Hết cửa cho môi giới tự do?
Sau đợt kiểm tra hoạt động các CTCK, tháng 5/2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có Công văn số 1386/UBCK-QLKD yêu cầu các công ty không thực hiện hình thức cộng tác viên trong hoạt động môi giới chứng khoán.
CTCK phải ký hợp đồng làm việc với nhân viên môi giới và chịu trách nhiệm về hoạt động của các môi giới này. Đặc biệt, các nhân viên môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Hơn hai tháng đã trôi qua, thực tiễn hoạt động của các CTCK có những xáo trộn gì?
Một môi giới kỳ cựu trong nghề cho biết, để đáp ứng yêu cầu của UBCK, các cộng tác viên môi giới chứng khoán hoặc các môi giới tự do trước đây được CTCK thực hiện ký lại hợp đồng. Trong hợp đồng quy định, nhân viên phải làm việc đủ giờ hành chính tại CTCK. "Ký hợp đồng như vậy, nhưng điều quan trọng là những thỏa thuận ngoài giữa CTCK và nhân viên môi giới. Họ có thể đi khỏi công ty cả ngày, nhưng mang lại doanh thu và lợi nhuận cho công ty là được. Do đó, mặc dù ký hợp đồng làm việc cả ngày, nhưng nhân viên môi giới không nhất thiết phải có mặt tại công ty", nhà môi giới kể trên cho biết.
Theo yêu cầu của UBCK, CTCK phải chịu trách nhiệm về những công việc của nhân viên môi giới do mình ký hợp đồng. Điều này nhằm tăng trách nhiệm của CTCK trong việc quản lý hành nghề của các môi giới trong công ty. Vậy nhưng, theo giám đốc một CTCK tại Hà Nội, nhân viên môi giới và công ty thường đã làm việc qua một quá trình nên tạo được sự tin tưởng nhất định. Hơn nữa, điều khoản đã được các bên ký trong hợp đồng và thường có lợi cho CTCK, nên trách nhiệm của công ty không thực sự quá lớn.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng, cùng với sự phát triển của thị trường, lực lượng môi giới hiện nay đã tăng mạnh về số lượng. Hoạt động của khối này đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Theo ông Kỳ, công văn của UBCK không thực sự tác động nhiều đến hoạt động của các môi giới chứng khoán, vì có nhiều cách để công ty lách luật.
Tuy nhiên, nếu những yêu cầu về thời gian, ký hợp đồng, trách nhiệm pháp lý bằng cách này, cách khác CTCK có thể đáp ứng được, thì yêu cầu phải có chứng chỉ do UBCK cấp các môi giới mới được hành nghề là điều hết sức khó khăn. Theo thống kê của UBCK, đến nay đã có 3.000 người hành nghề kinh doanh chứng khoán được UBCK cấp chứng chỉ và đang làm việc tại 105 CTCK, gần 50 công ty quản lý quỹ. Như vậy, tính riêng hoạt động môi giới thì số người được UBCK cấp chứng chỉ không nhiều.
Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật, CTCK SSI cho biết, với tốc độ ra đời nhiều CTCK, nhu cầu nhân lực tăng lên mạnh mẽ, trong khi việc đào tạo và thi cấp chứng chỉ của UBCK lại khá hạn chế, nên khó lòng đảm bảo các môi giới chứng khoán tại các công ty hiện nay đều có chứng chỉ hành nghề. Bản thân việc đào tạo của các CTCK cũng không theo kịp với số môi giới mới tuyển.
Trước nhu cầu của thị trường, tại SSI hiện tồn tại một loại hình là môi giới độc lập. Các môi giới này có thể không có chứng chỉ hành nghề do UBCK cấp, nhưng phải có một số chứng chỉ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (SRTC, thuộc UBCK) cấp, được ký hợp đồng với công ty, ăn lương cố định và hoa hồng. Tính chất độc lập của các môi giới này thể hiện ở việc các môi giới tự đi tìm khách hàng, không bị khống chế về thời gian. Khi đưa được khách hàng về công ty thì từ việc mở tài khoản nhập lệnh giao dịch… đều do những nhân sự chuyện trách thực hiện và tuân thủ quy định về quản trị rủi ro của SSI. "Môi giới độc lập chỉ có thể tham gia vào một công đoạn của quá trình phát triển kinh doanh, nên Công ty có thể kiểm soát được rủi ro", ông Long nói.
Theo thông báo thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán đợt I/2010 của UBCK, để được dự thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán, thí sinh dự thi phải có đủ các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm: chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và TTCK, chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và TTCK, chứng chỉ phân tích và đầu tư chứng khoán, chứng chỉ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Như vậy, trong số hàng ngàn môi giới đang hoạt động hiện nay, không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu này để dự thi. Hiện tại, hoạt động đào tạo chứng khoán đã có sự thay đổi khi một số cơ sở đào tạo được mở lớp về kiến thức cơ bản, phân tích, nên số lượng lớp học được tổ chức nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi năm UBCK chỉ tổ chức 1 đến 2 kỳ thi thì sẽ khó lòng đáp ứng nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề của các môi giới. Trong khi đó, nhân viên môi giới phải học thêm 2 môn (là môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán) so với trước đây, yêu cầu việc học và thi mất nhiều thời gian hơn.
Theo các CTCK, UBCK cần có lộ trình để nhân viên môi giới có thể học và thi cấp chứng chỉ hành nghề, nếu không sẽ có không ít CTCK và nhân viên môi giới vi phạm quy định phải có chứng chỉ do UBCK cấp mới được hành nghề môi giới.
Nâng mức xử phạt với người hành nghề chứng khoán vi phạm
Phạt tiền 50.000.000 đồng đối với người hành nghề chứng khoán thực hiện một trong các hành vi vi sau:
a) Đồng thời làm việc cho tổ chức khác có quan hệ sở hữu với CTCK, công ty quản lý quỹ nơi mình làm việc;
b) Đồng thời làm việc cho CTCK, công ty quản lý quỹ khác;
d) Đang làm việc ở CTCK này nhưng mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở CTCK khác;
đ) Hành nghề chứng khoán nhưng không làm việc tại một CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với CTCK, nhân viên CTCK, người hành nghề chứng khoán thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng hoặc sử dụng chứng khoán của khách hàng để cầm cố hoặc sử dụng tài khoản, tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khi chưa được khách hàng ủy thác bằng văn bản;
b) Cho mượn hoặc cho thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
c) Tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
d) Thay đổi thứ tự ưu tiên về thời gian khi thực hiện lệnh của khách hàng và của nhân viên CTCK.
Theo Điều 22, Nghị định 85/2010/NĐ-CP |
Nguyên Thành
Đầu tư chứng khoán
|