Trái phiếu vàng: Không thể là giải pháp dài hạn
Việc huy động vàng trong dân nên được thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại và lãi suất phải được thanh toán bằng vàng.
Việc phát hành trái phiếu vàng chỉ có thể giải quyết tạm thời tình trạng thiếu hụt ngoại tệ và bù đắp một phần thâm hụt ngân sách, nhưng không thể áp dụng trong dài hạn.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ và hỗ trợ cán cân thanh toán, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có cả phát hành trái phiếu quốc tế để vay vốn nước ngoài. Giữa lúc đó, xuất hiện thông tin có một lượng vàng rất lớn, lên tới 1.000 tấn đang nằm trong dân. Con số này, dù chưa được kiểm chứng, đã thức tỉnh giới chuyên gia và nhà làm chính sách về một nguồn vốn dồi dào sẵn có trong nước.
Tuy nhiên, giữa lúc lạm phát gia tăng, vì lo ngại tiền đồng mất giá, người dân càng có xu hướng găm giữ vàng. Để khuyến khích người dân gửi vàng, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Chính phủ nên phát hành trái phiếu vàng để vừa đầu tư cho nền kinh tế, vừa có thể bán ra thu về ngoại tệ khi cần thiết. Thế nhưng, cũng đã xuất hiện không ít ý kiến trái chiều. Dưới góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán APEC, cho rằng, giải pháp này chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn.
Quan điểm của ông về loại trái phiếu này như thế nào?
Theo tôi, khi phát hành trái phiếu bằng vàng thì cũng phải trả lãi suất bằng vàng. Như vậy mới thu hút được người dân gửi vàng. Nếu quy đổi ra tiền đồng thì việc phát hành sẽ không thành công. Bởi lẽ, người dân lo ngại tiền đồng mất giá và muốn giữ vàng như một tài sản đảm bảo.
Lượng vàng trong dân được ước tính lên đến cả ngàn tấn. Trong lúc Nhà nước đang cần vốn thì biện pháp phát hành trái phiếu vàng có vẻ hợp lý?
Vì USD có thể dễ dàng quy đổi sang vàng và ngược lại, nên việc phát hành trái phiếu vàng có thể giúp Chính phủ giải quyết tạm thời tình trạng thiếu ngoại hối cũng như bù đắp một phần thâm hụt ngân sách. Nhưng không thể áp dụng giải pháp này trong dài hạn.
Nhưng rủi ro vỡ nợ chính phủ sẽ rất lớn nếu giá vàng tăng?
Đúng vậy. Việc phát hành trái phiếu bằng vàng chỉ giải quyết vốn cho Chính phủ trong ngắn hạn như trái phiếu 6 tháng, 1 năm, 2 năm.
Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu giá vàng tăng mạnh. Khi đó, ngân sách nhà nước vừa phải bù đắp khoản chênh lệch do giá vàng tăng, vừa phải trả lãi suất. Nếu đến thời điểm đáo hạn mà Chính phủ chưa cân đối được vàng thì sẽ mất khả năng thanh toán. Như vậy, nguy cơ vỡ nợ chính phủ sẽ rất lớn.
Ngoài ra, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu vàng mà không sử dụng hợp lý số vàng huy động được thì sẽ vỡ nợ ngay với người dân trong nước. Nếu phát hành trái phiếu bằng tiền đồng, Chính phủ có thể in tiền để trả nợ. Lúc đó, người dân sẽ phải chịu lạm phát cao. Nhưng không thể thực hiện biện pháp này nếu phát hành trái phiếu bằng vàng.
Một rủi ro khác là khi phát hành trái phiếu vàng sẽ rất dễ xảy ra tình trạng đô la hóa, vì vàng rất dễ chuyển đổi thành USD. Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu vàng cũng có thể dẫn đến vàng hóa. Lúc này, gần như Chính phủ công nhận vàng là một công cụ tiền tệ.
Hiện nay, vàng chỉ có một số chức năng của tiền tệ nhưng vẫn bị hạn chế về mặt luật pháp. Chẳng hạn, Nhà nước cấm niêm yết giá bằng ngoại hối, hoặc không có giao dịch kế toán nào được ghi bằng USD hay vàng nếu chưa cho phép. Tình trạng vàng hóa rất đáng ngại, nhưng tình trạng đô la hóa thì càng đáng ngại hơn.
Nghĩa là dù phát hành trái phiếu bằng vàng, khả năng nền kinh tế bị đô la hóa vẫn có thể xảy ra?
Đây là nguy cơ hiện hữu. Bởi lẽ, dù huy động bằng vàng để bù đắp ngân sách thì Chính phủ vẫn phải quy đổi ra USD. Chính phủ sẽ bán vàng ra để tăng lượng USD, tăng dự trữ ngoại hối.
Lượng vàng trong dân lớn là cơ hội tốt để Chính phủ huy động vốn trong những lúc khó khăn. Đây được ví như là nguồn lương khô dự trữ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam thâm hụt cán cân thanh toán liên tục, việc phát hành trái phiếu vàng chỉ có thể giải quyết được bài toán vĩ mô trong ngắn hạn.
Vậy làm thế nào để huy động và sử dụng vàng trong dân một cách hiệu quả?
Một biện pháp hữu hiệu là huy động thông qua các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng phải trả lãi suất bằng vàng thì mới thu hút được người dân gửi vàng.
Ngoài ra, phải đảm bảo lãi suất được thống nhất giữa các ngân hàng thương mại. Lấy ví dụ, trần lãi suất được quy định là 2% thì mọi ngân hàng phải áp mức lãi suất thấp hơn hoặc bằng mức này.
Điều ông nói có vẻ như ngược lại với Thông tư 22/2010/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành?
Thông tư này hạn chế huy động vàng là do cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối yếu, nên Ngân hàng Nhà nước lo ngại nếu tiếp tục để các ngân hàng thương mại huy động vàng thì sẽ đẩy giá vàng lên cao. Trong khi đó, ngoại tệ được dùng để nhập vàng là USD. Nếu thực hiện biện pháp huy động vàng qua các ngân hàng, USD lại bị rút ra để mua vàng, gây thêm áp lực nhập siêu và căng thẳng ngoại hối. Điều này trái với mong muốn tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Tôi muốn lưu ý một điều rằng, lượng vàng trong dân lớn chưa hẳn là điều đáng ngại. Chính phủ tại một số quốc gia như Trung Quốc muốn người dân tích lũy càng nhiều vàng càng tốt để khi gặp khó khăn về vốn, Chính phủ có thể huy động được. Vấn đề là ở chỗ phải có biện pháp huy động hiệu quả.
Như ông nói, phát hành trái phiếu vàng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vậy biện pháp lâu dài là gì, nếu muốn đảm bảo nguồn dự trữ ngoại hối hay tài trợ cho ngân sách?
Biện pháp dài hạn để giải quyết khó khăn ngoại hối và ngân sách vẫn phải là điều chỉnh tỉ giá để tránh tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai trong 2-3 năm tới. Thậm chí, Việt Nam phải tiến tới đạt thặng dư tài khoản vãng lai, tức lượng kiều hối và xuất khẩu dịch vụ phải bù đắp được thâm hụt thương mại. Theo tôi, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần phải đạt được trạng thái thặng dư thương mại.
Có thể thấy, những quốc gia có tốc độ phát triển thần kỳ luôn đạt thặng dư thương mại trong giai đoạn chuẩn bị cho những bước đi thần kỳ ấy. Bởi lẽ, có thặng dư thương mại thì mới tích lũy được ngoại hối, đầu tư thêm công nghệ, thiết bị cũng như chất xám. Đó là Nhật Bản thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới Thứ II, Hàn Quốc những năm 1980 và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Vũ Dũng
Nhịp cầu đầu tư
|