CPI tháng 10/2010 tăng tới 1,05%
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 tăng tới 1,05% so với tháng trước - tháng có mức tăng CPI đột biến (tăng 1,31% so với tháng 8/2010). Đây là mức tăng cao, trong bối cảnh mối lo tái lạm phát đang quay trở lại.
* TPHCM: CPI tháng 10 tăng 0,45%
* CPI tháng 10 tại Hà Nội tăng 1,22%, mức cao nhất 8 tháng
* Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 10 có thể tăng 0,5%
* CPI tháng 10: Điểm mặt những ẩn số
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 9,66%, còn nếu tính trung bình, 10 tháng năm 2010 đã tăng 8,75% so với 10 tháng năm ngoái. Trong khi đó, so với tháng 12/2009 - mức so sánh để tính lạm phát năm theo cách tính của Việt Nam, CPI tháng 10 đã tăng 7,58%.
Với con số này, Việt Nam chính thức không đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay như Nghị quyết của Quốc hội. Thậm chí, nếu so với con số mà Chính phủ đặt ra từ hồi tháng 4/2010 (kiềm chế lạm phát ở mức dưới 8%), khả năng đạt được cũng rất nhỏ.
Tính toán số học, để lạm phát trong năm nay ở mức 8%, trong 2 tháng còn lại của năm, CPI không được tăng quá 0,42%, nghĩa là mỗi tháng chỉ được phép tăng khoảng 0,2%. Điều này khó có khả năng xảy ra, vì thông thường, hai tháng cuối năm, CPI bao giờ cũng có xu hướng tăng cao. Đó là chưa kể, những diễn biến gần đây trên thị trường vàng, ngoại tệ, do tác động của thiên tai, nhiều khả năng, giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Quay trở lại với CPI của tháng 10, có thể thấy rất rõ sự “trợ giúp” của giá lương thực đối với CPI chung của cả nước. Giữ quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, tháng 10, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng giá tới 1,32%. Trong đó, giá lương thực tăng 1,89%; giá thực phẩm tăng 1,22%; còn ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%.
Trên thực tế, nếu tính mặt hàng tăng giá cao nhất, thì phải kể đến nhóm hàng giáo dục. Nhóm hàng này tăng 3,9% so với tháng trước, nghĩa là đã giảm tốc đáng kể so với mức tăng 12,02% của tháng trước.
Tiếp đó, là nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 1,04%); đồ uống và thuốc lá (tăng 0,9%); hàng hóa và dịch vụ khác (0,7%); thiết bị và đồ dùng gia đình (0,48%)…
Trong số các nhóm hàng hóa tính CPI, vẫn chỉ có nhóm hàng bưu chính - viễn thông là “kiên định” với xu hướng giảm.
Trong khi đó, tháng 10 ghi nhận sự tăng giá đột biến của vàng, với mức tăng 7,87% so với tháng trước và tăng 13,47% so với tháng 12/2009. Còn nếu so với cùng kỳ, mức tăng này lên tới 38,01%. Tính trung bình, 10 tháng năm nay, giá vàng tăng 37,45% so với 10 tháng năm ngoái.
Giá USD cũng có xu hướng tăng. Tháng 10, USD tăng giá 0,6% so với tháng trước, tăng 3,52% so với tháng 12/2009 và tăng 8,37% so với cùng kỳ. Tính trung bình, 10 tháng năm nay, giá USD tăng 7,21% so với 10 tháng năm ngoái.
Nguyên Đức
ĐẦU TƯ
|