Thứ Năm, 30/12/2010 10:14

Những vấn đề cần giải quyết

Giá cả hàng hóa tăng cao luôn là nỗi lo của người dân.

Năm 2010 đã khép lại. Có lẽ cũng là lúc nên có vài suy nghĩ về nền kinh tế Việt Nam. Năm 2010 khá đặc biệt vì nó là năm bản lề, khép lại thời gian hoạt động của chính phủ nhiệm kỳ cũ và mở màn cho một chính phủ nhiệm kỳ mới.

* GS.TS. Trần Ngọc Thơ: Điều hành bộ ba bất khả thi như thế nào?

* Năm 2010, Nhà nước lạc quan, doanh nghiệp bi quan

Năm năm qua, Việt Nam đã hoàn toàn hòa nhập với nền kinh tế giới, với tất cả các rào cản mà các nước dựng lên che chắn, hoặc tự mình dựng lên che chắn đã được xóa bỏ. Từ mốc 2006, Việt Nam đã trở thành thành viên bình thường của tất cả các định chế quốc tế quan trọng, từ Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), cho tới WTO và cũng là thành viên của các tổ chức mang nhiều tính chính trị hơn như ASEAN, APEC, kể cả việc được bầu làm thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, cũng như đảm nhiệm các vai trò quan trọng như là nước chủ nhà tổ chức hội nghị APEC và chủ tịch ASEAN.

Sự nổi lên về mặt chính trị quốc tế như thế lại không đi kèm với sự vượt trội về mặt kinh tế. Việc trở thành thành viên tổ chức WTO, sau hàng chục năm vật lộn với đòi hỏi cải cách của tổ chức này, khơi dậy được sự tin tưởng của cộng đồng giới làm ăn trên thế giới rằng một con rồng mới sẽ xuất hiện, kéo theo được dòng đầu tư khá ồ ạt từ nước ngoài đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, ngọn lửa đó dường như chưa thể bùng lên như kỳ vọng.

Bài này sẽ nêu ra một số điểm hạn chế mà nền kinh tế Việt Nam phải khắc phục, phản ánh những phân tích tác giả đã làm từ nhiều năm nay.

1. Ổn định giá cả là ưu tiên số một của chính sách phát triển

Việt Nam chính vì phải đối phó với nạn lạm phát phi mã có lúc lên tới gần ngàn phần trăm vào những năm 1980, đã phải cải cách một cách triệt để. Nhưng tiếc thay nạn lạm phát sau khi bị kéo xuống mức gần mức zero, tạo nên thời gian ổn định khá dài và sự phấn khởi của người dân đã trở lại trong năm năm qua. Chính quyền vài năm nay vẫn đề nghị và lại được Quốc hội chấp thuận với chỉ tiêu lạm phát ở mức 7%, một tỷ lệ lạm phát mà khó có một nước đặt ưu tiên ổn định lên hàng đầu lại có thể chấp nhận được. Không thể coi sự mất giá trên 70% trong năm năm qua là bình thường. Đối với người có đồng lương cố định thì họ sẽ ngày càng nghèo đi rõ rệt.

2. Phải xóa bỏ tư tưởng chạy theo tốc độ GDP để tạo sự ổn định về giá cả

Tư tưởng chạy theo tốc độ tăng trưởng ở mức 9-10% rồi xuống mức 7-8% những năm gần đây cũng đều không đạt được mà lạm phát lại tăng, nợ nước ngoài và nợ của Chính phủ cũng tăng mạnh, đồng thời nhập siêu lớn vẫn chưa có lời giải.

Nợ nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi trong bốn năm qua, từ 16 tỉ đô la lên trên 37 tỉ đô la (chỉ kể đến năm 2009, bằng 39% GDP). Nợ của Chính phủ chưa tính đầy đủ (vì chưa gồm nợ hưu trí) cũng đã tăng lên trên 52% GDP. Những tỷ lệ này hoặc đã vượt hoặc gần với ngưỡng an toàn. Tuy nhiên do dự trữ ngoại tệ mỏng, đòi hỏi ngoại tệ cho nhập siêu để đáp ứng chỉ tiêu tốc độ phát triển lớn hơn khả năng (đặc biệt là mở rộng đầu tư từ khu vực nhà nước) sẽ tiếp tục làm giảm nhanh nguồn dự trữ này xuống.

Đặc biệt là nợ nước ngoài đang tăng nhanh, ở mức 43% năm 2009. Quan trọng hơn nữa là nợ của doanh nghiệp không được Nhà nước bảo lãnh (chủ yếu là của doanh nghiệp quốc doanh) mượn với lãi suất cao trên thị trường cũng tăng nhanh, hơn gấp đôi vào năm 2009. Việc Vinashin không trả được nợ, đã làm lãi suất vay của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới tăng hơn 2,5 điểm phần trăm, là điển hình của loại nợ nói ở trên.

3. Tập trung vào sản xuất có chất lượng, xóa bỏ tham nhũng

Tăng chất lượng, xóa bỏ tham nhũng là điều nói dễ, làm khó.

Tính khoa học đòi hỏi phải có những tiêu chí đánh giá dự án rõ ràng minh bạch, và sau đó đánh giá chất lượng những công trình đầu tư đã hoàn thành của Nhà nước, để chấm dứt các tỉnh tranh nhau đầu tư mà không có nhu cầu, và nếu có đầu tư thì chi phí tốn kém, nợ tiếp tục chồng chất, chất lượng lại kém cỏi, cần đại tu ngay sau khi hoàn thành.

Việc bảo đảm chất lượng này có thể nói là vượt ngoài khả năng của bất cứ một nhà kinh tế và kỹ thuật nào. Nó là vấn đề chính trị và xã hội. Khi mà người dân và nhà khoa học không có tiếng nói và tham gia thật sự vào quá trình thông qua dự án và kiểm tra chất lượng, chống lại tệ nạn tham nhũng thì không thể giải quyết được tình hình. Một bài tính nhỏ sau đây có thể gián tiếp cho thấy tình trạng ăn cắp của công, đặc biệt thông qua tiền phải “cưa” cho nhà nhập khẩu và người kêu thầu. Số tiền này thường được để ở nước ngoài và sau đó chuyển vào Việt Nam dưới dạng kiều hối.

Ta có thể thấy số kiều hối tăng nhanh, điều đó là tốt cho quốc gia, nhưng cũng nên tự hỏi là nguồn gốc kiều hối này có thể giải thích được không? Hiện nay, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài là 66.000 người, số kiều bào là 3 triệu, nếu trừ đi kiều bào ở những nơi khó có thể có đóng góp đáng kể như ở Campuchia, Lào... thì toàn bộ số người có thể gửi số tiền đáng kể về Việt Nam là 2,5 triệu người. Như vậy tính trung bình, mỗi người gửi về một năm là 1.200 đô la năm 2005 và năm 2010 là 2.800 đô la. Một con số cao khó lòng tưởng tượng được, ngay cả trên cơ sở tính theo hộ gia đình. Nếu so với Philippines năm 2010, số lao động ở nước ngoài là 4,8 triệu và số tiền kiều hối là 10,7 tỉ đô la thì trung bình mỗi người gửi về một năm là 2.200 đô la. Nhưng nên nhớ là người lao động ở nước ngoài có khuynh hướng gửi toàn bộ số tiền để dành về còn kiều bào ở nước ngoài thì hành vi sẽ khác hẳn.

4. Vai trò của quốc doanh

Có lẽ ít ai lại chủ trương xóa bỏ hoàn toàn khu vực quốc doanh. Nhiều nước trong giai đoạn đầu đã sử dụng quốc doanh như công cụ tập trung vốn, mở rộng sản xuất, tạo dựng sức mạnh của nền kinh tế quốc gia rồi sau đó tư hữu hóa vì cần động lực phát triển của tư sản cá nhân. Ta thấy nhiều nước đã thành công trong chiến lược ngắn hạn này như Hàn Quốc, Singapore một số nước tây âu như Đức, Pháp, Anh và hiện nay may ra có thể là Trung Quốc.

Ta thấy thành công đòi hỏi hai điều kiện: luật pháp và kỷ cương được tôn trọng và người tài được sử dụng. Trong một xã hội thiếu kỷ cương và luật pháp minh bạch thì chỉ có người bất tài và tinh ranh mới có thể nổi lên. Sự thất bại của quốc doanh Việt Nam cho đến hôm nay nói lên rằng những tiền đề nền móng cần có chưa xuất hiện.

5. Những vấn đề thuộc nền móng xã hội

Những điều nói ở trên đòi hỏi việc xóa bỏ nguyên nhân tạo ra tham nhũng, lạm quyền và xây dựng cơ sở cho việc chống lại chúng. Đây là những vấn đề thuộc nền móng xã hội, đòi hỏi sự thay đổi quan điểm cơ bản về tương lai của xã hội thì mới có thể giải quyết được. Xin chỉ nêu hai vấn đề.

Vấn đề sở hữu đất đai là một vấn đề nền tảng. Đất đai cùng với lao động và tư bản chỉ là một trong ba yếu tố quan trọng trong kinh tế. Lao động và tư bản đã được cởi trói để từng cá nhân trong xã hội có thể xác định quyền tư hữu của mình. Thế nhưng mảnh đất thì vẫn không. Nó thuộc toàn dân, nhưng thật sự là thuộc quan chức đang nắm chính quyền; họ có thể lấy lại quyền sử dụng khi nào họ muốn, theo giá trị họ quyết định, chuyển đổi mục đích sử dụng theo ý họ quyết định. Đây chính là cơ sở cho tham nhũng.

Vấn đề độc lập của tư pháp là yêu cầu quan trọng nhất nhằm bảo vệ công lý, kỷ cương xã hội, chống tham nhũng, lạm dụng quyền hành của người cầm quyền. Chừng nào mà tư pháp không độc lập, bị đặt dưới nguyên tắc: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” thì khó lòng có công lý và chống được tham nhũng. Nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất” đi ngược với nguyên tắc “quyền lực thuộc về nhân dân”, bởi vì người cầm quyền nhà nước không phải là nhân dân. Lập pháp nếu có độc lập thì cũng chỉ ngăn được sự lộng quyền của hành pháp, nhưng không thể bảo đảm công lý, mà công lý là quan trọng nhất cho quyền làm người và sự ổn định xã hội.

Vũ Quang Việt

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ba trụ cột phát triển bền vững (30/12/2010)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2010 (30/12/2010)

>   TPHCM dự báo vốn đầu tư vào các KCN, KCX tăng gấp đôi (29/12/2010)

>   Việt Nam “về đích” trong lạc quan phục hồi kinh tế (29/12/2010)

>   Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (29/12/2010)

>   Bắc Ninh đề xuất xây sân golf 36 lỗ (29/12/2010)

>   Tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 6,78% (29/12/2010)

>   FDI 2010: Ba câu chuyện góp nhặt (29/12/2010)

>   Hà Nội tăng mức chuẩn nghèo gấp rưỡi (29/12/2010)

>   ODA: Đi vay hay được tài trợ? (29/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật