Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Khởi sắc, nhưng nhiều bất cập
|
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Denso Việt Nam. | Theo một khảo sát về môi trường đầu tư của ngành chức năng vừa công bố, Hà Nội là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kém thân thiện, do môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội kém sức cạnh tranh so với các địa phương khác.
Vì thế, trong quá trình giải quyết công việc có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Hà Nội cần phải cải cách hành chính (CCHC), giảm các công đoạn phải thực hiện. Sớm làm được như vậy, Hà Nội sẽ hấp dẫn và trở thành điểm đến thuận lợi hơn với các nhà ĐTNN.
Chín tháng của năm 2010, Hà Nội thu hút được 229 dự án ĐTNN, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 330 triệu USD (bằng 77,7% so với cùng kỳ năm trước). Dự kiến, cả năm nay Hà Nội sẽ thu hút 350 dự án, với tổng số vốn khoảng 800 triệu USD (tăng 53,5% so với năm 2009), trong đó có 300 dự án mới, với tổng số vốn đăng ký là 500 triệu USD và 50 dự án xin tăng vốn, với số vốn tăng thêm 300 triệu USD. Tính đến hết tháng 9-2010, Hà Nội có 1.799 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng lý là 19,5 tỷ USD. Các DN có vốn ĐTNN đang sử dụng khoảng 140.000 lao động, tập trung tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao... Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN phát triển nhanh, với những ngành, lĩnh vực quan trọng, có mức tăng trưởng cao, như chế tạo cơ khí, linh kiện điện tử, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... bởi các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Có thể nói, việc thu hút vốn ĐTNN đã khởi sắc, nhưng vẫn còn bất cập, trong đó đã xuất hiện tình trạng "giữ chỗ", bởi trên thực tế có một số DN với nhiều lý do kể cả chủ quan lẫn khách quan đã chậm triển khai dự án tới vài năm so với quy định. Vì vậy, để việc giải ngân vốn ĐTNN được thuận lợi, các ngành liên quan cần thực hiện có hiệu quả việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp giấy phép; hoãn hoặc miễn tiền thuê đất với các dự án xin dừng, hoặc giãn tiến độ thực hiện do khó khăn; cấp giấy chứng nhận lại cho các DN thuê lại đất trong các KCN để lấp đầy KCN. Với thủ tục quản lý xây dựng cơ bản, cần thực hiện đúng chức năng, cải tiến theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả; kiểm tra, giám sát tiến độ đầu tư, tránh gây phiền hà, lãng phí.
Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng liên quan, các địa phương sở tại định kỳ gặp gỡ, đối thoại về cơ chế, chính sách, giải quyết kịp thời các kiến nghị của DN, tháo gỡ các ách tắc, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD...
Tập trung cải tiến, loại bỏ những thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, bảo đảm giải quyết thủ tục nhanh... Các TTHC đối với DN được thiết kế theo hướng để khi DN thực hiện với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất (trong đó có việc đơn giản hóa các TTHC trong việc thẩm định và cấp phép, cải tiến thủ tục cấp giấy phép đầu tư, các TTHC theo nguyên tắc liên thông "một cửa"...). Sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung theo hướng giảm các danh mục phải báo cáo đánh giá tác động đến môi trường và quy định cụ thể các dự án được miễn lập các loại báo cáo này. Với các dự án phải lập báo cáo, ngành chức năng cần thẩm định nhanh và bảo đảm độ chính xác, để vừa rút ngắn thời gian đăng ký, vừa hạn chế được các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ngành chức năng tạo điều kiện cho các dự án có vốn ĐTNN sau khi được cấp phép triển khai nhanh, sớm đi vào hoạt động. Việc triển khai dự án gồm các thủ tục về cấp đất, đền bù, xây dựng công trình, nhập khẩu vật tư thiết bị, đánh giá tác động môi trường... đơn giản, nhưng theo đúng quy định. Các ngành chức năng cần thường xuyên rà soát, phân loại và đánh giá tình hình thực hiện của các dự án trên địa bàn để có biện pháp xử lý, hỗ trợ cho phù hợp, trên cơ sở ban hành quy chế về thanh, kiểm tra DN có vốn ĐTNN. Trong đó, quy định cụ thể chế độ kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm chấm dứt sự kiểm tra tùy tiện. Hoạt động thanh, kiểm tra DN là cần thiết, nhưng trước hết phải hướng vào mục đích làm cho các DN tự giác tôn trọng pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng thanh tra, kiểm tra để gây khó khăn cho DN.
Có nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường thu hút ĐTNN ở Hà Nội, trong đó CCHC là giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, thủ tục mới, nhưng tư duy cũ sẽ là vật cản trong CCHC. Do đó, cần sự công tâm của cán bộ công chức, cùng cơ chế pháp lý minh bạch là những yếu tố quan trọng để Hà Nội cải thiện môi trường thu hút ĐTNN.
Khánh Linh - Hồng Sơn
hà nội mới
|