Thị trường chứng khoán: Cung vượt cầu
Năm 2010, theo dự kiến ban đầu, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ đón nhận khoảng 100 mã cổ phiếu mới. Nhưng tính đến nay, đã có khoảng 70 DN niêm yết mới, cùng với hàng loạt hồ sơ niêm yết mới đang được xem xét, thì chắc chắn lượng cổ phiếu chào sàn chắc chắn vượt xa con số 100.
Việc gia tăng chủng loại hàng hóa trên thị trường là một tín hiệu tốt, nhưng khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt như hiện nay, TTCK đang đối mặt với thực tế: cung vượt cầu.
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, giai đoạn quý III và đầu quý IV được nhận định là "điểm rơi" kế hoạch phát hành của các DN. Đơn cử như tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh, hiện còn 35 DN đã nộp hồ sơ niêm yết và đang chờ có quyết định chấp thuận. Trong đó, có nhiều DN có quy mô vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, như: Ngân hàng TMCP Quân đội (5.300 tỷ đồng), CTCP Petroland (1.000 tỷ đồng). Ngoài ra, HOSE cũng vừa nhận hồ sơ của CTCP Tập đoàn Đức Long- Gia Lai đăng ký niêm yết 29,1 triệu cổ phiếu, CTCP Đường Ninh Hòa đăng ký niêm yết 8,1 triệu cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán Hà Nội, hiện vẫn còn hồ sơ của 61 DN đang chờ phê duyệt để niêm yết.
Thực tế, nguồn cung hàng hóa trên thị trường giai đoạn này tăng mạnh chính là một trong những sức ép đến sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Trong khi nguồn tiền mới chưa vào thị trường thì nguồn tiền hiện tại lại bị chia sẻ cho việc mua cổ phiếu mới, khiến thị trường thiếu lực đi lên. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát năm 2010 khiến các chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ, nguồn tiền không thực sự dồi dào. Lãi suất ngân hàng cho vay khá cao, trong khi các dự án vẫn tiếp tục phải triển khai, cũng như áp lực tăng trưởng là nguyên nhân chính khiến các DN phải huy động vốn thông qua kênh phát hành. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện tăng vốn theo yêu cầu về quy định vốn tối thiểu cũng hút một lượng tiền không nhỏ.
Với chính sách tiền tệ hiện tại, hệ quả mà TTCK đang phải đối mặt là cung đang vượt cầu. Nếu chính sách tiền tệ không được nới dần, thì mức độ mất cân đối tiền - hàng sẽ gia tăng trong thời gian tới, bởi theo con số ước tính của một số công ty chứng khoán và quỹ đầu tư, từ nay đến cuối năm, chỉ tính riêng số tiền cần để có thể hấp thụ hết số cổ phiếu phát hành tăng vốn của các DN ngành tài chính, ngân hàng niêm yết sẽ ngốn khoảng hơn 70.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể, để mua hết được số lượng cổ phiếu của các DN có kế hoạch niêm yết mới từ nay đến cuối năm, sẽ cần khoảng 20.000 tỷ đồng nữa… Đây là một lượng tiền khá lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn chưa có những tín hiệu khả quan hỗ trợ cho TTCK trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty Chứng khoán Kim Eng dự báo, câu chuyện cung vượt cầu đã được phản ánh khá rõ nét trên TTCK hiện nay. Điều này có xu hướng tăng lên nếu chính sách tiền tệ không sớm thay đổi theo hướng nới dần. Để hấp thụ được một lượng cổ phiếu khá lớn từ các DN niêm yết mới, cũng như các DN phát hành tăng vốn, nhà đầu tư phải bán cổ phiếu đang nắm giữ, chứ không dễ tìm kiếm được nguồn tiền mới. Diễn biến này đang ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện tính thanh khoản cho TTCK. Còn theo T.S Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, rất nhiều DN phản ánh đang khó tiếp cận vốn, mặc dù các ngân hàng không thiếu vốn. Nguyên nhân là do phía ngân hàng đặt ra rất nhiều điều kiện cho vay ngặt nghèo, khiến DN rất khó đáp ứng. Thực tế này đang ảnh hưởng không tích cực đến kết quả kinh doanh của các DN, trong đó có cả DN niêm yết trên TTCK, cũng như TTCK.
Muốn tháo gỡ tình trạng trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, với việc bước đầu đã kiểm soát được tình hình lạm phát, cũng như điều kiện cho tăng trưởng tín dụng trong năm nay còn khá lớn, đây là thời điểm thích hợp để xem xét nới dần chính sách tiền tệ. Diễn biến của lạm phát, cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại cho phép nghĩ đến nới dần chính sách tiền tệ và đây chính là điều TTCK chờ đợi nhất hiện nay. Việc bớt thắt chính sách tiền tệ, cần được thực hiện đồng thời qua nghiệp vụ thị trường mở và giảm lãi suất cơ bản. Nếu chỉ dừng lại ở kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất như thời gian qua, thì rất khó đạt mục tiêu giảm dần lãi suất, bởi các ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao, thì không có lý gì họ cho vay với lãi suất thấp.
Nhật Quang
công thương
|