CPI tháng 10 tăng kỷ lục trong 15 năm qua: Vì sao?
Tổng cục Thống kê vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng của cả nước, tính đến cuối tháng 10, đã tăng 1,05% so với tháng 9. Mức tăng này tuy có giảm so với của tháng trước nhưng tiếp tục duy trì trên 1%. Như vậy, tính chung trong 10 tháng, CPI của cả nước đã tăng 7,58% so với thời điểm cuối năm 2009.
* CPI tháng 10/2010 tăng tới 1,05%
Tăng kỷ lục
Mặc dù đã giảm nhiều so với mức tăng 12% của tháng 9 nhưng nhóm hàng hóa, dịch vụ giáo dục tiếp tục dẫn đầu xu thế tăng giá trong tháng này với mức tăng 3,9%. Kế đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 1,32% (riêng lương thực tăng gần 1,9%). Trong rổ hàng hóa, duy nhất nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm giá.
Cũng trong tháng 10, Tổng cục Thống kê cho biết đà tăng giá vàng tuy đã có dấu hiệu chậm lại so với tháng 9 nhưng vẫn ở mức 7,87%. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng không đáng kể, chỉ 0,6%.
Đáng chú ý trong tháng 10/2010, nằm trong nhóm hàng hóa có mức tăng trên 1% so với tháng 9/2010 còn có nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 1,04% so với tháng 9/2010, và tăng 13,36% so với cùng kỳ năm trước, so với tháng 12/2009 thì tăng 10,96%. Văn hóa, giải trí và du lịch cùng với giao thông có mức tăng nhẹ lần lượt là 0,16% và 0,2% so với tháng 9/2010.
Tính bình quân 10 tháng của năm 2010, CPI đã tăng 8,75% so với 10 tháng năm 2009, và so với tháng 12/2009 đạt 7,58%.
Tính theo các địa phương, một số địa phương có mức tăng CPI khá cao là Hải Phòng 1,08%; Hà Nội 1,22%; Thái Nguyên 1,01%; Thừa Thiên Huế 0,68%; Cần Thơ 1,27%%; Thành phố HCM có mức tăng 0,45%.
Đâu là nguyên nhân?
Với con số ấn tượng 1,05% kể trên, mức tăng chỉ số tháng 10 năm nay cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Có thể dễ dàng nhận thấy, tác động rõ ràng của việc tăng giá trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên Hà Nội là một trong những địa phương có mức tăng CPI cao nhất trong cả nước (1,22%, chỉ thấp hơn mức 1,27% của Cần Thơ). Trong khi đó, mức tăng tương ứng tại TP HCM chỉ là 0,45%.
Giai đoạn chuyển mùa tại miền Bắc cũng đẩy giá nhiều mặt hàng lên cao như rau xanh, hoa quả, các sản phẩm may mặc, giày dép…
Mặt khác, sự ghi nhận việc đan xen các nhân tố thuận lợi và bất lợi cũng là nguyên nhân khiến giá cả thị trường bị đẩy lên cao. Mặc dù lãi suất bắt đầu được một số ngân hàng điều chỉnh giảm là tín hiệu tích cực, tuy nhiên chưa thể tác động ngay đến giá hàng hóa sản xuất tháng 10. Trong khi đó, tỷ giá thay đổi từ vài tháng nay lại tạo sức ép lớn đến nhóm các sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu.
Ngoài ra, việc thị trường xây dựng vào mùa cao điểm khiến nhu cầu nhân lực ngành này tăng cao, dẫn đến khả năng đàm phán giá có lợi hơn đối với các chủ thầu xây dựng…
Đặc biệt, lũ lụt tại miền Trung vừa làm tăng giá lương thực tại các tỉnh này, vừa cắt đường vận chuyển ra Bắc khiến một số tỉnh cũng xuất hiện tình trạng tăng giá mạnh mặt hàng lương thực…
C.Huệ
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|