Thứ Sáu, 22/10/2010 12:13

Chuyện lạ “vô tiền khoáng hậu” ở Techcombank (Kỳ 4)

Vu khống để bưng bít thông tin

Để làm rõ việc công văn của Techcombank vu khống phóng viên ĐS&PL, chiều ngày 7/10/2010, đại diện báo ĐS&PL đã có cuộc làm việc với Techcombank. Sau đây là nội dung buổi làm việc giữa ĐS&PL với đại diện Ngân hàng Techcombank (bà Nguyễn Thanh Mai giới thiệu là Phó phòng Maketing và ông Nguyễn Đức Hùng - chuyên viên phòng Marketing do lãnh đạo ngân hàng uỷ quyền làm việc với đại diện báo ĐS&PL.

Đại diện Báo ĐS&PL làm việc với Techcombank

Kỳ 1: Cho người khác rút tiền tỷ từ sổ tiết kiệm của khách hàng

Kỳ 2: Techcombank đã vu khống báo chí và khách hàng như thế nào?

Kỳ 3: Sự thật từ băng ghi âm

Đại diện Techcombank nói gì?

ĐS&PL: Xin bà khẳng định công văn số 000718 ngày 1/10/2010 có đúng do Techcombank ban hành gửi một số báo?

Bà Nguyễn Thanh Mai (NTM): Đúng, công văn đó do Tổng giám đốc Techcombank ký gửi các báo. Chúng tôi có văn bản lưu đây. Nhưng do sơ suất công văn có đóng dấu, có chữ ký của Tổng giám đốc nhưng không ghi tên Tổng giám đốc. Chúng tôi sơ suất nên xin lỗi về việc này.

ĐS&PL: Nội dung công văn liên quan đến phóng viên của báo, nhưng Techcombank lại không gửi văn bản đó cho báo?

Bà NTM: Bên Techcombank đã gửi cho 4 báo cùng một lúc, trong đó có gửi cho Báo Đời sống & Pháp luật, tuy nhiên có sơ suất trong chuyển bưu điện. Đây là công văn quan trọng, nếu chuyển được trực tiếp thì tốt hơn. Khi ngân hàng kiểm tra lại thì bưu điện có nói là anh Tuấn Anh nhận, không biết Tuấn Anh nào thì cũng chưa rõ, để kiểm tra lại. Báo cũng thông cảm, cũng bỏ qua cho ngân hàng phần này.

ĐS&PL: Tuấn Anh nhận là ai?

Bà NTM: Không, đây là bưu điện nói. Để ngân hàng kiểm tra lại

ĐS&PL: Công văn nói phóng viên Trần Mạnh Quyết với mục đích đăng bài để ép ngân hàng phải trả tiền khách hàng của Techcombank. Bà giải thích về điều này?

Bà NTM: Về phía ngân hàng, không có ý nói PV Trần Mạnh Quyết có lời lẽ hay hành động để ép ngân hàng phải trả tiền khách hàng. Mà ngân hàng chỉ có khía cạnh nói là anh Lâm liên hệ với PV anh Quyết. Có thể dùng báo chí để mà phản ánh lại sự việc của khách hàng chứ không có ý nói báo, mong các báo hiểu như vậy.

ĐS&PL: PV Quyết có nói tiền của khách hàng bị mất thì ngân hàng phải trả tiền cho khách hàng. Và cách thức sẽ trả như thế nào?

Bà NTM: Chúng tôi có trình bày để khi nào cơ quan điều tra họ trả lời thì chúng tôi mới giải quyết được cho anh Lâm. Chỉ có anh Lâm trước đó có làm việc với ngân hàng có nói nếu không trả tiền, anh ấy sẽ dùng báo chí để lên tiếng.

ĐS&PL: Trong công văn có nêu rõ: "Anh Lâm đã thông tin cho phóng viên Trần Mạnh Quyết của Báo Đời sống và Pháp luật với mục đích đăng bài về vụ việc lên Báo, để ép ngân hàng phải trả số tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp…". Vậy Techcombank căn cứ vào đâu để khẳng định điều này?

Bà NTM: Tức là anh Lâm đã thông tin cho anh Quyết với mục đích của anh Lâm đăng bài để ép ngân hàng chứ không phải nói PV Quyết.

ĐS&PL:Vậy căn cứ vào đâu để nói anh Lâm nhờ PV Quyết. Còn trong tác nghiệp, PV báo có quyền gặp anh Lâm để tìm hiểu thông tin?

Bà NTM: Thực ra chúng tôi có thông tin nội bộ, trước đây PV Quyết có liên hệ với anh Long (phòng pháp chế và tuân thủ), anh Long có thông tin, PV Quyết có nhận được thông tin, PV Quyết muốn lấy một số thông tin về sự việc.

ĐS&PL: PV có quyền đi tìm hiểu, sao Techcombank lại căn cứ vào đó để khẳng định?

Bà NTM: Thực ra đây chỉ là thông tin nội bộ. Còn việc anh Lâm đến phòng pháp chế và tuân thủ cũng như PV Quyết đến tìm hiểu thông tin hai chiều là chuyện bình thường.

ĐS&PL: Như vậy khẳng định lại, tại buổi làm việc hôm 30/9/2010, PV Quyết đến làm việc là một buổi làm việc bình thường?

Bà NTM: Hôm đó, chị Tô Thuỳ Trang quyền Giám đốc Marketing, và anh Nguyễn Đức Hùng (cán bộ phòng Marketing) đã cung cấp thông tin về vụ việc cho phóng viên hoàn toàn trên cơ sở pháp lý.

ĐS&PL: Tại buổi làm việc, phóng viên Quyết cũng ghi âm, phía ngân hàng cũng ghi âm. Vậy nội dung ghi âm của ngân hàng có lưu lại, có lời nào PV Quyết nói đăng bài ép ngân hàng trả tiền cho khách hàng không?

Bà NTM: Đúng là phía ngân hàng có ghi âm, hiện vẫn còn lưu giữ. Hoàn toàn không có lời lẽ nào ép hay đe doạ phía ngân hàng phải trả tiền cho anh Lâm.

ĐS&PL: Như vậy đây là một buổi làm việc bình thường, tại sao chỉ một ngày sau đó Techcombank lại có công văn nêu trên phản ánh sai sự thật gửi tới các báo?

Bà NTM: Đây là nói khách hàng Lâm chứ không phải nói PV Quyết.

Nội dung cuộc trao đổi được phản ánh trung thực từ băng ghi âm nói trên đã cho thấy bản chất sự việc, ĐS&PL xin được để bạn đọc đánh giá và xin miễn bình luận.

“Có thể khởi kiện ra toà”

Về vụ việc nói trên, Luật sư Lâm Anh Quang, Văn phòng Luật sư Đức Minh cho rằng: "Để xẩy ra sự việc này là do lỗi của ngân hàng đã làm sai quy định trong việc tất toán, cụ thể anh Lâm là người đứng tên trong sổ tiết kiệm về nguyên tắc khi thực hiện thủ tục tất toán anh Lâm phải có mặt tại ngân hàng trực tiếp làm thủ tục tất toán. Việc anh Lâm không có mặt và cũng không có ủy quyền hợp pháp cho chị Huyền thực hiện thủ tục tất toán rút tiền tiết kiệm mà cán bộ ngân hàng vẫn tiến hành cho tất toán thì cán bộ đó đã vi phạm quy định về trình tự thủ tục tất toán chứ không phải là sơ suất của nhân viên giao dịch như công văn số 000718 ngày 01/10/2010 của Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam nêu để bao biện cho sai phạm này.

Tại công văn ngân hàng còn cho rằng do tin tưởng là khách hàng lâu năm nên cán bộ giao dịch đã cho chị Huyền tất toán. Nói như vậy thì chỉ có khách hàng lâu năm thì được ưu tiên còn nếu một người khác là khách hàng mới cũng rơi vào trường hợp giống anh Lâm chị Huyền thì sẽ không được giải quyết hay sao, cách lý giải như vậy phi pháp luật.

Ngoài ra tại công văn nêu trên Ngân hàng còn cho rằng, "Anh Lâm đã thông tin cho phóng viên Trần Mạnh Quyết Báo Đời Sống và Pháp Luật với mục đích đăng bài về vụ lên báo để ép ngân hàng trả tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp.." . Nội dung này, nếu ngân hàng không có bất cứ một tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc anh Lâm thông tin cho phóng viên Quyết đến lấy thông tin để nhằm mục đích đăng bài, ép ngân hàng trả tiền thì rõ ràng ngân hàng không những đã vu khống mà còn bôi nhọ phóng viên.

Cùng quan điểm như trên, Luật sư Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kinh Đô cho rằng, trong vụ việc trên, phía Techcombank đã dùng lời lẽ chủ quan để vu khống. "Trước tiên phải khẳng định, lỗi để xảy ra việc mất tiền của anh Lâm là do nhân viên ngân hàng sai về mặt nghiệp vụ. Tuy nhiên, ngay sau đó, phía Techcombank lại có công văn gửi các báo tường trình vụ việc mà không gửi báo ĐS&PL, là không được. Đáng nói, trong công văn còn dùng những lời lẽ chủ quan, suy diễn để vu khống, bôi nhọ phóng viên. Đây là việc làm không chỉ ảnh hưởng đến phóng viên mà còn là uy tín của cả tờ báo. Cá nhân phóng viên có thể yêu cầu phía Techcombank làm rõ vụ việc và xin lỗi công khai trên các cơ quan thông tin đại chúng. Thậm chí, có thể đưa vụ việc ra tòa"- ông Hùng khẳng định.

Luật sư Mai Xuân Hải, Trưởng VP Luật sư Mai Xuân Hải cũng cho rằng, có thể khởi kiện ra tòa nội dung vu khống trong công văn của Techcombank. Ông Hải lý giải: "Trong công văn của Techcombank gửi cho các báo cho rằng: "Anh Lâm đã thông tin cho phóng viên Trần Mạnh Quyết Báo đời Sống và Pháp luật với mục đích đăng bài về vụ lên báo để ép ngân hàng trả tiền mà vợ anh Lâm đang giữ bất hợp pháp...". Theo tôi, rất đáng phải xem xét và cần làm rõ động cơ, mục đích của Techcombank trong việc ra công văn này. Đây có thể coi là đã vu khống phóng viên theo kiểu suy luận không có chứng cứ, chứng lý. Với tình tiết này, phóng viên có quyền yêu cầu phía Techcombank phải công khai xin lỗi trên báo chí. Thậm chí có thể khởi kiện ra tòa.

Một tình tiết khác cũng đáng lưu ý, trong vụ việc này, cần phải tách biệt rõ hai việc, giữa anh Lâm với Techcombank và giữa Techcombank với chị Huyền. Anh Lâm có quyền yêu cầu phía Techcombank phải trả tiền mà không cần biết giữa ngân hàng với chị Huyền giải quyết ra sao và cũng không cần quan tâm đến việc giải quyết của công an. Vì thế, anh Lâm gửi đơn đến các cơ quan báo chí đề nghị vào cuộc làm rõ cũng không có gì là sai và uẩn khúc cả.

Câu hỏi đang được đặt ra là, tại sao PV báo ĐS&PL đến liên hệ làm việc chính thống với Techcombank về sự việc này lại không được cung cấp công văn này?. Điều này làm cho mọi người nghĩ đến việc Techcombank đã có chủ định lấp liếm cái sai của mình bằng việc dựng lên một sự kiện đặc biệt khác. Trong khi đó, công văn gửi đến các báo cũng không có tên người ký, điều này càng thể hiện sự cửa quyền độc đoán của một số ngân hàng lớn hiện nay".

Về động cơ của việc Techcombank vu khống báo chí, Luật sư Tạ Quốc Cường (VP Luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự) đánh giá là nhằm "bưng bít thông tin". Ông Cường khẳng định: "Sau buổi làm việc giữa Techcombank với báo chí, phía ngân hàng đã có công văn gửi các báo với mục đích đánh lạc hướng bằng việc vu khống để bưng bít thông tin, hay cũng chính là bảo vệ nhân viên của mình vì trong vụ việc rút tiền này có thể nhận thấy, lỗi lớn nhất thuộc về nhân viên giao dịch Techcombank. Thậm chí nếu làm rõ ra, bà Huyền không trả tiền cho ông Lâm mà bỏ trốn chẳng hạn, thì nhân viên giao dịch này có thể bị khởi tố hình sự về tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi nếu nhân viên giao dịch yêu cầu bắt buộc sự có mặt của ông Lâm khi rút tiền thì đã không xảy ra vụ việc này rồi.

Cũng cần phải nhấn mạnh, Techcombank trong việc chủ quan đánh giá rằng ông Lâm liên hệ với PV để đăng bài với mục đích ép ngân hàng trả tiền cho ông Lâm là nhằm hạ thấp danh dự của phóng viên và bưng bít các thông tin liên quan đến vụ việc này. Việc cơ quan điều tra vào điều tra là việc của công an, còn báo chí cũng có sứ mệnh cung cấp thông tin đến công chúng được, vì rất nhiều vụ việc khác đều như thế và báo chí và công an là hai cơ quan độc lập nhau".

Việc Techcombank làm sai nguyên tắc dẫn đến hậu quả làm mất tiền gửi của khách hàng, sau đó tìm mọi lý do để né tránh trách nhiệm, thậm chí có văn bản gửi đến các cơ quan báo chí vu khống cả khách hàng lẫn phóng viên đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phía ngân hàng này vẫn chưa hề đưa ra lời xin lỗi chính thức nào về hành vi sai trái mình. Đặc biệt, trong khi vu khống khách hàng và báo chí, Techcombank luôn tìm cách biện minh cho sai phạm nghiêm trọng của nhân viên của mình. Trong nội dung các buổi làm việc cũng như các văn bản, Techcombank không hề đề cập đến việc xử lý trách nhiệm của nhân viên sai phạm. Trong khi đó, theo những thông tin mới nhất mà ĐS&PL tìm hiểu được, hành vi sai phạm của nhân viên Techcombank trong vụ việc này hoàn toàn không phải chỉ là "sơ suất do tình cảm" mà đã có dấu hiệu của việc cố ý làm trái, thậm chí những tình tiết mới của vụ việc cho thấy việc cố ý làm trái này có những nghi vấn về hành vi vụ lợi. Những dấu hiệu của một vụ án hình sự trong việc cố ý làm trái của nhân viên ngân hàng rất cần được cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ. Những tình tiết mới trong vụ việc, ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.

Đời sống Pháp luật

Các tin tức khác

>   Khởi tố Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong (21/10/2010)

>   Chuyện lạ “Vô tiền khoáng hậu” ở Techcombank (Kỳ 3) (19/10/2010)

>   Nhận hối lộ 262.000 USD, nguyên PGĐ Sở GTVT bị tù chung thân (18/10/2010)

>   Cư dân “tẩy chay” hội nghị nhà chung cư E home (17/10/2010)

>   Thương về Miền Trung: Ủng hộ Đồng bào (17/10/2010)

>   Khu phố náo loạn vì 'bạn hàng' ôm 80 lượng vàng tháo chạy (17/10/2010)

>   Đã liên lạc được với 9 ngư dân mất tích (16/10/2010)

>   Lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà bị đề nghị kỷ luật (16/10/2010)

>   Techcombank đã vu khống báo chí và khách hàng như thế nào? (16/10/2010)

>   Cho người khác rút tiền tỷ từ sổ tiết kiệm của khách hàng (14/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật