Thứ Hai, 25/10/2010 21:33

Nguyên thống đốc NHNN: "Điều hành kinh tế vẫn lộp chộp"

Nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm trao đổi về những vấn đề kinh tế vĩ mô cuối năm nay.

Ông thấy diễn biến lạm phát thế nào?

Lạm phát vẫn đang cao, nếu không giải quyết được một số khiếm khuyết, thí dụ như trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, sản xuất kinh doanh, nhập siêu, thì lạm phát có thể vọt lên cao nữa. Có thể không lên hai con số, nhưng sẽ vọt lên cao.

Chính sách tài khóa ảnh hưởng như thế nào?

Lãi suất ngân hàng đang cao như thế mà bộ Tài chính cứ phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao thì dứt khoát không thể kéo lãi suất ngân hàng xuống được. Vì người ta sẽ dồn vốn mua trái phiếu Chính phủ là an toàn nhất, cứ đến hạn là lấy tiền. Vốn đó chủ yếu là các ngân hàng thương mại mua, đưa vào thị trường liên ngân hàng để cho vay lẫn nhau. Trong khi đó, tiền để cho nông dân, doanh nghiệp vay để sản xuất tạo của cải, việc làm bị hạn chế. Thứ hai, chi tiêu công gồm chi đầu tư và chi thường xuyên tăng rất cao. Năm nay các khoản chi này là xả láng, khác với những năm trước thường tiết kiệm được khoảng 3%. Chi đầu tư đáng lẽ ra phải thu gọn, sắp xếp lại nhưng nay cứ thả lỏng. Đó là khập khiễng trong điều hành chính sách. Tức là cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân thắt lưng buộc bụng, thì ngân sách vẫn tiêu thoải mái.

Trách nhiệm này là của ai, bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Uỷ ban nhân dân tỉnh hay Chính phủ?

Kể cả Chính phủ và các bộ trực tiếp là ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Kế hoạch, Công thương. Không chỉ một ngành đâu. Nếu tăng chi tiêu vào lĩnh vực có hiệu quả thì tốt, nhưng vấn để là tăng chi tiêu vào những chỗ không làm ra của cải, gây lãng phí, làm hệ số ICOR tăng cao, gây mất lòng tin của người dân.

Chẳng hạn việc bơm vốn cho các tập đoàn kinh tế, hay sử dụng không tốt trái phiếu Chính phủ, huy động xong lại phân cho Kho bạc, Kho bạc lại mang đến gửi ngân hàng. Thế là hai ông này chia phần chênh lệch, còn vốn có rót vào cho các công trình được đâu. Thế là nguy hiểm.

Cán cân thanh toán năm nay thâm hụt dự kiến 4 tỉ USD thì gây tác động như thế nào lên tỷ giá – vốn đã trở nên rất căng thẳng gần đây. Vì sao mà cán cân đó thâm hụt hơn 10 tỉ USD cuối năm ngoái mà tỷ giá lúc đó không căng như hiện tại?

Tỷ giá vẫn đang rất căng thẳng. Cán cân thanh toán là biểu hiện một phần của cán cân thương mại, vãng lai, khi đã tụt xuống thế thì rất đáng báo động. Tức là ngân hàng Nhà nước phải bỏ dự trữ ngoại hối ra, đến một giới hạn nào đó mà dự trữ tụt xuống dưới mức an toàn thì rất nguy hiểm. Hiện tại thì dự trữ đã đến sàn rồi.

Tuy nhiên, tôi thấy cán cân năm nay được hai cái hỗ trợ, xuất khẩu tăng trở lại 20%, trong khi nhập khẩu được “bóp” lại. Song còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khác, ví dụ hiệu quả đầu tư, giảm lãi suất, giảm chi tiêu công.

Thực sự thì tình hình có căng thẳng đến như vậy ở thị trường vàng và ngoại tệ không?

Hai câu chuyện này có cùng một vấn đề lớn là tâm lý. Do cách điều hành của mình không ổn định, lộp chộp, làm cho thị trường mất lòng tin, dù tình hình thực tế không đến nỗi như thế. Ví dụ, ngoại tệ trong dân còn nhiều, khoảng 8 tỉ USD nếu tính khiêm tốn. Nếu Chính phủ có chính sách huy động được khoảng một nửa số này thôi thì cải thiện được cán cân thanh toán. Nhưng rõ ràng người dân không tin vì sợ lạm phát cao, hay sợ rủi ro tỷ giá tăng cao nên họ giữ chặt lấy, người không có thì mua vào. Đáng lẽ tình hình không căng đến thế.

Theo ông, cần giải quyết tâm lý này như thế nào?

Có mấy việc, thứ nhất, chính sách phải thật sự công khai, minh bạch, giải thích rõ ràng cho người dân biết, cả ngân hàng, tài chính, kế hoạch, thương mại.

Thứ hai, cần cải tiến việc điều hành. Ví dụ, với những doanh nghiệp khó khăn quá về ngoại tệ, thì Nhà nước nên bán cho họ để họ không phải ra ngoài thị trường để mua. Họ ra thị trường mua chỉ vài chục triệu, với tỷ giá khoảng 20 ngàn đồng/USD, là tình hình sẽ căng thẳng ngay lập tức.

Thứ ba, cần phát hiện ngay các nguồn tin làm giá, gây hoang mang, thì những người hoang mang sẽ đổ xô đi mua ngoại tệ, gây hỗn loạn. Phải xử lý ngay.

Những diễn biến kinh tế vĩ mô cuối năm nay là như thế nào khi so với cuối năm 2009 và 2008?

Cuối 2008 chúng ta thành công trong chống lạm phát, năm 2009 chúng ta thành công trong chống suy giảm. Đến giờ phút này của năm 2010, phải nói là giai đoạn phục hồi kinh tế, dù trục trặc, có nhiều kêu ca, nhưng năm nay là năm phát triển tốt. Về tăng trưởng kinh tế là hoàn thành, về lạm phát là có thể kiểm soát được. Xét về toàn cục, chúng ta là nước hồi phục nhanh so với nhiều quốc gia khác.

Ông nói thế thì mọi việc ổn quá còn gì?

Chúng ta mới giải quyết được tình thế thôi, chứ về lâu dài thì chưa. Tăng trưởng còn quá kém trong khi câu chuyện tái cấu trúc lại nền kinh tế từ ngay cả trong những lĩnh vực cơ bản nhất là thể chế, phân bổ nguồn lực, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thì còn nguyên đó.

Tư Giang (Thực hiện)

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Du lịch Việt hướng về khách “ngoại” (25/10/2010)

>   Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Khởi sắc, nhưng nhiều bất cập (25/10/2010)

>   Dự án bôxit: Nếu Chính phủ bảo dừng, chúng tôi sẽ dừng (25/10/2010)

>   "Việt Nam không giàu lên nhờ khai thác bô xít" (24/10/2010)

>   Quảng Ninh: Hơn 100 dự án nước ngoài còn hiệu lực (24/10/2010)

>   CPI tháng 10/2010 tăng tới 1,05% (23/10/2010)

>   Vinashin và nợ công (23/10/2010)

>   Bức xúc chuyện nợ công (22/10/2010)

>   Kích cầu kinh tế và thu hút nhà đầu tư lớn (22/10/2010)

>   Thu hơn 17.000 tỷ đồng từ bán nhà, đất công (22/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật