Thứ Hai, 13/12/2010 10:26

“Hot” cổ phiếu cao su

(Vietstock) - Bất chấp thị trường trồi sụt, hầu hết các cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên đều  đi lên. Có cổ phiếu đã tăng đến 22% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Thống kê giao dịch cổ phiếu tháng qua cho thấy, TNC có mức tăng mạnh nhất lên đến 22%, kế đến là DRC với mức tăng trưởng 16%, TRC và DPR cùng tăng 5%, PHR cũng tăng thêm 1.8%, duy chỉ có HRC giảm 2.34%.

Thị giá của các doanh nghiệp cao su 1 và 3 tháng qua

Nguồn: VietstockFinance

Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên kinh doanh khá hiệu quả, công tác bán hàng gặp nhiều thuận lợi. CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) cho biết lợi nhuận tháng 11 ước đạt 58 tỷ đồng, lũy kế lên 528 tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch năm. CTCP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) trong tháng 11 thực hiện được 45 tỷ đồng lợi nhuận, nâng lũy kế 11 tháng lên 237.5 tỷ đồng, vượt kế hoạch 2%. Kết thúc tháng 11, CTCP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) ước thực hiện được 38 tỷ đồng lợi nhuận, nâng lũy kế 11 tháng lên 306.5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Kết quả kinh doanh thuận lợi trên có được là nhờ giá bán sản phẩm xuất khấu đạt con số kỷ lục. Giá bán bình quân 10 tháng đầu năm của toàn ngành cao su đạt 2,819 USD/tấn, tăng 1,270 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Có những thời điểm giá cao su tăng vọt lên 4,000 USD/tấn. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá cao su chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do nguồn cung cao su ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sụt giảm, trong khi nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.

Doanh nghiệp vẫn tăng sản lượng bán khi giá cao

Ông Nguyễn Thái Bình, đại diện TRC cho biết, mặc dù không được mùa do thời tiết bất lợi, mưa nhiều, khí hậu trong nước biến đổi, thiên tai ở các nước sản xuất cao su đã hạn chế nguồn cung nhưng ngành cao su được hưởng lợi từ giá bán lên cao. Riêng TRC, giá bán bình quân 11 tháng đạt 60.5 triệu đồng/tấn, con số vượt khá xa sự kỳ vọng hồi đầu năm nay chỉ vào khoảng 40 triệu đồng/tấn.

Giá bán bình quân 11 tháng (triệu đồng/tấn)

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Ông Bình cho hay, mặc dù giá bán cao nhưng việc bán hàng lại diễn ra khá suôn sẻ. Tất cả các loại mủ từ trung hạn đến cấp thấp đều được khách hàng mua vào. Thậm chí có những trường hợp khách hàng còn sẵn sàng ứng tiền trước để chờ hàng.

Cùng chung ý kiến, ông Phạm Phi Điểu, đại diện công bố thông tin DPR chia sẻ, giá càng cao càng dễ bán, một hiện tượng khá hiếm hoi đối với doanh nghiệp khác ngoài ngành cao su. Nguyên nhân đến từ sự kỳ vọng giá tiếp tục lên cao, do đó các thương nhân sẵn sàng mua giá cao để hưởng sự chênh lệch trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm như hiện nay.

Được biết, sở dĩ giá bán của các đơn vị có sự khác biệt là do mỗi doanh nghiệp có những đối tượng khách hàng, sản phẩm và thị trường mủ khác nhau, mặc dù giá bán này đã căn cứ vào mức sàn của tập đoàn và giá cao su trên các sàn giao dịch.

Cao su nhân tạo khó thay thế

Như vậy, trong bối cảnh giá cao su leo thang, liệu người tiêu dùng có chọn sản phẩm thay thế cao su thiên nhiên hay không? Theo ông Bình, người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng sản phẩm cao su với tỷ trọng 40% nhân tạo và 60% thiên nhiên. Mặc dù cao su nhân tạo hiện được sử dụng nhiều nhưng chủng loại này không thể thay thế hoàn toàn cao su thiên nhiên. Chẳng hạn, với hầu hết các con đường giao thông trải nhựa hiện nay, dưới tác động của trọng lực đòi hỏi phải sử dụng cao su thiên nhiên với độ đàn hồi cao và độ bám tốt mặt đường. Đây là những đặc tính khó tìm thấy ở cao su nhân tạo.

Tăng sản lượng, mở rộng vùng đất mới

Trước sức ép về quỹ đất hạn hẹp, nhiều nơi không còn khả năng mở rộng diện tích trồng cao su, các doanh nghiệp niêm yết đã chủ động tìm kiếm các vùng đất mới. TRC hiện đang trồng 10,000 ha cao su tại Công ty Dầu Tiếng – Lào Cai, 10,000 ha ở Nghệ An. Ngoài ra, công ty còn mở rộng trồng cao su sang Lào với 10,060 ha. Năm 2011, TRC sẽ đón dòng nhựa đầu tiên tại Lào từ 4,000 ha đã khai thác hồi năm 2005.

Đối với DPR, công ty cho biết Đồng Phú – Kratie hiện đã trồng 4,000 ha và Đồng Phú ĐakNông cũng đã trồng 1,000 ha cao su.

Trao đổi với Vietstock về việc mở rộng sản xuất lốp xe, ông Bình cho biết TRC hiện chưa nghĩ đến việc này do sản xuất săm lốp đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là nguyên liệu đầu vào leo thang. Vì vậy các doanh nghiệp sản xuất lốp xe có thể hòa vốn nhưng khó có lời trong giai đoạn hiện nay, chủ yếu họ lấy ngắn nuôi dài cốt để duy trì thương hiệu và giữ thị trường.

Giảm thiểu rủi ro nhờ chuyển dịch thị trường xuất khẩu

Về thị trường, tính đến hết tháng 10, cả nước đã xuất khẩu được 592,013 tấn mủ cao su với giá trị xuất khẩu đạt 1.67 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu thị trường xuất khẩu với 979.8 triệu USD, chiếm 58.6% tổng kim ngạch, Malaysia xếp thứ 2 với 6.6% tổng kim ngạch, Đài Loan xếp tiếp theo với 4.68% tổng kim ngạch.

Mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ cao su ở đây ngày càng gia tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô nhưng các doanh nghiệp vẫn giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này trước hàng loạt nguy cơ.

Trao đổi với Vietstock về những rủi ro khi xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, đại diện DPR và TRC đều có chung nhận định rằng thị trường này đang dần trở nên kém hấp dẫn. Các hợp đồng ký với đối tác Trung Quốc thiếu tính pháp lý nên rất khó thực thi theo đúng cam kết, chưa kể thị trường này không ổn định và yêu cầu về chất lượng là khá thấp. Trường hợp phía Trung Quốc không muốn mua nữa thì bản thân doanh nghiệp rất khó bán cho các đối tác khác vốn dĩ đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng, đặc biệt là thị trường Nhật, Mỹ, Châu Âu.

Chính vì thế, các khách hàng của DPR chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua lần lượt đạt 611 ngàn USD và 405 ngàn USD. Những thị trường xuất khẩu này có ưu điểm là ổn định, lâu dài, uy tín và giá cả neo theo giá thế giới. Còn kim ngạch tại thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 204 ngàn USD.

TRC cho biết vẫn bán cho thị trường Trung Quốc nhưng tỷ trọng còn khá thấp. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty trong 10 tháng qua gồm Mỹ (545 ngàn USD), Indonesia (428 ngàn USD), Tây Ban Nha (360 ngàn USD), Bỉ (228 ngàn USD), Brazil (110 USD). Hiện công ty xuất sản phẩm latex qua thị trường Châu Âu nhiều.

Trên thực tế, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn cao do các doanh nghiệp mua sản phẩm của các công ty rồi bán lại qua biên giới. Các doanh nghiệp này phải đối mặt với khá nhiều rủi ro do không đủ vốn để trữ cao su 1-2 tháng cũng như dễ bị chôn vốn trong trường hợp bán chưa được sản phẩm.

Thị trường xuất khẩu cao su của các DNNY 10 tháng/2010

Đơn vị tính (USD)

Nguồn: Bộ Công Thương

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của cả nước đạt 1.6 tỷ USD với 598 nghìn tấn, ước tính sản lượng cả năm đạt 750,000 tấn với kim ngạch đạt 1.8-2 tỷ USD. PHR là doanh nghiệp niêm yết dẫn đầu thị trường xuất khẩu 10 tháng qua với 2.3 % tổng kim ngạch, đạt 38.58 triệu USD. Đây cũng là doanh nghiệp niêm yết duy nhất lọt vào top 20 doanh nghiệp xuất khẩu cao su 10 tháng đầu năm nay. DPR xếp thứ 2 với 15.28 triệu USD (0.9% tổng kim ngạch), kế đến là TRC với 9.36 triệu USD (0.6% tổng kim ngạch), HRC với 7.7 triệu USD (0.5% tổng kim ngạch)

Bội Mẫn

Các tin tức khác

>   Mở cửa: Thị trường bùng nổ, VN-Index tiếp cận 490 điểm (13/12/2010)

>   Lựa chọn cổ phiếu khi thị trường tăng giá  (13/12/2010)

>   OTC: Không bán giá thấp (13/12/2010)

>   Ông Nguyễn Hồ Nam: 400 triệu USD vốn ngoại chờ giải ngân (12/12/2010)

>   Tổ chức vào cuộc (12/12/2010)

>   Giao dịch khối ngoại tuần từ 06 - 10/12: Ẩn số VIC (11/12/2010)

>   Thị trường tuần 13 – 17/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (11/12/2010)

>   Vốn ngoại mua ròng: Mừng, nhưng đừng quá hào hứng (10/12/2010)

>   "TTCK rất khó có xu hướng khởi sắc rõ nét" (10/12/2010)

>   Lo có “ngọn lửa dưới đám khói” (10/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật