Chủ Nhật, 14/11/2010 09:59

Cơ hội nào cho thị trường cuối năm?

Thử điểm lại tỷ suất lợi nhuận của các kênh đầu tư vàng, đô la Mỹ và chứng khoán từ đầu năm đến nay, có thể thấy kênh đầu tư vàng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất (xem bảng).

Mặc dù, chỉ số VN-Index chỉ giảm 12% từ đầu năm đến nay nhưng trên thực tế nhiều mã chứng khoán có mức giảm rất sâu (trên 50%). Nhiều nhà đầu tư chứng khoán còn bám trụ với sàn đã lỗ ít nhất từ 40-50% vốn, trong khi đó rất nhiều nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) đã bị “cháy” tài khoản. Như vậy, với kênh chứng khoán, nhà đầu tư đã bị thiệt hại rất nặng nề.

Động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng lãi suất cơ bản lên 9%/năm và cam kết sẽ bơm ngoại tệ cho ngân hàng thương mại xét về ngắn hạn có tác động làm hạ nhiệt tỷ giá đồng thời làm giảm đà mất giá của tiền đồng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn vào mùa vụ kinh doanh cuối năm.

Và mức lãi suất cao như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty nói chung và doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn nói riêng. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% gần như sẽ vượt kế hoạch, có vẻ với NHNN, lúc này kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Việc Chính phủ Mỹ tiếp tục bơm thêm tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế đã khiến đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá so với các đồng tiền khác như nhân dân tệ (NDT), yen Nhật (JPY), euro (EUR), đô la Úc (AUD). Và cũng chính vì đồng đô la Mỹ xuống giá nên giá vàng thế giới lại có dấu hiệu tăng tiếp (hôm 9-11 giá vàng thế giới đã tăng lên hơn 1.400 đô la Mỹ/ounce).

Do biến động cùng chiều với giá vàng thế giới nên mấy ngày đầu tuần này, giá vàng trong nước lại lập kỷ lục mới, có lúc hơn 38 triệu đồng/lượng. Một khi giá vàng vẫn đứng ở mức cao, vàng vẫn là kênh bảo toàn giá trị cho người dân và nhà đầu tư. Một hạn chế là ở Việt Nam đang tồn tại ba loại tài sản có thể làm phương tiện thanh toán là: tiền đồng, đô la Mỹ và vàng. Người dân giữ tài sản này luôn quan sát sự biến động giá của tài sản kia và luôn sẵn sàng chuyển đổi qua tài sản có tính an toàn và sinh lợi hơn.

Xét về mặt lãi suất, do lạm phát có nguy cơ tăng cao nên lãi suất trong ngắn hạn chắc chắn không giảm được.

Như vậy ở góc độ vĩ mô, mặc dù chứng khoán đã giảm khá sâu nhưng khả năng tăng mạnh của thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm là rất khó xảy ra. Về trung và dài hạn (trên sáu tháng) vẫn có khả năng tiền đồng sẽ còn giảm giá so với đô la Mỹ, tuy nhiên tỷ giá sẽ được NHNN kìm giữ ở mức hợp lý. Tỷ giá ổn định sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao niềm tin vào đồng nội tệ, điều này đến lượt nó sẽ thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn FDI. Theo nhận xét của nhiều nhà quản lý tại các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, năm 2011 sẽ là năm sáng sủa trong việc thu hút dòng tiền nóng vào Việt Nam.

Giảm mạnh tất có tăng mạnh, kỳ vọng về sự bật mạnh của thị trường chứng khoán trong năm 2011 không phải là quá xa vời.

Nguyễn Minh Phương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Khối ngoại giảm mạnh mua ròng trước biến động giá vàng (13/11/2010)

>   Chứng khoán không dễ “ăn xổi” (13/11/2010)

>   TTCK “sợ hãi” trong vòng xoáy lãi suất, tỷ giá và vàng (13/11/2010)

>   "Ánh sáng" trên thị trường đang dần được hé lộ (12/11/2010)

>   Cổ phiếu ngược dòng sàn HNX: Hài hước với thanh khoản (12/11/2010)

>   AMV: Mạnh tay xử “đội” làm giá chứng khoán (12/11/2010)

>   Việt Nam đang hút vốn từ Trung Quốc (12/11/2010)

>   HSBC “không cho là VN-Index sẽ còn giảm nhiều” (12/11/2010)

>   Thời điểm dòng tiền trở lại không còn xa (12/11/2010)

>   Quỹ đầu tư nước ngoài: Thời oanh liệt nay còn đâu! (12/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật