ADB: Việt Nam còn 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu chưa thanh toán
(Vietstock) – Báo cáo định kỳ hàng quý về thị trường trái phiếu châu Á (Asia Bond Monitor) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2010, tổng trái phiếu bằng đồng nội tệ (LCY) chưa thanh toán của Việt Nam đạt 290 nghìn tỷ đồng (14.9 tỷ USD), tăng 27.4% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng lại giảm lần lượt 1%, 1.8% so với quý trước và tháng trước.
* Giá trị thị trường trái phiếu Đông Á vượt mức 5 ngàn tỷ USD
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã giảm ở tất cả các kỳ hạn kể từ cuối tháng 12/2009 đến cuối tháng 10/2010. Theo đó, đường cong lợi suất ngắn hạn giảm hơn 100 điểm so với các đường còn lại.
Lợi suất giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 3 năm với mức giảm 187 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 7, 10 và 15 năm chỉ giảm lần lượt 66, 37 và 13 điểm. Sự suy giảm đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn phản ánh việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8.0% kể từ tháng 12/2009 trong nỗ lực thúc đẩy cho vay ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 9/2010, tổng trái phiếu bằng đồng nội tệ (LCY) chưa thanh toán của Việt Nam đạt 290 nghìn tỷ đồng (14.9 tỷ USD), tăng 27.4% so với cùng kỳ năm 2009, giảm lần lượt 1%, 1.8% so với quý trước và tháng trước.
Cơ cấu thị trường trái phiếu LCY tại Việt Nam |
|
|
Nguồn: Asia Bond Monitor |
Thị trường trái phiếu tăng trưởng 29% trong 6 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối tháng 9, tổng trái phiếu chính phủ bằng VND đứng ở mức 265 nghìn tỷ đồng, tăng 25.5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại giảm 0.5% so với quý cùng kỳ năm 2009. Trái phiếu chính phủ sụt giảm là do giảm 1.6% trái phiếu kho bạc trong 9 tháng năm 2010.
Trái phiếu chính phủ phát hành trong 3 quý đầu năm 2010 chỉ đạt 10% tổng số trái phiếu phát hành trong 2 quý đầu năm nay. Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu để trả nợ đáo hạn và để kiểm soát thâm hụt ngân sách, dự kiến ở mức 6.0% GDP năm nay.
Việc phát hành trái phiếu chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2010 bao gồm tổng cộng 5.7 nghìn tỷ đồng trái phiếu kho bạc dài hạn và 1.0 nghìn tỷ đồng trái phiếu không đảm bảo ưu đãi kỳ hạn 3 năm do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phát hành.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị Chính phủ phát hành 1.0 tỷ USD trái phiếu chính phủ bảo lãnh tại thị trường quốc tế vào đầu năm 2011. Số tiền thu được dùng để nâng cấp công suất phát điện của Việt Nam.
Tổng trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay tăng lên 25.3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 51.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng VND lại giảm 6.1% so với cùng quý năm trước. Dẫn đầu các công ty phát hành trái phiếu trong quý bao gồm REE với 810 tỷ đồng và HPG với 800 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, 10 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam chiếm tới 91% tổng số trái phiếu doanh nghiệp, tương đương 23.1 nghìn tỷ đồng.
Top 10 doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất |
|
Phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều thuộc lĩnh vực tài chính. Công ty Cổ phần Vincom (HOSE: VIC) xếp thứ nhất với tổng số trái phiếu chưa thanh toán đạt 5.0 nghìn tỷ đồng, kế đến là Techcombank (3.9 nghìn tỷ đồng) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (3.6 nghìn tỷ đồng).
Cho đến nay, Vincom là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất phát hành trái phiếu ngoại tệ (FCY). Công ty này phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi đầu tiên ra nước ngoài với giá trị 100 triệu USD vào tháng 12/2009. Các trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, được niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore. Số tiền thu về sẽ được sử dụng cho việc phát triển các dự án tại Hà Nội.
Bội Mẫn (Theo ADB)
|