Cổ phiếu ngân hàng trước áp lực huy động vốn
Lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP đang dần khép lại, trong khi nhiều nhà băng vẫn đang dở kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn. Song khác với trước, hiện cổ phiếu ngân hàng không còn sức hút đối với cổ đông hiện hữu. Mặt khác, các cổ đông nhà nước đã và đang dần rút khỏi các ngân hàng.
Dồn dập bán
Chỉ trong gần 2 tháng qua, các ngân hàng đã thực hiện hàng loạt kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn, Maritime Bank chuẩn bị phát hành 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, với giá phát hành 13.000 đồng/cổ phiếu và sẽ hoàn tất kế hoạch này trong tháng 10/2010.
Cũng trong tháng này, HDBank tăng vốn điều lệ từ 1.550 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Lộ trình tăng vốn của HDBank sẽ gồm hai đợt. Đợt đầu, HDBank phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 1.550 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng thông qua việc bán 45 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và CBNV Ngân hàng. Đợt hai, HDBank sẽ tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành 155 triệu cổ phần, trong đó, HDBank chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, phần còn lại vẫn ưu tiên dành cho cổ đông hiện hữu và CBNV. Giá chào bán (cho cổ đông hiện hữu và CBNV) là 10.000 đồng/cổ phần…
Nhiều ngân hàng cho biết, ngoài việc đáp ứng lộ trình tăng vốn theo quy định tại Nghị định trên, tăng vốn điều lệ là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực tài chính trong bối cảnh hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng sản phẩm dịch vu… Mặt khác, đây cũng là điều kiện để thu hút khách hàng, giúp các ngân hàng đứng vững trước rủi ro, tăng trưởng nhanh hơn về quy mô kinh doanh và khả năng sinh lời. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường hiện nay, để thực hiện được mục tiêu trên là bài toán “hóc búa” đối các nhiều ngân hàng.
Lượng cổ phiếu được các nhà băng phát hành ra thị trường trong năm nay khá lớn, cộng với diễn biến không mấy thuận lợi của TTCK đã khiến nguồn cung cổ phiếu ngân hàng trở nên áp đảo cầu. Giá cổ phiếu ngân hàng từ đó khó có thể được cải thiện, thậm chí sụt giảm và mờ nhạt dần trong danh mục chọn đầu tư của nhà đầu tư.
Đáng chú ý, một số nhà băng có cổ đông là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chi phối đang phải đối mặt với việc “thoái vốn” của các cổ đông này. Đơn cử như Navibank, có cổ đông lớn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tập đoàn này đã quyết định thoái vốn tại Ngân hàng. Vì thế, dù đã nhanh chóng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng việc gọi vốn đủ để đáp ứng lộ trình của Nghị định 141 vẫn có khó khăn nhất định đối với Ngân hàng.
Trao đổi với ĐTCK, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho biết, hiện Navibank là một trong 3 ngân hàng trên địa bàn TP. HCM có mức vốn điều lệ thấp nhất, 1.000 tỷ đồng. Navibank đã trình hồ sơ xin tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng và đã được NHNN chấp thuận kế hoạch này. Tuy nhiên, do cổ đông lớn của Ngân hàng là Tập đoàn Vinatex đã không “rót” thêm lại còn thoái vốn khỏi Ngân hàng, nên Navibank đang phải tăng tốc trong việc gọi thêm vốn từ các cổ đông hiện hữu và chiến lược khác để có thể tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm 2010 kết thúc.
Theo ước tính, số vốn mà các ngân hàng cần huy động thêm để bổ sung vốn điều lệ năm nay lên đến 51.000 tỷ đồng. Do đó, một lượng vốn khổng lồ của thị trường sẽ được các ngân hàng, nhất là nhà băng dưới 3.000 tỷ đồng thu hút trong quý IV này.
Trong khi đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, không gia hạn thời gian thực hiện lộ trình tăng vốn của ngân hàng theo quy định tại Nghị định 141.
Cổ phiếu giảm giá
Giá cổ phiếu ngân hàng không những khó được cải thiện mà còn sụt giảm dần trong 3 tháng qua kể từ khi TTCK trở nên ảm đảm do tác động các chính sách tài chính – tiền tệ thắt chặt mà cụ thể là các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN.
Vì vậy, giá cổ phiếu ngân hàng phát hành mới dù chỉ được niêm yết bằng mệnh giá (ở nhà băng nhỏ) và cao hơn một chút tại một số ngân hàng lớn, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm bỏ vốn mua trước diễn biến của TTCK hiện nay.
Hiện giá cổ phiếu của những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như OCB, HDBank, Navibank, WesternBank, VietA Bank,… giao dịch chỉ bằng mệnh giá.
Chính điều này đã buộc một số nhà băng thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức đầu năm 2010 phải hoãn lại. Đơn cử như DongA Bank, trong kỳ ĐHCĐ thường niên đầu năm nay, Ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE) sau khi tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng. Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, đến thời điểm này, Ngân hàng vẫn chưa có lộ trình cụ thể cho việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức. Hiện tại, Ngân hàng vẫn đang trong quá trình hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng.
“Sở dĩ DongA Bank chưa đưa cổ phiếu lên sàn HOSE là vì chúng tôi nhận thấy diễn biến TTCK chưa được thuận lợi và phù hợp để Ngân hàng thực hiện kế hoạch này. Mục đích của việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức là nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu. Song với tình hình TTCK hiện nay, cổ phiếu niêm yết hay chưa cũng rơi vào tình trạng thanh khoản yếu”, ông Bình nói.
Mặt khác, theo ông Bình, DongA Bank đang tính đến việc sẽ bán bớt một phần vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trong tỷ lệ cho phép trước khi niêm yết cổ phiếu hay giữ nguyên “room” cho nhà đầu tư ngoại khi lên sàn chứng khoán HOSE.
Hiện nay, MB cũng là một trong những nhà băng còn nguyên “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng này đã được NHNN chấp thuận đề nghị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, MB vẫn chưa có động tĩnh gì mới liên quan đến việc thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu nói trên.
Giá cổ phiếu của MB, DongA Bank… hiện giao dịch trên thị trường phi tập trung cũng giảm nhẹ so với đầu năm (giá cổ phiếu MB vào khoảng 19.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu; DongA Bank trong khoảng 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu 2 ngân hàng này vẫn tốt hơn so với các cổ phiếu nhà băng nhỏ khác.
Theo dự báo của nhiều nhà phân tích chứng khoán - tài chính, khả năng phục hồi của cổ phiếu ngân hàng chưa thể kỳ vọng sớm. Một phần, do tình hình kinh tế còn có những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng trong thời điểm hiện tại cũng như ở tương lai. Do đó, áp lực giảm giá đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ còn, nhất là với một lượng cổ phiếu lớn đã hoặc đang được phát hành.
Theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khi các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN đi vào thực tế cuộc sống, lợi nhuận của ngân hàng sẽ khó kiếm hơn so với trước đây.
Hoạt động của ngành này không còn được xem là siêu lợi nhuận như trước, trong khi đó, vốn điều lệ của nhà băng liên tục được điều chỉnh tăng, dẫn đến áp lực về cổ tức.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|