Thấy gì qua báo cáo quý II?
Mặc dù nhiều doanh nghiệp niêm yết đều công bố lãi trong báo cáo tài chính quý II/2010, nhưng các nhà đầu tư vẫn thờ ơ.
Tính đến ngày 11.8, đa số doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2010. Chỉ riêng sàn TP.HCM, đã có 246 trong tổng số 258 doanh nghiệp niêm yết gửi báo cáo tài chính. Tuy nhiên, mặc dù có 1/3 doanh nghiệp trong số này đưa ra con số lợi nhuận tăng trưởng, nhưng nhà đầu tư vẫn cứ thờ ơ.
Thiếu yếu tố bất ngờ
Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Khối Phân tích Đầu tư, Công ty Chứng khoán SME, mặc dù nhiều doanh nghiệp báo cáo lãi, như LAF (Công ty Cổ phần Chế biến Xuất khẩu Long An), VNI (Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam), VHG (Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Việt Hàn) đều có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 3.000% so với cùng kỳ, nhưng nếu xét kỹ, mức tăng này không đáng chú ý, vì bối cảnh kinh doanh của hai thời điểm 2009 và 2010 rất khác nhau.
Năm 2009, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế mà tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó, thậm chí thua lỗ. Chẳng hạn, trong quý II/2009, VNI đã lỗ 77 triệu đồng. Đến quý II năm nay, khi VNI công bố lãi 2,3 tỉ đồng, nhà đầu tư đã đoán biết điều này. Bởi lẽ, năm 2010, nền kinh tế đã hồi phục rõ rệt, nên chắc chắn sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của Công ty.
Ngay cả khi xét đến kết quả lợi nhuận 6 tháng vượt kế hoạch năm, nhà đầu tư cũng có lý do để không mừng rỡ. VNI đã đề ra kế hoạch lợi nhuận năm 2010 chỉ 1 tỉ đồng trong khi năm ngoái, lợi nhuận thực hiện đã là 1,5 tỉ đồng. So với mức vốn 111,4 tỉ đồng thì chỉ tiêu này quá thấp.
Một số báo cáo tài chính ấn tượng cũng không thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, bởi lợi nhuận chủ yếu đến từ các hoạt động ngoài ngành. Chẳng hạn, 68,2% lợi nhuận của VHG là đến từ hoạt động chuyển nhượng vốn tại Khu liên hợp An Lưu (Quảng Nam). Trong khi đó, khoản lãi từ chuyển nhượng một phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Bất động sản Phước Đông không chỉ mang về cho MTGas (MTG) 4,7 tỉ đồng mà còn cứu Công ty khỏi cảnh thua lỗ.
Điều này lý giải vì sao trong 6 tháng đầu năm lại xuất hiện tình trạng mất tương xứng giữa tăng trưởng lợi nhuận với tăng trưởng doanh thu. Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã cho thấy, trong số 10 công ty đạt lợi nhuận vượt kế hoạch năm, không doanh nghiệp nào hoàn thành mục tiêu doanh thu. Tập đoàn CMC vượt 6% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng chỉ mới thực hiện được 32% chỉ tiêu doanh thu.
Điều này cũng đang xảy ra với các doanh nghiệp ăn theo ngành. Nhờ vào giá mủ cao su tăng mạnh (3.000 USD/tấn) mà Cao su Thống Nhất (TNC) đã hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận. Trong khi đó, sản lượng khai thác và tiêu thụ cao su của TNC trong 6 tháng chỉ mới đạt 15-30% kế hoạch năm.
Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng, nhà đầu tư dễ bị choáng ngợp. Thực tế, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong quý II/2010 không thực sự bất ngờ. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn tốt, vẫn không thiếu những công ty thua lỗ. Tại những doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Container Phía Nam (VSG), Hàng Hải Sài Gòn (SHC), Tribeco (TRI), mức thua lỗ đã nảy sinh từ những quý trước.
Nguyên nhân thua lỗ, theo giải trình của các công ty, chủ yếu là giá vốn hàng bán và chi phí tăng cao. Giá vốn tại Công ty Cổ phần Cung ứng Dịch vụ Kỹ thuật Hàng hải (MAC) là 10,94 tỉ đồng, trong khi tổng doanh thu chỉ đạt 12,5 tỉ đồng. Vì thế, mức lãi gộp 1,56 tỉ đồng không đủ để MAC trang trải các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý. Kết quả là Công ty đã lỗ 280 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm.
Cũng có những doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Hải sản Basaco (BAS) làm ăn thua lỗ do gặp khó khăn về đầu ra, thể hiện qua việc hàng tồn kho tăng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tính đến đầu tháng 6.2010 đã tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là lý do khiến Công ty Chứng khoán Phố Wall (WASS) nhận định, sự bứt phá trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ tùy vào khả năng khai thác thuận lợi và hạn chế khó khăn từ điều kiện ngành mang lại.
6 tháng cuối năm: Khó khăn vẫn còn
Trên thực tế, mùa báo cáo quý II năm nay không phải không có những gương mặt nổi bật. Vinamilk (VNM), Nhựa Đông Á (DAG), Công ty Đầu tư Xây dựng Sao Mai (ASM), Sudico (SJS)… đều là những đơn vị làm ăn tốt. Tuy nhiên, như nhận định của WASS, trong một thị trường đầu tư kiểu lướt sóng như Việt Nam, những thông tin về kết quả kinh doanh đột biến luôn được giới nhà đầu tư đón đầu. Vì thế, ở các cổ phiếu như ASM, VHG hay Thủy sản 4 (TS4), sóng đã xuất hiện từ 2 tháng trước đó. Đến thời điểm doanh nghiệp chính thức công bố thông tin, cổ phiếu hầu như không bị tác động.
Nhà đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc giữa tăng trưởng lợi nhuận với tăng trưởng vốn của doanh nghiệp. Bởi lẽ, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có khoảng 35% doanh nghiệp niêm yết huy động vốn qua phát hành chứng khoán. Chỉ cần doanh nghiệp tăng vốn vượt khả năng tạo ra lợi nhuận thì giá cổ phiếu đã bị pha loãng.
Trong 6 tháng còn lại, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không phải đã hết khó khăn. Vấn đề lớn nhất đối với kinh tế trong nước là nhập siêu vẫn tiếp tục tăng, gây áp lực lên tỉ giá. Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng được dự báo khó đạt mục tiêu cả năm 25% cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đó là chưa kể, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật đều liên tục giảm dự báo tăng trưởng kinh tế. Do đó, doanh nghiệp khó có thể kỳ vọng vào một kết quả kinh doanh đột phá.
Ngọc Thủy
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|