Thứ Bảy, 16/10/2010 10:45

Chuyện lạ “vô tiền khoáng hậu” ở ngân hàng Techcombank (Kỳ 2)

Techcombank đã vu khống báo chí và khách hàng như thế nào?

Như đã thông tin, tại buổi làm việc ngày 30/9/2010 giữa phóng viên Trần Mạnh Quyết của báo Đời sống & Pháp luật với đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) về vụ việc một khách hàng gửi tiền tại Techcombank bị rút mất 2 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm, phía Techcombank đã đưa ra những lời biện minh vòng vo cho sai phạm của nhân viên ngân hàng và vin vào cớ "đợi kết luận của cơ quan công an" để dây dưa né tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Tại buổi làm việc với PV Trần Mạnh Quyết ngày 30/9/2010, phía Techcombank không những đã thừa nhận những sai sót của mình mà còn hứa sau đó sẽ cung cấp hồ sơ cho báo.

* Bài 1: Cho người khác rút tiền tỷ từ sổ tiết kiệm của khách hàng

Thế nhưng ngay sau đó một ngày, ngày 1/10/2010, Ngân hàng này đã có công văn số 000718 (có chữ ký và dấu nhưng không có tên)  gửi đến một số cơ quan báo chí với nội dung không những xuyên tạc, bóp méo sự thật của vụ việc mà còn vu khống cả báo chí lẫn khách hàng. Đáng ngạc nhiên hơn là công văn này không hề được gửi tới báo Đời sống & Pháp luật, trong khi 3 cơ quan báo chí khác lại nhận được…

1 công văn - 3 chuyện như đùa

Để có thể hình dung được những chuyện như đùa khó tin trong cách hành xử của Techcombank, Đời sống & Pháp luật xin trích đăng nguyên văn công văn số 000718 ngày 1/10/2010 của lãnh đạo ngân hàng này: "Thời gian gần đây, Techcombank Chi nhánh Hai Bà Trưng của ngân hàng chúng tôi có 01 khiếu nại của khách hàng Nguyễn Thế Lâm về việc vợ anh Lâm là chị Huyền đã lợi dụng lòng tin của anh Lâm và một số giấy tờ có chữ ký của anh Lâm cùng lòng tin của nhân viên giao dịch đã rút tiền trong sổ tiết kiệm của anh ấy. Khi nhận được khiếu nại của anh Lâm, ngân hàng chúng tôi đã tiến hành làm việc với vợ chồng anh Lâm nhằm thuyết phục vợ chồng anh ấy tự giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhưng không thành công, theo diễn biến của vụ việc chúng tôi đã báo cáo sự việc cho bên công an để điều tra hành vi cố ý lợi dụng lòng tin của nhân viên giao dịch để rút tiền của chị Huyền vợ anh Lâm...          

Trong lúc công an đang tiến hành điều tra, anh Lâm đã thông tin cho phóng viên Trần Mạnh Quyết của báo Pháp luật & Đời sống với mục đích đăng bài về vụ việc lên Báo, để ép ngân hàng phải chi trả số tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp, không đợi kết quả của bên công an"

Chuyện như đùa khó tin nhưng có thật thứ nhất là công văn này gửi đến một số cơ quan báo chí với đầy đủ dấu, chữ ký và chức danh nhưng không có tên người ký. Đến ngày 6/10/2010, Techcombank mới có "Giấy xác nhận" tên người ký công văn nói trên. Nội dung công văn đề cập đến buổi làm việc giữa phóng viên Trần Mạnh Quyết của báo Đời sống & Pháp luật với bà Tô Thuỳ Trang - quyền Giám đốc Marketing Techcombank nhưng lại được gửi cho các báo khác, còn báo Đời sống & Pháp luật hoàn toàn không nhận được. Mặc dù sau đó, trong các buổi làm việc khác với báo Đời sống & Pháp luật, phía Techcombank  biện minh rằng "có gửi cho báo Đời sống & Pháp luật qua đường bưu điện" nhưng chắc bị thất lạc do... phía người nhận (???). Bà Trang còn khẳng định "đang giữ hoá đơn chuyển phát nhanh", nhưng lại không xuất trình được khi phía báo đề nghị cho xem. Cho đến thời điểm bài báo này lên khuôn, Đời sống & Pháp luật vẫn chưa hề nhận được công văn cũng như "giấy xác nhận" kỳ lạ nói trên của Techcombank. Là một ngân hàng lớn và có uy tín, sự cẩu thả và tuỳ tiện của Techcombank từ việc cho người khác rút 2 tỷ tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đến việc soạn thảo và gửi công văn "kỳ quặc" như trên quả là chuyện như đùa... khó tin. Cũng cần nói thêm là, công văn này thậm chí còn viết sai tên báo Đời sống & Pháp luật thành báo Pháp luật & Đời sống.

Chuyện như đùa thứ 2 là cách xuyên tạc, bóp méo trắng trợn sự việc nhân viên ngân hàng làm sai nguyên tắc dẫn đến hậu quả  người gửi tiết kiệm bị rút mất tiền trong công văn của Techcombank. Công văn nêu: "Trong lúc công an đang tiến hành điều tra, anh Lâm đã thông tin cho phóng viên Trần Mạnh Quyết của báo Pháp luật & Đời sống với mục đích đăng bài về vụ việc lên Báo, để ép ngân hàng phải chi trả số tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp, không đợi kết quả của bên công an". Trên thực tế, không hề có việc anh Lâm "ép ngân hàng phải chi trả số tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp", chỉ có việc anh Lâm khiếu nại về việc tiền gửi tiết kiệm của anh tại ngân hàng này bị người khác (chị Huyền) rút mất với sự tiếp tay của nhân viên Techcombank. Cùng với việc vin vào cớ "đợi kết luận của cơ quan công an", nội dung trên của công văn đã "đánh tráo khái niệm" một cách tinh vi, biến việc một khách hàng bị mất tiền gửi tiết kiệm do sự tiếp tay của nhân viên  Ngân hàng thành việc khách hàng này đòi Ngân hàng phải chi trả số tiền mà vợ anh đang giữ bất hợp pháp???

Chuyện như đùa thứ 3 là việc công văn này vu khống phóng viên báo Đời sống & Pháp luật. Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của bạn đọc (anh Lâm -khách hàng của Techcombank), ngày 30/9/2010, phóng viên Trần Mạnh Quyết làm việc với bà Tô Thuỳ Trang quyền Giám đốc Marketing Techcombank. Tại buổi làm việc, phóng viên không đưa ra bất cứ một yêu cầu nào nhằm mục đích đăng bài để ép Techcombank phải chi trả tiền cho khách hàng là anh Lâm (điều này sau đó được phía ngân hàng xác nhận tại buổi làm việc với đại diện báo vào chiều ngày 7/10). Mặt khác, kể từ khi nhận được đơn của anh Lâm,  đến khi PV Trần Mạnh Quyết có buổi làm việc với Techcombank hôm 30/9/2010 và Techcombank có công văn "kỳ lạ" nói trên, Đời sống & Pháp luật chưa hề có bất kỳ một bài viết nào về vụ việc. Vậy mà không hiểu từ căn cứ vào đâu mà Techcombank lại có lời lẽ quy chụp cho phóng viên đến như vậy?. 

Vu khống để che đậy sự thật?

Trong buổi làm việc với PV Trần mạnh Quyết ngày 30/9/2010, phía Techcombank không những đã thừa nhận những sai sót của mình mà còn hứa sẽ cung cấp hồ sơ sau cho báo. Thế nhưng không hiểu vì mục đích gì mà phía Techcombank lại gửi công văn đến một số  cơ quan báo chí  để vu khống  PV Trần Mạnh Quyết như vậy?. Phải chăng đây là hành vi cố ý nhằm đánh lạc hướng sự việc sang một hướng khác, và cũng là để PV sợ bị mất uy tín sẽ không dám phản ánh vụ việc đó trên báo nữa?.

Việc công văn với nội dung: "V/v: Phóng viên của Quý báo đến làm việc với ngân hàng về khiếu nại của khách hàng Nguyễn Thế Lâm" không gửi  đến báo Đời sống & Pháp luật - cơ quan có PV đăng ký việc làm chính thống với Techcombank cho thấy, việc vu khống, bôi nhọ danh dự sau lưng đối với  phóng viên báo Đời sống & Pháp luật là có thật. Được biết, ngày 14/10, phóng viên Trần Mạnh Quyết đã chính thức gửi văn bản yêu cầu Techcombank xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với cá nhân anh về  việc vu khống nói trên.           

Trước tiên phải khẳng định, báo chí có trách nhiệm đưa việc sai trái của xã hội để tạo nền tảng pháp lý giúp mọi người thực hiện đúng các quy định pháp luật. Vì thế, căn cứ luật Báo chí, báo ĐS &PL đã tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo của người dân. Để đưa thông tin nhiều chiều, tránh một bên, báo đã cử phóng viên trực tiếp làm việc tại ngân hàng là hết sức khách quan và đúng các quy định. Sự việc không thuộc về trường hợp bí mật quốc gia, do đó, việc báo chí tác nghiệp là thực hiện đúng luật Báo chí và không có quy định nào phải chờ kết luận của cơ quan pháp luật mới được đăng. Vì vậy, ý kiến của Techcombank cho rằng anh Lâm đã thông tin cho phóng viên Trần Mạnh Quyết Báo Đời sống và Pháp luật với mục đích đăng bài về vụ lên báo để ép ngân hàng trả tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp... là không thể chấp nhận được.

Điều đáng tiếc phía Techcombank lại ra văn bản gửi cho các cơ quan báo chí rất thiếu tính pháp lý. Đặc biệt, Techcombank là một ngân hàng cổ phần lớn, hoạt động phải đảm bảo tính chính xác và trung thực, đặc biệt là những giấy tờ đã được thể hiện trong Luật các tổ chức tín dụng và Nghị định của Chính phủ quy định về công tác văn thư, giấy tờ. Thứ nhất, trong văn bản này chỉ có chữ ký, đóng dấu và đề phía dưới là Tổng giám đốc, nó sẽ khiến ta hiểu người ký mang tên Tổng giám đốc hoặc chỉ ký và đánh chức vụ còn tên Tổng giám đốc là gì thì không ai biết. Thứ hai, mặc dù đã làm việc chính thống với phía Techcombank, trong công văn có nói đến báo ĐS &PL, nhưng báo ĐS &PL lại không nhận được văn bản này là điều không chấp nhận được. Tóm lại, văn bản này đã vi phạm các quy định về mặt pháp lý như đã nói ở trên.

(Ý kiến của một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng yêu cầu giấu tên)

ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT

Các tin tức khác

>   Cho người khác rút tiền tỷ từ sổ tiết kiệm của khách hàng (14/10/2010)

>   Bắt nhà báo Phan Hà Bình, báo Tiền Phong (14/10/2010)

>   Cảnh báo hiện tượng lừa đảo mua bán bất động sản (14/10/2010)

>   Điều kỳ diệu ở Chile: toàn bộ 33 thợ mỏ đã lên mặt đất (14/10/2010)

>   'Báo tử' tàu triệu đô Ha Long Express (13/10/2010)

>   Mua 4 xe Camry 2.4 để... tuần tra (12/10/2010)

>   Tập đoàn HUD bị tố dùng đất công cộng để kinh doanh (12/10/2010)

>   TGĐ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ký nhiều quyết định bất hợp pháp! (12/10/2010)

>   Giải Nobel Kinh tế cho bài toán thất nghiệp (11/10/2010)

>   5 kg vàng 'bốc hơi' sắp về với chủ (11/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật