Năm 2011 - Đổi mới mô hình tăng trưởng
Ngày 30-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng đã chủ trì hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2011. Trên cơ sở phân tích sâu sắc những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm của năm 2010, Chính phủ cùng các địa phương thống nhất những giải pháp triển khai năm 2011.
Năm 2011 điều chỉnh giá điện, than, nước sạch
Nhờ thực hiện 8 nhóm giải pháp đồng bộ, năm 2010, Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh, nhất là về cuối năm.
Năm 2011 sẽ tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp tết và quý 1-2011.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, năm 2010 tuy đã rất cố gắng nhưng công tác điều hành giá cả, thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Cung cầu hàng hóa ở một số thời điểm vẫn gây mất cân bằng cục bộ, gây sốt giá. Giá thuốc, sữa vẫn còn độc quyền. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã giữ giá điện, xăng dầu quá lâu, nếu tới đây thực hiện điều chỉnh không khéo sẽ gây tác động xấu đến thị trường.
|
Dệt may, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. |
Trong khi đó, năm 2011, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm thế giới đều được dự báo sẽ tăng cao. Dù thế nhưng vẫn phải thực hiện theo lộ trình giá thị trường với một số hàng hóa trọng yếu, đây là điều đang gây lo ngại, đòi hỏi phải điều hành hết sức linh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2011, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, bảo đảm không để thiếu hàng; công tác phân phối hàng hóa phải tốt hơn; điều hành chính sách tiền tệ cũng phải linh động hơn, sử dụng các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá phù hợp để bảo đảm bình ổn giá. “Hiện nhiều địa phương vẫn thu nhiều loại phí mà Nhà nước đã bãi bỏ”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cảnh báo.
Năm 2010 sẽ điều tiết giá cả theo hướng thị trường trên cơ sở tôn trọng việc định giá của các tổ chức, cá nhân theo luật. Chính phủ sẽ chủ động lộ trình điều chỉnh giá theo thị trường đối với điện, than, nước sạch... một cách phù hợp. Nhiều biện pháp giảm chi cũng được đề ra, trong đó có việc không mua xe công nhập khẩu.
Một tin vui được Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thông báo, hiện nay đã có 37 tỉnh, thành thực hiện tạm ứng kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp hàng hóa, phục vụ tết với kinh phí gần 2.500 tỷ đồng. Chính phủ đề nghị các địa phương còn lại học tập kinh nghiệm để triển khai, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa, không gây sốt giá cục bộ.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, những thành quả của năm 2010 nói riêng, giai đoạn 5 năm vừa qua nói chung đã đưa Việt Nam ra khỏi nước nghèo, chậm phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Việt Nam chưa bao giờ có thời cơ lớn như bây giờ về tất cả mọi mặt. Việt Nam đang tự tin bước ra trường thế giới khi cả thế và lực đều lên cao. Một trong những minh chứng cho điều đó là đầu tư ra nước ngoài của chúng ta đã lên tới 8 tỷ USD.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xác định năm 2011 là năm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. “Đó là mục tiêu số 1, hàng đầu, nhất quán cả năm, chuẩn bị cho cả giai đoạn 5 năm tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Năm 2011 sẽ là năm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo ra tốc độ tăng trưởng bền vững ở mức 7% - 7,5%; đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, tiếp tục giữ vững vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Dự thảo Nghị quyết Chính phủ nêu ra các giải pháp thực hiện để bảo đảm các mục tiêu cốt lõi này. Trong số đó, Chính phủ nhấn mạnh sự quan trọng của việc điều hành chính sách tiền tệ phải bảo đảm linh hoạt, thận trọng trên cơ sở nắm chắc tình hình. Điều hành tiền tệ phải bảo đảm mục tiêu kép, vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm khả năng thanh khoản cho nền kinh tế, cung ứng tiền bạc cho doanh nghiệp.
Đồng thời, chú trọng kiểm soát giá cả. Chính phủ xác định việc kiểm soát này không đi ngược với những quy định quốc tế nhưng bảo đảm sử dụng các chính sách để tránh đầu cơ, găm hàng, tránh gây xáo động thị trường. Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán.
Hôm nay 31-12, hội nghị tiếp tục làm việc.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán là 21% - 24%; tốc độ tăng tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 23%; lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng giảm dần, lạm phát kiểm soát được ở mức 7%; tỷ giá ở mức cân bằng.
Triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất ngay từ những tháng đầu năm (6 tháng đầu năm dưới 3,5%). Kiểm soát nhập siêu ở mức thấp hơn 15% so với kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn theo “trần” 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát. Kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp với giá vàng thế giới và không có biến động đột biến; kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng. |
Lâm Nguyễn
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|