Thứ Tư, 13/10/2010 07:08

Siết việc đăng ký đầu tư rồi… bỏ chạy

Đầu tư nước ngoài là phải mang tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư chứ không phải nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vay mượn khắp nơi rồi… bỏ chạy!

Cách quản lý đầu tư nước ngoài (ĐTNN) như hiện nay đã dẫn đến tình trạng dự án đăng ký nhiều, vốn đăng ký lớn nhưng việc triển khai, thực hiện dự án lại chưa hiệu quả. Do đó, ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết Bộ vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2005 thay cho Nghị định 108/2006.

Trong đó có nhiều điểm thay đổi hoàn toàn về cách quản lý ĐTNN. Ông cũng cho biết những điểm này đều là những vấn đề then chốt, tranh luận rất lâu về quan điểm giữa các bộ ngành, vì vậy mà thời gian soạn thảo, góp ý cho dự thảo kéo dài khá lâu dù chỉ sửa vài điều so với Nghị định 108/2006.

Chọn mặt gửi… đất

Ông Phạm Mạnh Dũng cho biết hiện có những dự án ĐTNN chỉ một nhúm vốn, lẽ ra chỉ nên dùng 1 ha đất thì địa phương lại giao luôn 10 ha cho nhà đầu tư. Như thế là không tương xứng. “Ta không so đo dự án lớn nhỏ nhưng việc sử dụng đất của dự án sẽ phải hiệu quả mới được”.

Ngoài ra, ông Phạm Mạnh Dũng cho biết trước đây từng có quy định về mức vốn tối thiểu của từng dự án nhưng đã bỏ quy định này rồi. Thế là xuất hiện những dự án ĐTNN chỉ 10.000 USD (chưa đến 200 triệu đồng)! Vì vậy mà địa phương phải tự linh động giải quyết, tỉnh, thành có thể dùng các hàng rào kỹ thuật để từ chối dự án quá nhỏ.

Ông Lê Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Dương, cho biết với những dự án quá nhỏ, có thể dùng “bàn tay” của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương để chặn dự án. Ngoài ra, có thể xem xét các yếu tố kỹ thuật như dự án gây ô nhiễm môi trường, dự án sử dụng quá nhiều lao động,… để chắt lọc dự án đầu tư. Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN, cho biết chúng ta có thể đặt ra yêu cầu rằng dự án phải sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ đối phó biến đổi khí hậu… Nếu cứ nhận các dự án luyện kim lớn thì vài ba năm nữa chẳng lấy đâu ra đủ điện để cung cấp cho họ hoạt động!

Vốn phải thực chất

Một điểm quan trọng mà dự thảo này đưa ra là việc xác minh năng lực tài chính của nhà đầu tư. Ông Phạm Mạnh Dũng cho biết ngày trước ta có quy định thẩm tra tài chính các dự án đầu tư. Sau đó “đẻ” ra một bộ máy giải quyết công việc này. Thấy thế, Luật Đầu tư 2005 bỏ thẩm tra đi, để cho nhà đầu tư tự chứng minh về tài chính. Tuy nhiên, điều đó đã dẫn đến tình trạng đăng ký rồi không có khả năng triển khai dự án như thời gian qua.

Ông cũng nêu quan điểm ĐTNN là phải mang tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư chứ không phải nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vay mượn khắp nơi rồi… bỏ chạy!

Trong thời gian qua, để tránh trường hợp nhà đầu tư đăng ký dự án để giữ đất, đã có một số tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ đối với các dự án có chiếm giữ đất. Ví dụ ký quỹ 5% của tổng mức đầu tư nhưng không quá 30 tỉ đồng. Nếu nhà đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ sẽ bị mất khoản tiền này.

Ông Trương Hòa Châu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Tháp, tỏ ý băn khoăn về việc các tỉnh tự đặt ra yêu cầu ký quỹ thì có bị xem là trật luật hay không. Hơn nữa, tỉnh này làm, tỉnh kia không làm thì liệu có cạnh tranh méo mó với nhau hay không.

Do đó, việc đặt ra yêu cầu về xác minh năng lực tài chính nhằm để cho vốn đầu tư mang tính thực chất hơn mà cơ quan quản lý cũng không ôm đồm quá nhiều việc.

Được chủ động thanh lý dự án

Ông Nguyễn Mại cho biết cách làm hiện nay của ta là kêu gọi đầu tư, cấp phép dự án, chờ hai, ba năm sau thấy nhà đầu tư không động tĩnh gì thì tính chuyện rút giấy phép. Trong khi đó, lẽ ra trong quá trình đó chúng ta phải theo dõi thông tin về nhà đầu tư (bằng cách đơn giản nhất là vào website của họ) xem họ có gặp khó khăn gì không, xem tình hình hoạt động của họ ở nước ngoài thế nào, có chuyển hướng đầu tư hay không. Từ đó mà đánh giá khả năng triển khai dự án của họ.

Ông Phạm Mạnh Dũng cho biết thực tế có hàng ngàn dự án ĐTNN bị bỏ rơi, nhà đầu tư không dòm ngó tới, địa phương cũng bó tay.Ví dụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có những dự án cả chục năm chưa triển khai, đất vẫn nằm yên đó.

Vì vậy, để tạo điều kiện thanh lọc dự án, dự thảo mới đưa ra cơ chế cho phép các Sở KH&ĐT lập ban thanh lý để thanh lý dự án đầu tư trong trường hợp dự án không triển khai hoạt động. Ban này sẽ làm rõ nhà đầu tư có dấu hiệu bỏ trốn hay không, nhiều lần yêu cầu mà nhà đầu tư không về Việt Nam làm việc về dự án… và chủ động thực hiện các thủ tục thanh lý khác. Nhờ đó mà nhà nước có thể thu hồi lại phần đất đã giao.

Quy định không cấm thì cho làm!

Ông Phạm Mạnh Dũng cho biết có trường hợp nhà đầu tư đăng ký ngành nghề chưa được nói rõ trong Biểu cam kết về dịch vụ của WTO. Thế là Sở KH&ĐT hỏi Bộ KH&ĐT. Bộ KH&ĐT hỏi sang bộ quản lý chuyên ngành. Bộ chuyên ngành trả lời không được lại yêu cầu hỏi Bộ KH&ĐT! Hỏi quanh quẩn mà chẳng biết ai trả lời!

Ông cũng cho biết sẽ không để các địa phương phải vừa làm vừa lo, làm mà không biết phải xin ai. Vì vậy, dự thảo thay đổi Nghị định 108 đi theo hướng những ngành nghề nào không có trong cam kết và luật trong nước cũng không cấm thì cứ cho nhà đầu tư làm.

Quỳnh Như

PHÁP LUẬT

Các tin tức khác

>   Thủ tướng chỉ thị bình ổn thị trường những tháng cuối năm (12/10/2010)

>   Mỗi người Việt Nam gánh 600 USD nợ công (12/10/2010)

>   Những con số đẹp và những con số “giật mình” của Hà Nội (12/10/2010)

>   70% tờ khai sẽ được thông quan điện tử (12/10/2010)

>   Bài 1: Cơ cấu kinh tế và huy động vốn (11/10/2010)

>   Sân golf "ăn" đất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh (11/10/2010)

>   Chuyện đầu tư: Những góc nhìn từ địa phương (11/10/2010)

>   Thứ trưởng Cao Viết Sinh: 'Cần nâng cao tiêu chí gọi đầu tư' (11/10/2010)

>   Năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu GDP bình quân đầu người đến 5.000 USD (10/10/2010)

>   Thu hút FDI : Cần xác định đối tác chiến lược (10/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật