Cảnh báo hiện tượng lừa đảo mua bán bất động sản
|
Khi mua bất động sản, NĐT nên yêu cầu chủ đầu tư xác nhận các giấy tờ hồ sơ liên quan đến dự án. | Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Thành phố Hà Nội (gọi tắt là Phòng CSĐT) vừa tiến hành bắt khẩn cấp 5 đối tượng làm giấy tờ giả và sử dụng giấy tờ giả để bán nhà Dự án Vân Canh.
Xác định ban đầu, đây là đường dây làm giả giấy tờ, hợp đồng góp vốn giả để lừa đảo chiếm đoạt 42,6 tỷ đồng của nhiều người có nhu cầu mua nhà. Táo tợn hơn, thời gian gần đây, Dự án Sài Gòn Plaza, số 24 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM của CTCP Việt Liên Á còn bị kẻ xấu ngang nhiên rao bán trên mạng với giá 25 triệu USD. Để tránh xảy ra lừa đảo, hiện công ty này đang hoàn tất thủ tục nhờ cơ quan công an can thiệp.
Thủ đoạn tinh vi
Phòng CSĐT cho biết, qua nắm tình hình thời gian qua, đã phát hiện trên thị trường bất động sản có nhiều tin giao dịch về việc bán nhà tại Dự án Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, do Tập đoàn HUD làm chủ đầu tư, có dấu hiệu phạm pháp. Phòng đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn HUD để tìm hiểu về dự án và phối hợp tổ chức công tác phòng ngừa.
Tiến hành xác minh đối với chủ đầu tư cấp 2 là Công ty TASCO, cơ quan công an đã phát hiện những thông tin bước đầu về đường dây, tổ chức làm giả hợp đồng góp vốn, phiếu thu tiền, có con dấu và chữ ký của lãnh đạo Công ty TASCO với nội dung bán nhà thuộc Dự án Vân Canh. Cơ quan công an đã thu giữ và kiểm soát được tổng số tiền 29,135 tỷ đồng, gồm 14 sổ tiết kiệm trị giá 27,3 tỷ đồng và tiền mặt là 1,821 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 4/2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Công ty 1/5). Nguyên nhân là Dự án Thanh Hà do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với Công ty 1/5 với nội dung Công ty 1/5 cho Cienco 5 vay số tiền 200 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, lãi suất 1%/tháng. Đổi lại, Cienco 5 sẽ ưu tiên cho Công ty 1/5 được thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, ngay sau đó Cienco 5, đã hủy bỏ bản hợp đồng đã ký này. Mặc dù vậy, bản hợp đồng vẫn được Công ty 1/5 sử dụng làm căn cứ pháp lý thực hiện việc bán đất tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 và chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Trước đó nữa, vào tháng 7/2009, Phòng CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại CTCP Sàn bất động sản Việt Nam, trong đó có liên quan tới Dự án nhà ở Phương Đông. Theo kết quả điều tra, CTCP Sàn bất động sản Việt Nam đã câu kết với một số công ty khác lập nhiều dự án bất động sản rồi rao bán đất trên giấy khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép. Thống kê sơ bộ của cơ quan công an, đã có khoảng 600 người mua nhà hoặc đất tại các dự án "ma" do các công ty này lập ra, trong đó có Dự án nhà ở Phương Đông, với số tiền khoảng 250 tỷ đồng.
Giảm thiểu thiệt hại
Qua những vụ việc kể trên, có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là rất tinh vi và chỉ khi cơ quan công an vào cuộc thì sự thật mới được phơi bày. Vậy làm cách nào để có thể phân biệt được "thật - giả" trong cả một "rừng" thông tin về các dự án bất động sản đang được rao bán trên thị trường là câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư đang mong muốn tìm được câu trả lời.
Trao đổi với phóng viên ĐTCK, các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản đều tỏ ra bất lực vì không thể đưa ra được một đáp án chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cụ thể vẫn có cách để giảm thiểu thiệt hại nếu nhà đầu tư thật sự tỉnh táo.
Các chuyên gia cho biết, trong trường hợp nhà đầu tư mua bất động sản trực tiếp của chủ đầu tư thì thông tin quan trọng nhất cần tìm hiểu và phải có bằng được câu trả lời gồm: đất thực hiện dự án đã có chưa (có sổ đỏ hoặc quyết định giao đất của cơ quan chức năng); dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 chưa; đã được cấp phép xây dựng chưa; năng lực tài chính của chủ đầu tư như thế nào? Nếu các câu hỏi trên cho kết quả là "có" thì có thể đầu tư được, chỉ còn phụ thuộc vào tiến độ dự án mà thôi.
Trong trường hợp mua lại của chủ đầu tư cấp 2 thì ngoài những nội dung giống như mua của chủ đầu tư, nhà đầu tư phải xem xét kỹ hợp đồng giữa chủ đầu tư và chủ đầu tư cấp 2 có còn hiệu lực không, các nội dung cam kết có rõ ràng, cụ thể không. Và điều đặc biệt là nhà đầu tư cần phải đến trực tiếp chủ đầu tư để được xác nhận các giấy tờ nêu trên là hoàn toàn hợp pháp, tránh trường hợp chủ đầu tư cấp 2 dựng hồ sơ giả để lừa đảo.
"Tốt nhất là yêu cầu được chủ đầu tư xác nhận các giấy tờ hồ sơ liên quan đến dự án cũng như hợp đồng với chủ đầu tư cấp 2 là hợp pháp, thông qua sự xác nhận của cơ quan công chứng", một chuyên gia nói và đưa ra lời khuyên: "nếu bị từ chối thì nhà đầu tư phải tỉnh táo để tránh mắc lừa".
Minh Nhật
Đầu tư chứng khoán
|