Thứ Bảy, 07/08/2010 09:34

Môi giới vốn: Nghề mới! 

Khi tín dụng ngân hàng gặp khó, hướng đi của các DN để tìm vốn là phát hành trái phiếu DN. Nhưng do cung - cầu không dễ gặp nhau nên nghề mới - môi giới vốn, bắt đầu xuất hiện và trở nên có giá.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2010 khoảng 10,52%, trong đó tín dụng bằng VND chỉ tăng 4,6%, còn tín dụng ngoại tệ tăng tới 27%. Có 2 nguyên nhân được coi là ảnh hưởng chính đến mức tăng trưởng tín dụng thấp, đó là nguồn vốn huy động trong dân cư chưa đủ lớn và DN không dễ chấp nhận mức lãi suất vay vốn ngân hàng thực tế lên đến 17 - 18%. Chính vì vậy, thay vì thông qua các tổ chức tín dụng như công ty tài chính, ngân hàng thương mại…, thì một bộ phận cá nhân, dựa vào quan hệ và thông tin đã thực hiện hoạt động kết nối nhu cầu tín dụng trực tiếp giữa DN cần vốn và những người có vốn.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong thời gian vừa qua, không ít DN đã phát hành thành công trái phiếu DN với tổng giá trị huy động lớn, lãi suất huy động hợp lý hơn so với lãi suất vay vốn ngân hàng như: Tập đoàn Sông Đà phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất năm đầu là 15%/năm, các năm sau là lãi suất trung bình của 4 ngân hàng cộng 4%; Tổng công ty Vinaconex phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất năm đầu 14%/năm, năm thứ hai là lãi suất bình quân 4 ngân hàng cộng 3,4%; Tổng CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Chánh phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất năm đầu 12,5%/năm, các năm tiếp theo bằng lãi suất bình quân 4 ngân hàng cộng 4%...

Tuy nhiên, để có được những đợt phát hành thành công như trên, không phải DN nào cũng có cơ may trực tiếp tìm được người sẵn sàng cung ứng vốn hoặc gặp thuận lợi trong quá trình làm việc với các tổ chức trung gian thu xếp vốn. Lãnh đạo một DN ngành vận tải đường biển cho biết, DN muốn vay vốn ngân hàng bằng USD để đầu tư thêm một tàu biển theo kế hoạch mà ĐHCĐ đã đề ra từ đầu năm. Nhưng khi trao đổi với ngân hàng đối tác thì được trả lời, với mức lãi suất vay USD chấp nhận khoảng 6%/năm, DN khó lòng huy động được toàn bộ số vốn như nhu cầu.

Tại một DN ngành thủy sản đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM, lãnh đạo DN đang tích cực triển khai các bước để có thể sớm hoàn thành việc phát hành trái phiếu, nhưng người môi giới không phải là tổ chức tín dụng, mà là cá nhân. Anh Đ., một môi giới chứng khoán tự do, sau một thời gian phụ trách phòng VIP của 3 CTCK tại Hà Nội đã thiết lập được mạng lưới khách hàng lớn, trong đó bao gồm cả một số quỹ đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, thay vì chỉ thực hiện môi giới đầu tư cổ phiếu, anh Đ. còn kiêm luôn cả nghề môi giới vốn. Bằng việc hợp tác với hai ngân hàng quen, thêm một CTCK đứng ra làm đơn vị tư vấn để hợp thức hóa thủ tục, hiện tại, anh Đ. đang làm môi giới để phát hành trái phiếu cho 3 DN (trong đó có 1 DN niêm yết).

Không chỉ có anh Đ., việc tận dụng mối quan hệ để kết nối nhu cầu vốn của các cá nhân (đôi khi chỉ là cho một thương vụ cụ thể) thời gian gần đây đã trở thành trào lưu. Với việc xuất hiện ngày càng nhiều các "đại gia" trên TTCK, thì khi thị trường trầm lắng, nhu cầu phân tán một phần rủi ro bằng việc đầu tư vào trái phiếu DN tăng lên, khiến các môi giới cá nhân vì thế cũng tăng cường hoạt động. Điều này không chỉ giúp DN huy động được vốn rẻ hơn, mà còn giúp những đơn vị, cá nhân tận dụng tốt hơn nguồn vốn nhàn rỗi so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Theo anh Đ., có nhiều thương vụ thu xếp vốn mang danh nghĩa CTCK tư vấn, nhưng thực tế là do các môi giới cá nhân đứng ra làm trung gian.

Xu hướng sử dụng môi giới cá nhân không chỉ xuất phát từ sự chủ động tìm hiểu và kết nối nhu cầu của chính môi giới, mà đôi khi các tổ chức tín dụng cũng muốn phát huy kênh tín dụng này để bán trái phiếu. Giai đoạn cuối năm 2009, đầu năm 2010, giám đốc tín dụng một công ty tài chính đã liên tục tuyển dụng "chân rết" ngoài thị trường, chỉ nhằm mục đích là tìm DN hoặc cá nhân có năng lực tài chính để bán trái phiếu DN. Theo vị này, việc tìm "chân rết" không chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí tiền lương, mà quan trọng là hiệu quả hoạt động cao, do tận dụng được mối quan hệ thân thiết của từng "chân rết" với lãnh đạo DN. "Không ai có thể đảm bảo mình biết rõ DN nào thừa vốn, vì vậy, tận dụng thế mạnh của mỗi cá nhân trong từng thương vụ sẽ giúp chúng tôi bán trái phiếu dễ dàng hơn nhiều so với việc chào bán công khai", vị này nói.

Dù vậy, khó khăn nhất trong các thương vụ là thiếu cơ chế trả phí cho môi giới. Theo đó, để hợp thức hóa, công ty tài chính nêu trên đã ký kết một hợp đồng trung gian với một DN thân quen khác, sau đó DN thân quen này ký hợp đồng với cá nhân môi giới và DN mua trái phiếu. Vậy là, phải qua 2 cầu, đồng vốn mới đến được đích của nó.

Rõ ràng, môi giới vốn của các cá nhân đang phát triển và chứng minh được hiệu quả. Để phát huy tiềm năng của khối này và thuận tiện cho việc giám sát, nên chăng cơ quan quản lý sớm có hành lang pháp lý để môi giới vốn thực sự trở thành nghề minh bạch trên thị trường vốn.         

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   AAA: Chủ tịch HĐQT mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (06/08/2010)

>   KSD sắp phát hành 63.12 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (03/08/2010)

>   VFC phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (03/08/2010)

>   Mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (02/08/2010)

>   Đề xuất giảm lệ phí chấp thuận chào bán trái phiếu ra công chúng (02/08/2010)

>   Trái phiếu chuyển đổi: Cách mới để lách luật? (01/08/2010)

>   KSS hủy phát hành trái phiếu chuyển đổi, vì sao? (31/07/2010)

>   Có thể giảm 50% lệ phí chấp thuận chào bán trái phiếu (30/07/2010)

>   KSD phát hành trái phiếu chuyển đổi (28/07/2010)

>   Nở rộ phát hành trái phiếu (28/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật