PE đang đắt hay rẻ ?
Chỉ số PE của TTCK VN có tính tỷ trọng vốn hóa là 11.55x. Con số này không chênh lệch mấy so với PE trong những giai đoạn TTCK khủng hoảng nhất của năm 2009. Đối với một số ngành như điện xây dựng, thép, may mặc, cảng biển hay bao bì, chỉ số PE hiện thậm chí chỉ dao động trong khoảng 6x –7x.
Sự trượt dài giảm điểm của TTCK trong tháng 7 và tháng 8 đã kéo các chỉ số định giá PE, PB của các cổ phiếu cũng như thị trường xuống thấp. Theo giá đóng cửa ngày 13/8 khi chỉ số VN-Index chốt ở 452 điểm, chỉ số PE của TTCK VN có tính đến tỷ trọng vốn hóa là 11.55x, con số này không chênh lệch mấy so với PE trong những giai đoạn TTCK khủng hoảng nhất của năm 2009. Bên cạnh đó, so với mức 14x của Dow Jones hay 13x của thị trường Thái Lan, hiện cổ phiếu tại thị trường VN co thể được coi là tương đối rẻ.
Nhìn vào triển vọng cho cả năm 2010, dựa trên việc thực hiện kế hoạch của khoảng trên 300 DN niêm yết, mức PE kỳ vọng của toàn thị trường có thể đạt mức 10.35x. Điều này có nghĩa hoạt động trong 6 tháng cuối năm của các DN nhiều khả năng sẽ làm gia tăng đáng kê lợi nhuận cho cả năm và giá cho một đồng lợi nhuận kỳ vọng rẻ hơn so với đồng lợi nhuận đã được tạo ra của kỳ trước đó.
Cùng với chỉ số PE, chỉ số PB cũng cho thấy nhiều cổ phiếu đang được định giá khá thấp. Mức PB của toàn thị trường co tính trọng số vốn hóa là khoảng 2.1x và có đến hơn 80 DN có giá trị sổ sách (BPS) cao hơn hoặc bằng thị giá cổ phiếu. Trong nhóm những cổ phiếu PB nhỏ hơn hoặc bằng 1, không chỉ bao gồm các penny mà còn xuất hiện cả nhiều mã cổ phiếu lớn như BMI, SAM, PPC, GMD, ITC,HVG, PVI.
Trong điều kiện bình thường, những tín hiệu phát ra từ 2 chỉ số định giá PE và PB có thể giúp lọc ra những cơ hội đầu tư cổ phiếu có yếu tố nội tại tốt. Tuy nhiên, sau 2 tháng giảm, giá cổ phiếu đã có mặt bằng giá mới thấp hơn khoảng 12%, thị trường vẫn dường như không nhìn thấy có nhiều khởi sắc, thể hiện ở việc dòng tiền lưu chuyển trên thị trường vẫn ở mức thấp dù nguồn cung cổ phiếu gia tăng qua từng phiên. Xu hướng giảm điểm lần này của thị trường bắt nguồn từ những biến động không mấy tích cực của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước suốt từ thời gian trước đó. Kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ suy thoái khi các quốc gia Châu Âu còn đang giậm chân tại chỗ trong những nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ và tốc độ hồi phục kinh tế Mỹ có những dấu hiệu chậm lại. Trong nước, hàng loạt thông tin không mấy lạc quan về việc VN bị Fitch hạ bậc tín nhiệm, Vinashin không có khả năng trả nợ, nhập siêu gia tăng... cũng đã làm các nhà đầu tư e ngại khi ra quyết định đầu tư. Nhìn chung, khi môi trường vĩ mô chưa cho thấy những dấu hiệu cải thiện thì TTCK khó có thể tự lội ngược dòng.
Một trong những lý do quan trọng cho sự giảm mạnh của chỉ số Index trong tháng 8 là sư mất cân đối giữa dòng tiền vào thị trường với lượng cung hàng trên thị trường. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo tính toán sơ bộ, từ đầu năm đến nay, lượng cung hàng trên thị trường đã tăng khoảng gấp 2 lần; hơn 100 DN niêm yết mới cũng đã phát hành thêm vốn mới với tỷ lê phát hành tạo hàng không nhỏ.
Môi trường vĩ mô chưa cho thấy những dấu hiệu cải thiện thì TTCK khó có thể tự lội ngược dòng | Trong khi đó, ở góc độ nhu cầu, NĐT, với tâm lý e ngại về lượng cung quá lớn, đã đẩy mạnh bán cổ phiếu ra thị trường, khiến giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh và làm tăng áp lực giải chấp của các Cty chứng khoán. Tâm lý ngại rủi ro còn được thể hiện ở việc NĐT gần đây không còn hào hứng với hoạt động chia thưởng, phát hành cổ phiếu của các DN như trước. Hàng loạt cổ phiếu sau chia tách đều có xu hướng giảm điểm mạnh, tiêu biểu như HPG, STL, SAM, REE. Sự cẩn trọng của các NĐT có thể là một lực cản cho thị trường ở thời điểm hiện tại, nhất là khi những thông tin liên quan đến kế hoạch thoái vốn của các Tập đoàn, TCty nhà nước trong năm 2010 vẫn còn đang treo lơ lửng.
Ngoài ra, trong những giai đoạn thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro như hiện nay, NĐT thường nhạy cảm hơn với những thông tin mang tính tiêu cực.
Cụ thể, thông tin các ngân hàng đồng loạt phản ứng với Thông tư 13 của Ngân hàng nhà nước quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã khiến chỉ số VN-Index giảm tổng cộng trên 21 điểm trong 2 ngày sau đó. Mặc dù mức độ ảnh hưởng thực của sự gia tăng này lên TTCK trên phương diện là một kênh huy động vốn được cho là không cao do nguồn tín dụng cho chứng khoán bị kiểm soát chặt chẽ từ đầu năm 2010 đến nay.
Nhìn chung, tại thị trường VN, việc quan tâm đến các chỉ số định giá cơ bản như PE, PB khi ra quyết định đầu tư còn rất hạn chế, đặc biệt là NĐT cá nhân. Tuy nhiên xét dưới góc độ trung hạn, chúng tôi cho rằng, giai đoạn hiện tại là thời điểm thuận lợi cho các NĐT tổ chức, đầu tư giá trị đặc biệt là khối ngoại tìm kiếm được những cổ phiếu tốt và rẻ để thực hiện cơ cấu lại danh mục của mình, và kỳ vọng sự phục hổi trở lại của thị trường vào cuối quý III/2010.
CTCP Chứng khoán Phố Wall
Diễn đàn doanh nghiệp
|