Kiên nhẫn cầm tiền
Bị các tin kinh tế tiêu cực tác động dồn dập trong nửa đầu tháng Tám, VN - Index giảm mạnh từ hơn 500 điểm về lình xình quanh mốc 450 điểm.
Nhìn giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay, hầu hết nhà đầu tư đều ước “giá lúc này có thật nhiều tiền!”. Thật vậy, trải qua bao cuộc thăng trầm của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đều hiểu, mỗi khi thị trường bị tác động bởi tin xấu và đột ngột tụt xuống “đáy vực” thì sau đó sẽ là thời kỳ bứt phá như... tên lửa! Thế nhưng bao giờ VN-Index mới có thể bứt phá? Thời điểm đó phụ thuộc hoàn toàn vào triển vọng kinh tế vĩ mô.
Không còn là “mơ”
“Cách đây hai tháng, nhiều cổ phiếu có mơ cũng thể nghĩ lại có mức giá như hiện nay. Thế mà hiện nay, giấc mơ thành thật nhưng tôi lại lưỡng lự...”, ông Trần Nguyên Cường, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) nói. Chắc hẳn sự “lăn tăn” của ông Cường cũng đang là tâm lý phổ biến trong các nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường hiện nay.
Giá cổ phiếu thời điểm này đã rẻ ra sao? Theo thống kê của ông Phùng Quang Việt, Phòng phân tích VND: sự giảm điểm liên tục của thị trường đã đưa giá của 1/3 số cổ phiếu (hơn 180 công ty) trên cả hai sàn về mức giá thấp nhất trong 52 tuần qua. Cụ thể đã có 73 cổ phiếu về mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm. Trên sàn HOSE có 42 cổ phiếu, còn sàn HNX có 31 cổ phiếu.
Đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu blue chip có các tên tuổi lớn như: TDH, EIB, VIP, PVF, HSG, LCG, IMP, PPC, PRUBF1, SSI, VSH, HCM, VCB, CTG, GMD, KDH, HVG, AGR, REE... với kết quả kinh doanh khá tốt nhưng vẫn giảm mạnh. Đặc biệt, 86 cổ phiếu đã về giá thấp hơn giá tại thời điểm VN-Index 435 điểm. Các cổ phiếu blue chip có tình hình kinh doanh cơ bản tốt nhưng lại giảm giá mạnh nhất trên thị trường là HVG (-42%), TSC (-32%), DMC (-28%), PVD (-27%), EIB, VSH (-25%), TDH, GMD (-24%).
Thừa nhận giá cổ phiếu rơi về mức hiện nay đã rất hấp dẫn để đầu tư nhưng ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng Phòng phân tích Công ty Chứng khoán An Bình cho biết, vẫn rất thận trọng trong việc giải ngân. Bởi với các tin tức và hiện tượng của kinh tế vĩ mô hiện nay đang khá tiêu cực, diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ khó lường. VN-Index vẫn đang đứng trước các áp lực tiêu cực nên có thể tiếp tục tìm đáy mới chứ không dừng ở ngưỡng 460 điểm hiện nay.
Quý IV kỳ vọng khởi sắc
Có lẽ quan ngại nhất của các NĐT là sức tác động của Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh các hoạt động cơ bản của tổ chức tín dụng. Trong đó, các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, giới hạn tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, giới hạn góp vốn mua cổ phần và tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động...
Theo các nhà phân tích, việc các ngân hàng thương mại phải thực hiện các quy định được đề cập trong Thông tư 13 sẽ tác động không nhỏ tới TTCK. Cụ thể là quy định này được coi như biện pháp kỹ thuật “siết chặt” tín dụng với TTCK. Trong bối cảnh nguồn cung cổ phiếu thì nhiều mà dòng tiền bị siết chặt thì việc cổ phiếu giảm giá, VN-Index giảm điểm là khó tránh trong thời gian tới.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, quý III này, TTCK thế giới cũng như Việt Nam sẽ không có nhiều biến động. Có chăng, quý IV sẽ có thể bởi khi đó sự phục hồi của kinh tế thế giới mới rõ nét. Theo đó, Chính phủ mới có động thái mới về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Quý III các TTCK sẽ lặng sóng vì kinh tế thế giới tuy có phục hồi nhưng vẫn còn nhiều bất định, các rủi ro vẫn rình rập. Riêng với kinh tế Việt Nam, sáu tháng đầu năm GDP tăng đạt gần 6,5% là tín hiệu tích cực, cổ phiếu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, không phải không đứng trước các thách thức như thâm hụt thương mại, biến động tỷ giá.
Diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ và các kênh đầu tư hiện nay phản ánh, lòng tin của xã hội, của các NĐT về kinh tế vĩ mô (trong 3 - 6 tháng tới) chưa được xác lập chắc chắn. Biểu hiện là khi có bất kỳ các tin tức của lĩnh vực nào xuất hiện (tỷ giá, lãi suất...) là thị trường đó trồi, sụt. Trong bối cảnh này, việc chính sách thiên về động thái nào (siết chặt hay nới lỏng) cũng có thể tạo ra những biến động không mong muốn.
Hiện các nhà kinh tế Việt Nam đang có hai luồng ý kiến: nhóm 1 thiên về tăng trưởng kinh tế và lập luận là tăng trưởng 6,5% thấp xa so với tiềm năng, tồn kho của Việt Nam đang ở mức cao 27%. Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam có thặng dư, tổng thương mại, cung tín dụng đều tăng... do đó dư địa nới lỏng tín dụng vẫn còn khá lớn. Trong khi đó, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô trong sáu tháng đầu năm đã cải thiện.
Do đó, TTCK hồ hởi với khả năng tín dụng có thể được nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng GDP, VN-Index duy trì và giữ vững mức trên 500 điểm trong nửa đầu năm. Nhóm lập luận thứ hai đồng ý phải tăng trưởng GDP nhưng sáu tháng đầu năm đã tăng đạt gần 6,5%, tại sao phải nới lỏng tín dụng trong khi rủi ro kinh tế vĩ mô còn khá cao? Cùng với đó là đà phục hồi của khi kinh tế thế giới đang khó lường.
“Trước hai luồng quan điểm trên, cộng với tình hình kinh tế nói chung chưa rõ ràng, hành động tốt nhất của các nhà chính sách là lắng nghe “tiếng vọng” của kinh tế thế giới để điều chỉnh chính sách điều hành vĩ mô cho phù hợp. Do đó có thể nói, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong quý III, TTCK sẽ vẫn lình xình, nếu kỳ vọng khởi sắc sẽ phải từ quý IV”, TS. Thành nói.
Thanh Lâm
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|