họ là những người có đầu óc phân tích kinh tế rất nhạy bén do đó sẽ dễ dàng nhận thấy rằng đầu tư trung và dài hạn vào thị trường Việt Nam hiện nay hấp dẫn hơn đầu tư vào chứng khoán các nước khác trong khu vực.

Điển hình là trong khoảng 3 tháng gần đây, đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng đều tăng, mặc dù tốc độ không cao chỉ khoảng 10%/tháng.

Với tốc độ đầu tư này thì đến cuối năm 2010 (dương lịch) thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt từ 510 đến 520 điểm. Nếu mốc này đạt được thì chắc chắn rằng thị trường sẽ tăng trưởng bền vững thực sự. Trong trường hợp các mốc này không đạt được mà VN-Index chỉ xoay quanh mốc 490 điểm thì thị trường sẽ ở vào trạng thái cầm cự cho đến giữa quý 2/2011 mới tăng trưởng vững chắc được.

Viết Vinh thực hiện

Các tin tức khác

>   Cơ hội và sức ép chia đều  (18/12/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Không dễ trở lại ngôi vua (17/12/2010)

>   Sóng thị trường đến từ các nhà đầu cơ (17/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ phiên cuối tuần (17/12/2010)

>   Xu hướng đầu tư dài hạn đang chi phối thị trường (17/12/2010)

>   Thị trường hưởng lợi từ quyết định hoãn tăng vốn (17/12/2010)

>   Mua hay không? (17/12/2010)

>   Hoãn tăng vốn ngân hàng chỉ giải “cơn khát” ngắn hạn (17/12/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng: 'Sóng' có vững ? (17/12/2010)

>   Cổ phiếu “ăn theo” sóng ngành (17/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật