Technical View - Thị trường: Tuần 08/11 – 12/11/2010
Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chi tiết thị trường Việt Nam (VN-Index, HNX-Index), thị trường Mỹ (Dow Jones), thị trường Châu Á (Nikkei 225, Hang Seng Index) và thị trường Châu Âu (FTSE 100).
1. Chiến lược đầu tư:
1.1. Phân tích định lượng:
Tỷ trọng danh mục đề nghị theo Mô hình Định lượng(*) (Quantitative Model) của chúng tôi là: 42.5861% cash/ 57.4139% stocks.
Chiến lược điều tiết danh mục bắt đầu chuyển hướng sang bán nhẹ khi mà tỷ trọng cổ phiếu đang sụt giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ này thực sự rất chậm. Nó cho thấy rủi ro của thị trường không hề lớn và những nhà đầu tư mạo hiểm có thể tạm thời buy & hold trong ngắn hạn.
Giá trị điểm chặn (Limit of %Stocks in Portfolio) của Mô hình Định lượng là 73.4591%. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu về gần mức 74% đang được ủng hộ, nếu như nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng lớn hơn mức này.
(*) Mô hình Định lượng (Quantitative Model) là mô hình được Bộ phận Phân tích Kỹ thuật Vietstock xây dựng dựa trên những xu hướng của phân tích kỹ thuật hiện đại nhằm lượng hóa các yếu tố kỹ thuật để phục vụ cho công việc đầu tư.
1.2. Phân tích kịch bản thị trường:
Sau khi tích lũy một thời gian khá lâu, thị trường đã bắt đầu bứt phá với tốc độ cao. Kịch bản phá vỡ cận trên của triangle pattern đang dần lộ diện. Nếu điều này xảy ra thì khả năng test lại vùng 475 - 485 điểm là rất lớn.
Việc mua vào cho mục đích trung hạn là hoàn toàn có thể vì rất nhiều cổ phiếu đã giảm quá sâu và thậm chí đã về lại vùng đáy cũ năm 2008 - 2009.
Đối với trường phái lướt sóng, việc ”mua lên” theo đà tăng của thị trường có vẻ sẽ ít rủi ro hơn là ”bán xuống”. Chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân khiến cho điều này trở nên hợp lý:
Thứ nhất, việc ”bán xuống” trong một thị trường thanh khoản không cao như hiện nay làm cho việc cover lại hàng gặp khó khăn.
Thứ hai, cung giá rẻ đang cạn dần khi mà các nhà đầu tư trên thị trường đa phần đều bị thua lỗ nặng. Họ dù thuộc trường phái nào trước đây thì đều đang có xu hướng chuyển sang đầu tư dài hạn để ngăn chặn việc mất hàng khi thị trường quay đầu nếu cắt lỗ tại thời điểm này.
1.3. Phân tích cung cầu và tâm lý thị trường:
Lực cầu đang có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sự cải thiện này không hẳn đơn giản là việc gia tăng trong con số mà còn ở cách nó gia tăng như thế nào.
Một kịch bản quen thuộc trong những phiên gần đây là khối lượng đợt 1 luôn rất thấp, thông thường chỉ vào khoảng 2 - 3 triệu đơn vị. Thanh khoản chỉ thực sự tăng tốc vào cuối đợt 2 khi mà giá đang điều chỉnh.
Điều này thể hiện mà thị trường thường gọi là ”lòng tham trở lại”. Những lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn có thể vẫn còn khá nhiều, nhưng sự hấp dẫn có vẻ đã bắt đầu lấn át.
1.4. Chiến lược trading cho từng nhóm danh mục:
Danh mục có tỷ trọng cổ phiếu lớn: Việc bán ra từ từ vào đầu tuần sau đã có thể xem xét khi mà vùng kháng cự 475 - 485 điểm đang ở khá gần. Đây là điều cần thiết để phòng ngừa rủi ro khi mà các tín hiệu tăng giá trung hạn chưa quay lại và sự nghi ngờ về một đợt pullback trong một downtrend vẫn còn.
Danh mục cân bằng: Việc gia tăng thêm cổ phiếu trong tài khoản nên ngừng lại. Lý do là breakpoint của triangle đã hình thành và việc mua thêm trong quá trình đi đến mục tiêu giá của mẫu hình ngắn hạn là rất rủi ro theo phân tích kỹ thuật. Việc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu thậm chí là có thể xem xét nếu như những cổ phiếu mua bắt đáy đã có lợi nhuận.
Danh mục có tỷ trọng tiền mặt lớn: Nếu chưa giải ngân trong đợt sụt giảm vừa qua thì những nhà đầu tư thuộc nhóm này có lẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa nếu như thị trường tiếp tục tăng mạnh như hai phiên vừa qua. Giá đã rời khỏi vùng mua an toàn. Có một ngoại lệ trong trường hợp này: những nhà đầu tư còn nhiều tiền và mua cho mục đích dài hạn (chu kỳ đầu tư trên 1 năm). Đối với trường phái lướt sóng, việc mua vào lúc này là khá rủi ro.
2. Phân tích chi tiết các thị trường:
2.1. Thị trường Việt Nam:
VN-Index – Breakpoint sắp xuất hiện
Với hai phiên bứt phá mạnh, giá đang tiếp cận ngưỡng cận trên của Descending Triangle. Như vậy khả năng mẫu hình này rơi vào trường hợp đảo chiều xu hướng là rất lớn. Mục tiêu giá (target price) dự kiến là vùng 475 - 485 điểm.
Lật lại vấn đề về khối lượng giao dịch. Sự gia tăng của khối lượng trong các phiên gần đây cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn của những nhà đầu tư mua được cổ phiếu ở vùng giá thấp cũng như những người đang muốn cắt lỗ là không hề nhỏ.
Điều này dẫn đến hệ quả là quá trình đi lên của thị trường (nếu có) vào tuần sau sẽ gặp không ít khó khăn. Những phiên giao dịch đầu tuần sẽ mang ý nghĩa quyết định: nếu giá vẫn giữ được đà tăng thì khả năng đi tiếp và test lại vùng 475 – 485 điểm là cao. Còn nếu ngược lại thì rất có khả năng sẽ thủng 440 điểm để tạo thành breakpoint hướng xuống của triangle.
Xem xét dưới góc độ candlesticks, tiếp theo sau engulfing là rising window. Điều này tiếp tục ủng hộ cho xu hướng đi lên trong ngắn hạn.
Một vấn đề nữa mà chúng ta cũng cần phải lưu ý là khoảng cách giữa giá và SMA 100 chỉ còn khoảng 10 – 15 điểm. Đây không phải là một khoảng cách quá lớn nên khả năng phá vỡ SMA 100 vào tuần sau không phải là chuyện không thể. Chúng ta sẽ cần quan sát kỹ tín hiệu này vì hầu hết các phiên tăng giá mạnh đề bắt nguồn từ đây.
HNX-Index – Gann Fan 5 đã trụ vững
Với sự hội tụ rất mạnh của những yếu tố chống đỡ mạnh và sự thử thách tâm lý nhà đầu tư, cuối cùng thì HNX-Index cũng đã quay đầu tăng điểm sau hơn 1 tháng trượt dài.
Lần test thành công này mang ý nghĩa khá đặc biệt. Nó tương tự như việc test Gann Fan 2 vào trung tuần tháng 12/2009. Như chúng ta đã biết thì Gann Fan 2 và Gann Fan 5 là hai đường mạnh nhất và đáng tin cậy nhất trong các đường của Gann. Đặc biệt khi chúng tích hợp và cộng hưởng với các yếu tố khác tạo thành các confluent zone thì hiệu quả lại càng được nâng cao.
Không chỉ có vậy, các phân kỳ giá lên cũng sẽ là yếu tố tác động làm cho giá bứt phá trong các phiên tới.
Việc mua vào tại vùng giá hiện nay là hoàn toàn có thể xem xét vì giá vẫn còn nằm trong vùng 100 – 115 điểm.
2.2. Thị trường Mỹ:
Dow Jones – Tín hiệu mua của SMA 100 và SMA 200 đã xuất hiện
Cuối cùng thì tín hiệu mua trung hạn của SMA 100 và SMA 200 cũng đã xuất hiện. Đây có thể coi là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy uptrend đang trở lại trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Thông thường khi tín hiệu này xuất hiện thì hiện tượng throwback (hay còn gọi là throwdown) sẽ xảy ra. Nghĩa là thị trường này sẽ có vài phiên điều chỉnh trước khi thực sự tăng mạnh trở lại. Điều này tạo cơ hội cho những nhà đầu tư chậm chân trong các đợt tăng trước chưa kịp tham gia vào thị trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tạm ổn định với những chính sách khá nhất quán và tích cực, việc mua vào khi thị trường tích lũy là có thể xem xét và không quá rủi ro.
2.3. Thị trường Châu Á:
Nikkei 225 – Breakaway gap lại xuất hiện
Sự quay đầu nhanh chóng đến bất ngờ của thị trường Nhật Bản có thể giải thích bởi hai lý do:
Thứ nhất, là sự vững chắc của đường internal trendline. Điều này đã được kiểm chứng qua khá nhiều lần test thành công trong quá khứ (trong hơn 1 năm nay).
Thứ hai, thị trường Nhật Bản đã trầm lắng quá lâu và điều này khiến cho lượng cung cổ phiếu trên thị trường bắt đầu yếu dần. Vì vậy sẽ tạo điều kiện cho việc đẩy giá lên khá thuận lợi.
Chúng tôi cho rằng thị trường Nhật Bản sẽ khó giảm sâu hơn trong các phiên tới.
Hang Seng Index – Sắp chạm cận trên của kênh giá tăng
Trong giai đoạn gần đây, thị trường Trung Quốc liên tục phá vỡ các đỉnh cũ và thiết lập các kỷ lục mới. Nó góp phần cho thấy các tín hiệu đang trở lại mạnh mẽ như thế nào.
Vài phiên điều chỉnh trong tuần trước đã giúp thị trường này lấy lại đà tăng một cách vững chắc hơn.
Việc mua vào nếu như có thoái lùi là có thể xem xét.
2.4. Thị trường Châu Âu:
FTSE 100 – Áp lực điều chỉnh đang mạnh lên
Giá đã chạm vào cận trên của kênh tăng điểm nên rất có thể sẽ phải thoái lùi trong ngắn hạn.
Việc mua vào trong những phiên rung lắc là hoàn toàn có thể xem xét khi mà các tín hiệu trung hạn đã quay lại khá mạnh mẽ.
Nguyễn Quang Minh - Chuyên viên Phân tích kỹ thuật
|