!
Thứ Năm, 12/08/2010 22:36

Nỗi lo khi hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá

Từ cuối tháng 7 đến nay, hàng loạt mặt hàng thiết yếu đã đồng loạt tăng giá, gây sức ép lên đời sống của người dân. Giá hàng hóa tăng đã khiến sức mua có xu hướng giảm nhẹ và làm thay đổi một phần kênh mua sắm của người tiêu dùng.

Giảm một, tăng mười

Từ ngày 1-8, các công ty kinh doanh gas đã điều chỉnh giá bán lẻ, giảm khoảng 9.000 đồng/bình 12 kg, về mức 240.000 đồng/bình. Nguyên nhân là giá gas thế giới giao tháng 8 giảm 35,5 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước, xuống còn 585 đô la Mỹ/tấn. Thông tin này được người tiêu dùng kỳ vọng sẽ là động lực để giá nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm dịu xuống sau thời gian đứng ở mức cao với nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, khá bất ngờ, mặt hàng sữa với hàng loạt nhãn hiệu đồng loạt tăng giá từ cuối tháng 7. Tăng mạnh nhất là các loại sữa bột với 10%, trong khi các loại sữa nước, sữa chua tăng khoảng 6%. Chẳng hạn, dòng Dugro Gold 1 loại 800g của Dumex tăng lên 334.000 đồng/hộp; các dòng sữa của Friesland Campina (Cô gái Hà Lan) như sữa đặc Trường Sinh tăng từ 11.500 đồng/hộp lên 12.000 đồng/hộp; Dutch Lady từ 14.500 đồng/lốc lên 15.000 đồng/lốc…

Đến ngày 10-8, nhiều nhãn hiệu sữa khác tiếp tục điều chỉnh tăng giá. Giá các dòng sản phẩm của Abbott (Mỹ) tăng lên khoảng 7%. Theo đó, Similac IQ hộp 400g tăng 13.000 đồng/hộp, lên 191.000 đồng/hộp; Similac IQ hộp 900g tăng 25.000 đồng/hộp, lên 388.000 đồng/hộp; Gain Plus IQ hộp 900g tăng lên 353.000 đồng/hộp... Nguyên nhân được các công ty kinh doanh sữa đưa ra là nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá ngoại tệ thay đổi cũng như tạo ra công thức mới, cải tiến bao bì.

Ông Nguyễn Mười, chủ đại lý sữa cùng tên trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TPHCM nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, làm khổ cho người tiêu dùng là các hãng sữa, nhất là các hãng nổi tiếng khi họ tăng giá mà không cần báo trước với đại lý và cùng nhau tăng giá vì những lý do không chính đáng.

“Hãng này tăng hôm trước, hôm sau có hãng khác ra hỏi tình hình. Hôm sau nữa thì thông báo tăng giá”, ông Mười nói và tỏ vẻ nghi ngờ các hãng sữa hùa nhau tăng giá. Cũng theo ông Mười, tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam cũng là một trong những yếu tố khiến các hãng sữa tùy tiện tăng giá.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng thiết yếu khác như đường, gạo dù đang được thực hiện chính sách bình ổn giá của chính quyền thành phố nhưng tại các chợ giá vẫn tăng.

Giá đường cát bán buôn ở chợ Trần Chánh Chiếu, quận 6 trong nhiều tuần qua đứng ở mức 19.000-20.000 đồng/kg.

Số liệu trong báo cáo tuần của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM trên cơ sở tổng hợp từ các quận, huyện cũng cho thấy, giá gạo bán lẻ tăng từ vài trăm đồng đến một ngàn đồng/kg do lúa tại ĐBSCL đang hút hàng để phục vụ xuất khẩu. Tại các cửa hàng, chợ trên địa bàn quận Bình Tân, gạo trắng thường tăng 500 đồng; gạo trắng thơm, gạo nếp tăng 1.000 đồng/kg. Còn tại Hóc Môn, gạo loại thường giá rẻ tăng từ 100-200 đồng/kg, gạo thơm như thơm lài sữa, thơm Đài Loan, thơm Đài Loan sữa tăng từ 800-1.000 đồng/kg. Mức tăng phổ biến tại các cửa hàng ở khu vực quận 5, quận 10 phổ biến từ 500-1.000 đồng/kg.

Dưới tác động của dịch heo tai xanh, giá thịt heo tại các chợ lẻ giảm khá mạnh, từ 3.000-5.000 đồng/kg do sức tiêu thụ giảm. Ngược lại, giá các lại thủy hải sản, thịt gia cầm, thịt bò lại tăng do nhu cầu cao. Cá lóc nuôi bè tăng 5.000 đồng/kg, thịt bò phi lê tăng lên160.000-170.000 đồng/kg.

Cuối tuần trước, giá xăng, dầu bán lẻ được điều chỉnh tăng từ 350-410 đồng/lít (tùy loại). Ngay lập tức, nhiều mặt hàng thực phẩm tại các chợ lẻ “tát nước theo mưa”, tăng thêm 5-10% dù giá bán buôn tại chợ đầu mối vẫn ổn định.

Cắt giảm chi tiêu, chuyển kênh mua sắm

Theo ông Mười của đại lý sữa Nguyễn Mười, mỗi đợt tăng giá là doanh số của cửa hàng lại giảm khoảng 20% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hoặc chuyển sang loại sữa có giá thấp hơn.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op với hệ thống siêu thị Co.opMart, cho hay nhờ chương trình bình ổn giá với 8 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu về hàng đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng tăng nên sức mua các mặt hàng thực phẩm, nhất là các mặt hàng trong danh sách hàng bình ổn tại hệ thống Co.opMart đã tăng 50% so với cùng kỳ và tăng gần 40% so với thời điểm chưa triển khai chương trình này. “Giá hàng hóa ổn định nên sức mua tăng đã đưa lượng hàng bán ra của chúng tôi tăng với con số ẩn tượng” - bà Thu nói.

Cũng theo bà Thu, xu hướng của người tiêu dùng càng ngày càng chọn các kênh mua sắm hiện đại do những kênh này đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc và kiểm soát hàng hóa. Đặc biệt, trong những thời điểm thị trường biến động thì siêu thị cũng là kênh ổn định hơn.

Theo đánh giá của chuyên gia, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá trong thời gian qua không gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8 mà ảnh hưởng trực tiếp tới CPI tháng 9.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại: “CPI tháng 8 sẽ ở mức 0,3% như dự đoán trước đó do thời điểm lấy số liệu đã kết thúc. Tuy nhiên, CPI tháng 9 sẽ chịu tác động trực tiếp”. Song, con số cụ thể là bao nhiêu thì ông Ánh từ chối đưa ra do chưa đủ căn cứ, số liệu.

Minh Tâm

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đơn hàng da giày tăng 16% (12/08/2010)

>   Cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá (12/08/2010)

>   Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành muối (12/08/2010)

>   Chuyển giao Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho Petro Việt Nam (12/08/2010)

>   "Chưa bàn đến chuyện tăng giá điện" (12/08/2010)

>   Nhà máy in tiền quốc gia chuyển thành công ty TNHH (12/08/2010)

>   Mối lo thiếu người kế nhiệm công ty (12/08/2010)

>   Vinashin và những câu hỏi đặt ra (12/08/2010)

>   Cước di động giảm, ai hưởng lợi? (12/08/2010)

>   Việt - Thái cung cấp 50% lượng gạo thương mại (12/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật