Chuyện lạ “vô tiền khoáng hậu” ở ngân hàng Techcombank (bài 1)
Cho người khác rút tiền tỷ từ sổ tiết kiệm của khách hàng
Vụ việc hy hữu xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) khi 2 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ đồng của một cá nhân lại được Techcombank làm thủ tục cho người khác rút toàn bộ. Diễn biến của vụ việc được coi là "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử 17 năm của Techcombank có nhiều "chuyện lạ" đến mức khó tin, nhất là về cách hành xử khi giải quyết vụ việc của lãnh đạo ngân hàng này.
|
Là một ngân hàng lớn và có uy tín, nhưng phía Techcombank đã vi phạm nghiêm trọng quy định về trình tự thủ tục tất toán dẫn đến việc cho người khác rút tiền tiết kiệm của khách hàng. Đây là hành vi cố ý làm trái các quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của nhân viên ngân hàng, nhưng lãnh đạoTechcombank cho rằng đây chỉ là "sơ suất của nhân viên giao dịch" và do "có "zic zắc" chuyện tình cảm vợ chồng" nên "nhân viên ngân hàng bị ảnh hưởng, không nhất nhất phải theo đúng nguyên tắc...". Thay vì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng gửi tiền và truy cứu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng, lãnh đạoTechcombank lại vin vào cớ "đợi kết luận của cơ quan công an" để trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Hồi 2 của "chuyện lạ dài tập" này còn kỳ quặc đến mức khó tin hơn khi Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank gửi công văn có chữ ký và dấu nhưng không có tên đến một số cơ quan báo chí. Trong công văn này, để biện minh cho việc làm sai của mình, phía Techcombank đã không ngần ngại vu khống cả khách hàng (là nạn nhân trong vụ việc) lẫn phóng viên báo chí. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sự việc, kể từ số báo này, báo Đời sống & Pháp luật sẽ khởi đăng loạt bài điều tra về vụ việc hy hữu này.
Bị rút mất tiền gửi do lỗi ngân hàng, khách hàng phải "chờ công an điều tra"???
Người khác rút tiền phải có văn bản uỷ quyền
"Về nghiệp vụ ngân hàng, theo quy định, người gửi tiền muốn rút tất toán phải mang sổ tiết kiệm, chứng minh thư nhân dân, tự tay viết phiếu lĩnh tiền, ký ghi rõ họ tên. Trên cơ sở đó, kiểm soát viên của ngân hàng sẽ kiểm tra toàn bộ giấy tờ trên hệ thống, nếu đúng ký nhận, đưa cho trưởng quỹ, trưởng quỹ ký, chuyển cho thủ quỹ chi tiền. Tiếp theo, hồ sơ sẽ được đưa lại cho nhân viên kiểm soát đưa thông tin vào hệ thống lưu lại theo đúng các quy định. Đối với trường hợp rút tiền được chủ tài khoản ủy quyền, người được ủy quyền phải có văn bản ủy quyền được công chứng xác thực, khi đi rút tiền mang theo chứng minh thư, sau đó làm thủ tục như người đứng tên. Về thủ tục này, ngân hàng phải lưu giấy ủy quyền và chứng minh thư công chứng.
Vì thế, đối chiếu với trường hợp này, Techcombank phải chịu trách nhiệm vì nhân viên ngân hàng đã cố ý làm trái các quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Còn nếu xét thấy đấy là lỗi cố ý có thể truy tố nhân viên này tội đồng phạm. Gây ra hậu quả cho khách hàng, Techcombank phải liên đới chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho người gửi tiền.
Trong vụ việc này, phía Techcombank cho rằng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra là không đúng, vì nếu đã đưa cho cơ quan điều tra thì phải chờ đến bản án có hiệu lực chứ không phải có kết luận là xong. Khách hàng mà ở đây là anh Lâm có quyền đòi số tiền của mình mà không cần biết công việc điều tra của cơ quan công an. Cũng như vậy, Techcombank phải có nghĩa vụ trả tiền cho anh Lâm chứ không phải vin vào việc điều tra để trốn tránh trách nhiệm".
Một chuyên gia pháp lý ngân hàng đề nghị giấu tên | Ngày 29/7/2010, anh Nguyễn Thế Lâm (Trú tại số 53, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được thông tin 2 cuốn sổ tiết kiệm có tổng giá trị 2 tỷ đồng mà trước đó ông đã gửi tại Ngân hàng Techcombank (chi nhánh Hai Bà Trưng) bị người khác rút mất. Quá bất ngờ, anh Lâm vội tìm đến Techcombank - Hai Bà Trưng đề nghị kiểm tra thông tin trên và phong tỏa ngay số tiền này. Nhưng dường như quá muộn, toàn bộ số tiền đã được Techcombank chuyển cho người khác.
Tiếp tục tìm hiểu, anh Lâm được biết, người được ngân hàng cho rút số tiền trên không ai khác mà chính là chị Nguyễn Thị Thu Huyền (vợ anh), người mà trong suốt thời gian qua được anh ủy quyền đi rút lãi hàng tháng để chi tiêu việc gia đình. Vậy mà không hiểu bằng cách nào, chị Huyền lại được Techcombank - Hai Bà Trưng làm thủ tục cho rút toàn bộ số tiền trên.
Sau khi số tiền mang tên mình bị rút mất, anh Lâm đã làm đơn đề nghị Ban giám đốc Techcombank - Hai Bà Trưng làm rõ vụ việc trên và yêu cầu ngân hàng trả tiền lại cho anh. Một tháng sau (ngày 30/8/2010), anh Lâm được CA. TP Hà Nội thông báo cho biết chị Huyền đã nộp trả lại ngân hàng số tiền 1, 3 tỷ đồng. Đến ngày 8/9/2010, Techcombank - Hai Bà Trưng đã chuyển trả lại cho anh số tiền 1, 3 tỷ đồng. Số tiền còn lại (700 triệu đồng), được phía ngân hàng trả lời gọn lỏn: chờ cơ quan điều tra ra kết luận rồi giải quyết.
Quá bức xúc về cách giải quyết tắc trách của Techcombank, ngày 22/9/2010, anh Nguyễn Văn Lâm đã làm đơn gửi toà soạn báo Đời sống & Pháp luật với mong muốn công luận lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
"Không đáng đem lý ra để xử lý vấn đề này"???
Sau khi nhận được phản ánh của anh Nguyễn Văn Lâm, PV báo ĐS &PL Trần Mạnh Quyết đã liên lạc với lãnh đạo Techcombank để tìm hiểu sự việc và nhận được câu trả lời giao cho bà Tô Thùy Trang, quyền Giám đốc Marketing sẽ làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo lịch hẹn, ngày 30/9/2010 phóng viên đã đến làm việc với đại diện Techccombank. Tại buổi làm việc, bà Tô Thùy Trang, quyền Giám đốc Marketing đã thừa nhận, đây là vụ hy hữu ở Techcombank sau 17 năm thành lập. Nhưng theo bà Trang, để xảy ra cơ sự này là do nhân viên của ngân hàng xử lý nghiệp vụ nặng về duy tình. Bà Trang cũng lý giải, dù không đúng với các quy định ngân hàng đưa ra, nhưng về mặt tình cảm vẫn có thể chấp nhận được. Hơn nữa đây là khách hàng VIP của Techcombank. "Mình nghĩ vấn đề ở đây là chuyện tình cảm trong việc chăm sóc khách hàng của người nhân viên đó. Vì vậy, chúng ta cũng không cần thiết phải có buổi gặp gỡ này, bởi ở đây chúng ta cần phải nhìn vấn đề như tổng thể bức tranh và khía cạnh cho cả ngân hàng, khách hàng và với hai vợ chồng này nữa. Còn nếu chúng ta cứ đem lý ra để xử lý vấn đề này thì nó cũng không đáng" -bà Trang nói.
Trả lời cho câu hỏi của PV, trách nhiệm của ngân hàng như thế nào trong vụ việc này, bà Trang nói: “Phụ thuộc vào cơ quan điều tra”. Một thông tin giật mình được phía Techcombank đưa ra, đó là việc ủy quyền rút tiền lãi của anh Lâm thường thông qua điện thoại, nên nhân viên ngân hàng rất sẵn lòng cho chị Huyền rút toàn bộ số tiền đứng tên anh Lâm một cách dễ dàng mà bỏ quên những quy định. Cũng cần nói thêm rằng trong khi giải quyết vụ việc này, khi trả lời khách hàng và báo chí, phía Techcombank luôn luôn đưa việc điều tra của cơ quan công an như một tấm bình phong để né tránh trách nhiệm.
Toàn bộ nội dung buổi làmồ việc của phóng viên Trần Mạnh Quyết báo Đời sống & Pháp luật hôm 30/9/2010 chỉ xoay quanh những vấn đề pháp lý của vụ việc như đã nêu ở trên và đại diện Techcombank hứa sẽ tiếp tục cung cấp thông tin để làm sáng tỏ vụ việc. Thế nhưng thật bất ngờ, chỉ sau một ngày (tức 1/10/2010) Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam lại có công văn số 000718/TCB/2010 do Tổng giám đốc ký đóng dấu nhưng... không ghi tên gửi một số cơ quan báo chí. Trong công văn này, để biện minh cho việc làm sai của mình, phía Techcombank đã không ngần ngại vu khống cả khách hàng (là nạn nhân trong vụ việc) lẫn phóng viên báo chí, cụ thể là phóng viên Trần Mạnh Quyết của báo Đời sống & Pháp luật..
"Trong lịch sử ngân hàng 17 năm mới có trường hợp này. Về việc này, nếu giải quyết thuần túy đen trắng về mặt pháp luật thì nó khác, nhưng ở đây có zích zắc nó là vợ chồng nên chuyện vợ chồng được đặt lên rất nhiều. Chính vì vậy, người giao dịch viên của ngân hàng bị ảnh hưởng, không nhất nhất phải theo đúng nguyên tắc "
Phát biểu của bà Tô Thuỳ Trang - quyền Giám đốc Marketing Techcombank |
Đời sống & Pháp luật
|