Thứ Bảy, 07/08/2010 09:37

Cái lý của Bộ Tài chính về công khai danh mục đầu tư 

Sợ lộ bí mật kinh doanh và e ngại không đảm bảo bình đẳng về công khai danh mục đầu tư là hai điểm cốt yếu được nhiều CTCK quan ngại xung quanh dự thảo Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung kế toán áp dụng đối với CTCK, do Bộ Tài chính soạn thảo và đang đưa ra lấy ý kiến.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Ban soạn thảo - Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) khẳng định, việc yêu cầu công bố danh mục đầu tư cổ phiếu, trái phiếu không vi phạm nguyên tắc bí mật trong kinh doanh của các CTCK. Bộ Tài chính cũng đang gấp rút soạn thảo văn bản hướng dẫn sửa đổi chế độ kế toán áp dụng đối với các công ty quản lý quỹ, nên sẽ đảm bảo sự công bằng về công khai danh mục đầu tư của các NĐT có tổ chức trên TTCK.

Lo lắng của các CTCK về việc công khai danh mục đầu tư sẽ làm lộ bí mật kinh doanh phần nào được giải toả khi bà Hà Thị Tường Vy, Trưởng phòng Chế độ kế toán ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán cho biết, nguyên tắc bảo mật trong kinh doanh của các CTCK sẽ được đảm bảo khi Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung kế toán áp dụng đối với CTCK có hiệu lực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là danh mục đầu tư của các CTCK được giữ kín, bởi theo chuẩn mực kế toán quốc tế, thì về nguyên tắc, các CTCK phải phản ánh danh mục đầu tư trong báo cáo tài chính quý và cả năm. Việc áp dụng chuẩn mực kế toán này không chỉ giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động đầu tư của các CTCK, mà còn góp phần minh bạch các khoản mục đầu tư của CTCK trong khuôn khổ pháp luật cho phép, đồng thời tạo sự bình đẳng cho các đối tượng tham gia đầu tư trên TTCK, nhất là NĐT nhỏ lẻ.

"Nói như vậy không có nghĩa quan điểm mà Ban soạn thảo đưa ra là phương án 'cứng', mà ngược lại, chúng tôi sẵn sàng xem xét, tiếp thu ý kiến đóng góp khách quan, khoa học, có tính khả thi cao của các CTCK về việc công khai danh mục đầu tư, miễn sao vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan", bà Vy nói.

Với quan điểm "mở" như vậy, bà Vy cho biết, ngoài phương án đã đề xuất trong dự thảo Thông tư, Ban soạn thảo cũng đang nghiên cứu, cân nhắc một số phương án khác khi phản ánh danh mục đầu tư của các CTCK trong báo cáo tài chính. Cụ thể là các CTCK chỉ công bố những khoản mục đầu tư có rủi ro lớn, có nguy cơ tác động tiêu cực ở mức độ khá nghiêm trọng đến an toàn tài chính của công ty, cũng như TTCK. Phương án này giúp cơ quan quản lý giám sát được hoạt động kiểm soát rủi ro của các CTCK, qua đó đưa ra những chấn chỉnh cần thiết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến TTCK, đồng thời giúp NĐT nhỏ lẻ ít phải đối mặt với tình trạng bất đối xứng về tiếp cận thông tin trong hoạt động đầu tư.

Một phương án khác cũng được Ban soạn thảo xem xét là buộc các CTCK ghi nhận toàn bộ danh mục đầu tư trong báo cáo tài chính như là một báo cáo gửi các cơ quan quản lý, giám sát. Trên cơ sở báo cáo này, CTCK chỉ công khai  một số thông tin, chứ không phải công bố toàn bộ danh mục đầu tư…

Yếu tố công bằng trong công khai danh mục đầu tư cũng là câu hỏi mà các CTCK muốn tìm lời giải từ Ban soạn thảo, bởi trong khi dự thảo Thông tư đưa ra quy định các CTCK phải công khai danh mục đầu tư, thì yêu cầu này lại không đặt ra với các NĐT lớn khác trên TTCK như công ty quản lý quỹ.

Về vấn đề này, Bà Vy cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán đang chuẩn bị các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán đối với công ty quản lý quỹ, trong đó Ban soạn thảo cũng đưa ra yêu cầu các DN này phải ghi nhận những khoản mục đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu tương tự như CTCK trong báo cáo tài chính. Điều này không chỉ tạo ra sự bình đẳng về nghĩa vụ công khai danh mục đầu tư của các NĐT lớn trên TTCK, mà còn đảm bảo tính đồng bộ trong đổi mới chế độ kế toán đối với các thành viên trên TTCK.

Theo TS. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), việc sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ nằm trong kế hoạch tổng thể sửa đổi, hiện đại hoá chế độ kế toán đối với các chủ thể tham gia trên TTCK. Theo đó, ngoài các văn bản sửa đổi, hoàn thiện chế độ kế toán đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán khẩn trương hoàn tất các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán đối với Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, để sớm ban hành, nhằm đảm bảo khắc phục những hạn chế của chế độ kế toán đối với các đơn vị này sau 10 năm phát triển. Dự kiến, trong năm nay, tất cả các văn bản hướng dẫn chế độ kế toán đối với các thành viên trên TTCK sẽ được ban hành và có hiệu lực.

Hữu Hòe

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lý thuyết sóng Elliott và ứng dụng vào phân tích chứng khoán (07/08/2010)

>   Chọn kênh đầu tư  (07/08/2010)

>   Cty niêm yết tăng vốn càng mạnh : Cổ đông nhỏ càng thiệt (07/08/2010)

>   Những cơn sóng cổ phiếu quái dị (07/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 50,45 điểm (06/08/2010)

>   Loại 6 cổ phiếu khỏi rổ tính chỉ số UPCoM (06/08/2010)

>   Đầu tư chứng khoán: Chiến lược nào khi thị trường giảm? (06/08/2010)

>   Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng thời điểm này là hợp lý (06/08/2010)

>   VNH giải trình nguyên nhân tăng trần 5 phiên liên tiếp (06/08/2010)

>   VinaCapital tiếp tục giải ngân (06/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật