Đổi mới công nghệ
Theo kết quả đánh giá trình độ công nghệ của 429 doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM do Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất (Hepza) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP thực hiện năm 2008 dựa trên 4 thành phần: Thiết bị, thông tin, nhân lực và tổ chức, thì trình độ công nghệ yếu chiếm đến 51% DN, trung bình 36%, khá 8% và tiên tiến chỉ có 1%.
Vì vậy, một đề án đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TP là hết sức cần thiết.
Trên thực tế ai cũng biết, đổi mới công nghệ là chìa khóa tạo ra sự khác biệt về sản phẩm hay dịch vụ, mang lại năng suất cao hơn, chất lượng và thỏa mãn khách hàng tốt hơn, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Có thể coi Apple là ví dụ minh chứng, khi có tới 4 sản phẩm của thương hiệu này nằm trong top 10 sản phẩm công nghệ tốt nhất năm 2010 do Tạp chí Mỹ Time vừa công bố.
Đứng ngôi đầu trong bảng xếp hạng, do các chuyên gia và nhà báo của tờ Time bình chọn, là máy tính bảng iPad, sản phẩm vô địch về tốc độ bán hàng trong số tất cả các sản phẩm công nghệ số được phát hành. Apple chỉ mất 1 ngày để bán 350 nghìn máy tính bảng iPad và chỉ 28 ngày để đạt con số 1 triệu đơn vị. Hai triệu chiếc iPad được bán chỉ trong 60 ngày và 80 ngày sau khi ra mắt đã có 3 triệu chiếc được bán ở Mỹ.
Điều gì đã mang đến cho Apple những thành công này? Đó là đổi mới công nghệ và có thể nói đầu tư cho đổi mới công nghệ là siêu lợi nhuận. Nhưng vấn đề là làm sao cho DN nhận thức được điều này?
Nhiều ý kiến đề xuất cần có cẩm nang đổi mới công nghệ trong DN, xem nó như là quyển sách “gối đầu giường” cho các lãnh đạo cao nhất và các nhà quản lý chủ chốt của DN. Có thể theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là đổi mới công nghệ sản xuất (gia công, chế biến, chế tạo) sản phẩm gắn liền với máy móc, thiết bị được tự động hóa. Hướng thứ hai là đổi mới công nghệ quản lý, điều hành kinh doanh, sản xuất, có hoặc không có kết hợp với hệ thống thông tin quản lý.
Một bài học kinh nghiệm trong đổi mới công nghệ, theo ông Trần Đức Đạt, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), là phải gắn liền việc nghiên cứu với nhu cầu thực tế; phải xuất phát từ những đề xuất, nhu cầu thực của DN thì khả năng ứng dụng mới thực sự thành công.
Mai Vọng
THANH NIÊN
|