Phía sau trạng thái “đóng băng” đầu thầu trái phiếu
|
Theo dõi đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại HNX |
Kế hoạch khoảng 16 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ hai tháng cuối năm có nguy cơ phá sản khi hoạt động đấu thầu “đóng băng”.
Mùa cao điểm giữa năm 2010, hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có tới 95% lực lượng tham gia là các ngân hàng thương mại.
Nay, phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư của một ngân hàng lớn cho biết, ngay khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm trên 10%/năm cũng đã không mặn mà, huống hồ là thấp như hiện nay.
Trắng bảng dự thầu
Từ đầu tháng 11 đến nay, một số công ty chứng khoán lớn đều đặn cập nhật diễn biến của thị trường trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Nhận định chung liên tục được nhắc đến là: kế hoạch phát hành khoảng 16.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong hai tháng cuối năm đang đứng trước nguy cơ thất bại.
Không khó khi đưa ra nhận định đó, bởi thực tế đang rõ ràng, ngoại trừ nhà phát hành có những điều chỉnh lớn.
Sau phiên thành công ngày 28/10/2010, đến nay tất cả 15 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ liên tiếp ở tất cả các kỳ hạn 3, 5 và 10 năm đều trắng bảng dự thầu (tính đến phiên gần nhất ngày 30/11). Nhiều phiên không có thành viên nào đăng ký tham gia, hoặc có tham gia nhưng không thể huy động được vốn.
Chuỗi thất bại này bắt đầu từ phiên ngày 5/11. Đó là mốc đánh dấu thay đổi lớn về lãi suất trên thị trường, cũng như sự điều chỉnh của chính sách tiền tệ, thị trường đối diện với vấn đề thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng các lãi suất chủ chốt; đi cùng với đó là biến động mạnh của lãi suất đầu vào của các ngân hàng cũng như căng thẳng thanh khoản thể hiện rõ.
“Biến cố” trên được các phân tích đưa ra để lý giải cho sự thất bại của hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ, thể hiện ở sự vắng bóng hoàn toàn thành viên tham gia ngay trong phiên ngày 5/11.
Trở lại với báo cáo định kỳ của một số công ty chứng khoán nói trên, nguyên nhân chính tập trung ở sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ khiến các ngân hàng khó huy động vốn (lực lượng chính tham gia đấu thầu), và mức giá trần của trái phiếu thấp hơn kỳ vọng.
Như thông tin từ phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại trên, ngay cả khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm trên 10%/năm họ đã không còn mặn mà, huống hồ là mức trần 9,5%/năm trong phiên gần nhất (30/11) - một mức mà Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) bình luận là quá thấp trong điều kiện thị trường hiện nay.
Và để tăng khả năng thành công của kế hoạch phát hành khoảng 16.000 tỷ đồng trái phiếu, dự báo đưa ra là Kho bạc Nhà nước có thể sẽ nâng mức lãi suất trần lên.
Lãi suất chưa hẳn là tất cả
Lãi suất quá thấp, hoặc “đã ở vùng đáy” được một số bình luận đưa ra lý giải. Nhưng trao đổi với VnEconomy, vị lãnh đạo ngân hàng nói trên cho rằng đó mới chỉ là một yếu tố. “Khi quyết định đầu tư, chúng tôi còn phải cân đối và tính tới nhiều yếu tố khác nữa”, ông nói.
Đó là yêu cầu cân đối tài sản của ngân hàng và chi phí đầu tư tại từng thời điểm. Lãi suất huy động đầu vào đã tăng cao được đặt trong so sánh bất lợi với lãi suất trái phiếu thấp. Và một điểm được chú ý là yêu cầu cân đối vốn và cân đối kỳ hạn. Ngân hàng cần hài hòa những yêu cầu này.
Từ đầu tháng 11, chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh hơn đã thể hiện, phản ánh qua khó khăn thanh khoản và sự leo thang của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động đã tăng nhanh và có xu hướng tăng cao. Trong khi đó, bên cạnh lãi suất thấp, vốn đầu tư vào trái phiếu lại mang tính dài hạn trong khi không hẳn ngân hàng nào cũng dư giả vốn để sẵn sàng theo đuổi.
Ở một diễn biến khác, yếu tố cơ hội đầu tư qua kênh trái phiếu với khả năng quay vòng vốn trên thị trường mở và liên ngân hàng cũng đã hạn chế. Trong tháng 5 và 6, hoạt động đấu thầu trái phiếu sôi động được phân tích ở khả năng sinh lợi từ chênh lệch lãi suất hấp dẫn. Mua trái phiếu lãi suất khoảng 11%/năm, ngân hàng dùng cầm cố tranh thủ nguồn vốn khoảng 7% - 8%/năm trên thị trường mở (OMO) để có chênh lệch 3% - 4%; nguồn vốn đó thậm chí còn thêm một vòng cho vay trên liên ngân hàng với lãi suất từ 9% đến trên 10%...
Nhưng nay, khả năng tạo chênh lệch đã bị thu hẹp khi lãi suất trái phiếu thấp, lãi suất mượn vốn trên OMO tăng. Cũng xét theo mối liên hệ này, khó khăn đã thể hiện khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Các kỳ hạn dài trên OMO như 14 ngày, 28 ngày đã bị rút, chỉ còn lại kỳ hạn 7 ngày; tại kỳ hạn 7 ngày này lãi suất 7%/năm trước đó cũng đã “bị” tăng lên 8,75%/năm. Giá trị còn lại là lượng vốn bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang được duy trì khá đều những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, khi trao đổi về khía cạnh này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng không nên “tập trung” ở câu chuyện mua trái phiếu để tranh thủ vốn trên OMO kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. “Đó chỉ là một giá trị cấu thành của trái phiếu, không phải là mục tiêu chính. Quan trọng hơn là tính năng tạo chủ động phòng thủ cho thanh khoản, dự trữ thanh khoản của nó”, vị lãnh đạo này nói.
Từ nay đến đầu năm tới, mùa cao điểm chi trả và ám ảnh khó khăn thanh khoản thường thể hiện trong quá khứ, trái phiếu sẽ phát huy tính năng dự phòng. Thế nhưng điều này còn tuy thuộc vào trạng thái của thị trường mở. Trong tình huống Ngân hàng Nhà nước ngừng bơm ròng, hút tiền về để chống lạm phát, có thể các ngân hàng khó khăn thanh khoản sẽ buộc phải bán trái phiếu. Ở tình huống giả định này có thể suy tính: khi nhiều người cùng bán ra, giá khó thuận lợi.
Minh Đức
TBKTVN
|