Mốc 440 điểm là hợp lý để đầu tư dài hạn
TTCK trong thời gian qua đã suy giảm nhanh chóng từ mức trung bình 500 điểm đến điểm đáy ngắn hạn thiết lập vào ngày 13/08 là 440 điểm. Nếu tính cả yếu tố lạm phát thì tính từ đầu năm chỉ số VN-Index đã mất 17%. Với vốn hóa thị trường khoảng 800.000 tỷ thì số vốn bốc hơi khỏi giá trị DN là 136.000 tỷ đồng.
Bốn yếu tố kìm hãm sự phát triển thị trường mà chúng tôi đề cập gần đây (phát hành thêm pha loãng cổ phiếu, cổ phiếu mới niêm yết chất lượng kém, sự thua thiệt của NĐT nhỏ khi các tổ chức phát hành tràn lan và hoạt động tự doanh của các CTCK) đã được phản ánh trên thị trường ở 2 yếu tố bất cân bằng cung cầu cổ phiếu và sự bi quan của NĐT trước sự thiếu minh bạch của thị trường. Hai yếu tố này đã khiến cho hệ số chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư xuống thấp từ mức chấp nhận P/E 12-13 lần xuống mức trung bình 10 lần như hiện nay.
Tuy nhiên, với sự điều chỉnh của thị trường gần đây, chúng tôi đã thấy sự cải thiện trong các yếu tố trên và cho rằng nếu trong ngắn hạn, sự biến động tâm lý và áp lực cắt lỗ đẩy chỉ số xuống sâu hơn thì mức điểm 440 là mức điểm hợp lý cho việc đầu tư dài hạn. Trong khi đó, với dòng tiền yếu hiện tại và sự cẩn trọng trong chính sách hiện tại, cơ hội cho NĐT lướt sóng vẫn chỉ là trong rất ngắn hạn với tỷ suất lợi nhuận không cao.
Cung - cầu chứng khoán
Sự mất cân bằng cung cầu là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm của chứng khoán gần đây sau một thời gian “ gồng mình” để giữ mốc 500 điểm. Chưa có con số chính thức về tổng huy động nhưng ước tính đã có 18.000 tỷ mệnh giá cổ phiếu phát hành thêm/niêm yết mới từ đầu năm và còn khoảng 13.000 tỷ mệnh giá sẽ còn phát hành tới cuối năm.
Với giá cổ phiếu là 2.0 thì tổng số vốn hút từ thị trường chứng khoán là 62.000 tỷ đ, cộng thêm 40.000 tỷ từ đợt huy động tăng vốn của 23 ngân hàng nhỏ và vừa. Với việc chỉ số chứng khoán đã sụt giảm 17% từ đầu năm tới nay khiến vốn hóa thị trường (cổ phiếu) đã bay hơi 136.000 tỷ, cán cân tiền- hàng tính theo tuyệt đối theo chúng tôi có thể sẽ ổn định ở mức index 440 – 450 điểm.
Theo thống kê của SBS, tổng vốn điều lệ cần tăng lên của khối ngân hàng là khoảng 65.000 tỷ đ (theo thống kê của SBS), trong đó khoảng 23 ngân hàng nhỏ phải tăng vốn cũng sẽ hút thêm khoảng 40.000 tỷ đồng, tuy rằng ảnh hưởng này là không trực tiếp do các ngân hàng này không niêm yết trên TTCK.
Riêng với lượng vốn góp ở các ngân hàng cổ phần nhỏ, trên nguyên tắc, nhà đầu tư sẽ không mua thêm giá ở giá 10.000 đồng/cổ phiếu khi mà giá cổ phiếu trên thị trường là tương đương hoặc thấp hơn nên chúng tôi không quá lo ngại về việc nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rút vốn về để mua thêm cổ phần ngân hàng.
Thực tế thì cổ đông chính của các ngân hàng chính là các ngân hàng khác (sở hữu chéo) hoặc các tổng công ty, tập đoàn lớn. Do vậy, luồng vốn ròng hút khỏi thị trường sẽ ít hơn rất nhiều con số tuyệt đối (do số nhân bởi sở hữu chéo) hoặc do các yêu cầu về giảm sở hữu chéo và đầu tư ngoài ngành đối với các tập đoàn, tổng công ty…nhiều ngân hàng nhỏ sẽ không đáp ứng được tăng vốn và phải sát nhập. Dù trong kịch bản nào thì số vốn ròng hút khỏi thị trường sẽ thấp hơn nhiều con số tuyệt đối chúng ta đang lo sợ.
Ảnh hưởng của thông tư 13 đến TTCK cũng được cho là nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm thời gian qua. NĐT cũng lo lắng về việc chứng khoán ảnh hưởng tạm thời do thiếu dòng tiền từ ngân hàng nhưng đây cũng là một nỗi lo của quá khứ vì thực tế, cho vay chứng khoán chỉ tăng rất nhẹ so với đầu năm.
Cũng lưu ý thêm rằng tỷ lệ rủi ro 250% đã được áp dụng cho chứng khoán kể từ đầu năm 2008 (quyết định 03/ NHNN ngày 1/2/2008) chứ không phải mới được áp dụng từ thông tư 13. Nói một cách khách quan hơn, việc đầu tư bất động sản bị nâng tỷ lệ rủi ro từ 100% lên 250% sẽ hạn chế nguồn tiền đầu cơ bất động sản theo hướng có lợi cho thị trường chứng khoán.
Về lợi nhuận DN, theo thống kê của SBS thì các DN tính đến quý II đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu là 45% và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 36% so với cùng kỳ 2009, tương ứng đạt 52% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Đây là một kết quả tích cực trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp và lãi suất cao trong 2 quý đầu năm.
Với sức cầu tốt vào trong 2 quý cuối năm cùng với việc chính sách cho vay sẽ hỗ trợ tốt hơn khi các ngân hàng hiện đang dồi dào vốn huy động, bức tranh doanh nghiệp sẽ sáng sủa hơn trong 2 quý cuối đặc biệt là với những ngành tiêu dùng, xuất khẩu, xây dựng và bất động sản. Những ngành hàng có tồn kho cao như, xi măng, đồ uống không cồn, thức ăn chăn nuôi, plastic, hóa mỹ phẩm… sẽ tăng trưởng chậm hơn thị trường.
Những nhân tố hỗ trợ thị trường
Trọng tâm vẫn nằm ở các biện pháp nhằm tăng lượng tiền cho thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc luồng tiền từ ngân hàng sẽ nới lỏng hơn trong sáu tháng cuối năm nhằm đảm bảo nhu cầu vốn doanh nghiệp trong 2 quý kinh doanh quan trọng này. Tuy nhiên, với chiều hướng lạm phát nhích dần lên vào cuối năm và việc dư nợ tín dụng đã đạt gần 13% tính đến hết tháng 7, các động thái nới lỏng sẽ vẫn chỉ ở mức vừa phải.
Quan trọng hơn với phương thức tạo tiền là việc rút ngắn thời gian giao dịch chứng khoán xuống T+2. Việc tăng tốc độ vòng quay tiền sẽ là một mũi tên trúng hai mục đích: vừa tăng độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư tham gia thị trường (do có thể cắt lỗ nhanh hơn) vừa giúp cho có nhiều tiền hơn. T+2 đã không được áp dụng vào giao dịch từ tháng 6/2010 như kỳ vọng của giới đầu tư. Nếu như T+2 sớm được áp dụng, chúng tôi đánh giá đây sẽ là nhân tố tích cực nhất đối với thị trường trong thời gian tới.
Kết luận
Với những người theo trường phái lướt sóng, rủi ro vẫn lớn hơn cơ hội. Với những người đầu tư trung dài hạn, chúng tôi cho rằng thị trường đang tích lũy ở vùng 440-480 và bất cứ khi nào chỉ số giảm dưới vùng 440 cũng là một cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu, trong khi đó việc vượt lên trên 480 cần chờ đợi những động thái tích cực đối với dòng tiền (áp dụng T+2) và sự minh bạch thị trường.
Trong bối cảnh hạn chế rủi ro quan trọng hơn theo đuổi tăng trưởng, chúng tôi cho rằng nên tái cơ cấu ra khỏi những mã có tính rủi ro cao (những mã mới lên sàn có lượng cổ phiếu giá rẻ lớn, cổ phiếu có lợi nhuận không ổn định và có sự lướt sóng thường xuyên của cổ đông nội bộ) vào các mã có định giá thấp (P/E ~ 5 lần, P/B ~ 1 lần, có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, hoạt động kinh doanh có lịch sử tăng trưởng ổn định).
CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|