Kinh tế Việt Nam năm 2010
1. Năm 2010, Việt Nam đã thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN với những đề xuất và sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Việc lần đầu tiên đưa Mỹ và Nga tham gia vào Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), có thêm tám nước tham dự, kể cả Nga và Mỹ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cộng đồng ASEAN, gìn giữ hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông. Qua các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp này, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới được nâng lên rõ rệt.
2. Tăng trưởng GDP, xuất khẩu, công nghiệp là những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam năm 2010. GDP tăng 6,7%, cao hơn mục tiêu đề ra (6,5%). Xuất khẩu tăng 25,5%, trong khi kế hoạch chỉ là 6%. Còn giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, chưa hồi phục sau khủng hoảng.
3. Lạm phát tăng cao (11,75%), nhập siêu cả năm là 12,37 tỉ đô la Mỹ, giá vàng tăng mạnh và cao hơn giá vàng thế giới, tiền đồng mất giá hơn 9,68%, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do quá rộng (có lúc là 2.000 đồng/đô la Mỹ) là những bất ổn vĩ mô tác động mạnh đến đời sống người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung trong năm. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình trạng này đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa mở rộng và sâu xa hơn là do mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư nhưng kém hiệu quả.
4. Vụ đổ vỡ của tập đoàn Vinashin, với khoản nợ 86.000 tỉ đồng, tức hơn 4 tỉ đô la Mỹ, là một bài học đau xót về việc buông lỏng quản lý ở các tập đoàn kinh tế nhà nước. Với đề án tái cơ cấu tập đoàn này, thực hiện trong ba năm 2011-2013, Chính phủ hy vọng sẽ vực dậy Vinashin, giúp nó trả được nợ và có lãi. Nhiều ý kiến phân tích vẫn bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi của đề án và việc định mức tín nhiệm quốc gia, ngân hàng và doanh nghiệp bị sụt hạng.
5. Cuộc đua lãi suất quyết liệt giữa các ngân hàng trong năm qua đã lên đến đỉnh, khi lãi suất huy động có thời điểm đạt 17%/năm. Bằng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất hạ nhiệt nhưng vẫn đứng ở mức cao và đã xuất hiện hiện tượng hai lãi suất. Đây chính là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm qua. Từ chỗ được hỗ trợ lãi suất 4% trong năm 2009, sang đầu năm 2010 doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay vốn trên 10%, rồi tăng dần đến 16-18%/năm, thậm chí có lúc hơn 20%.
6. Lũ lụt kéo dài nhiều đợt tàn phá các tỉnh miền Trung. Dù Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2007 nhưng đến nay hầu như chưa mang lại kết quả. Trong khi đó, các dự án thủy điện mọc ra như nấm dẫn tới những hệ lụy như phá rừng, xả lũ không đúng quy trình, gây ngập lụt, góp phần làm tăng sức tàn phá của thiên tai. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 750 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP.
7. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng không chỉ trong mùa khô mà ngay cả vào mùa mưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất và làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là do nhiều nhà máy bị chậm tiến độ, nhu cầu tiêu thụ tăng ngoài dự kiến, giá điện thấp không thu hút được đầu tư... Nhưng nguyên nhân chính là thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, từ quy hoạch riêng của ngành điện đến việc cân đối với quy hoạch của các ngành khác như thép, xi măng... và tình trạng độc quyền trong lĩnh vực phân phối điện.
8. Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không được Quốc hội thông qua trong năm nay được nhìn nhận dưới góc độ tích cực là giảm bớt sức ép đối với ngân sách và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sau đó, vào cuối tháng 8, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Nhật để lập dự án đầu tư xây dựng hai đoạn đường sắt cao tốc là Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.
9. Công ty Vedan đồng ý bồi thường cho nông dân ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM, tổng cộng gần 220 tỉ đồng, sau nhiều cuộc đấu tranh giằng co. Câu chuyện này cho thấy ý thức đấu tranh bảo vệ môi trường của người dân đã được khơi dậy và đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về môi trường.
10. Hàng loạt các văn bản pháp luật đã bị hoãn có thời hạn hay phải sửa đổi từ lúc chưa có hiệu lực thi hành do thiếu sự khảo sát khoa học khi xây dựng dự thảo, hoặc chưa đánh giá đúng tác động của chính sách, hay lộ trình triển khai quá cập rập... Điển hình như ngành ngân hàng gia hạn thời điểm chấm dứt kinh doanh vàng trên tài khoản (hai lần), Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng chưa đến ngày có hiệu lực (1-10-2010) đã phải sửa bằng Thông tư 19 (ban hành ngày 25-9-2010). Mới đây nhất là yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng với các ngân hàng thương mại được gia hạn thêm một năm, tức là đến cuối năm 2011. Ngành thuế tiếp tục bán hóa đơn cho các doanh nghiệp đủ dùng đến 31-3-2011 thay vì chấm dứt việc này vào đầu năm tới đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện tự in hóa đơn. Hệ lụy của việc hoãn thi hành là doanh nghiệp luôn bị động, do không tiên liệu được chính sách.
tbktsg
|