Thứ Năm, 19/08/2010 14:03

Khi chứng khoán bị ngoảnh mặt

Tâm lý bi quan và thiếu ổn định đang ngự trị trên thị trường chứng khoán hiện nay phản ánh hai thái cực: buông lơi các giải pháp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực và thiếu giải pháp kịp thời kích thích thanh khoản thị trường từ phía Bộ Tài chính và sự dồn nén thời hạn thực hiện các quy định mới của ngành ngân hàng.

Khi một tô phở bằng 2-3 cổ phiếu

Đầu năm nay bộ phận tự doanh công ty chứng khoán A chọn mua cổ phiếu xi măng. Sự chọn lựa đó mang nhiều tính phòng thủ với thời hạn đầu tư T+365 ngày. Các công ty xi măng như Bút Sơn (BTS - Hnx); Bỉm Sơn (BCC - Hnx); Hà Tiên 1 (HT1 - Hose) có vốn điều lệ lớn, kinh doanh luôn có lãi và chia cổ tức từ 8-12%/năm.

Những tưởng sự phòng thủ của cổ phiếu xi măng là vững chắc, nhưng dòng nước tâm lý đầu cơ đã xuyên thủng bức tường bê tông xi măng. Giá cổ phiếu xi măng đang ở mức thấp gần bằng thời kỳ VN-Index 235 điểm. Giá HT1 dao động quanh 12.500 đồng/cổ phiếu, BCC 11.000 đồng/cổ phiếu, còn BTS có ngày đã xuống dưới mệnh giá. Tự doanh của công ty A đang lỗ 20-30% vì cổ phiếu xi măng.

Xi măng không phải là loại chứng khoán duy nhất gánh chịu sự sụt giảm của thị trường. Cổ phiếu điện, sách và thiết bị trường học, sản xuất kinh doanh phân bón, ngân hàng, tài chính… cũng đang trong những ngày mất giá.

Không ít cổ phiếu đang mấp mé mệnh giá 10.000 đồng. Nghĩa là để trả tiền một tô phở ăn sáng, nhà đầu tư phải bán đi 2-3 cổ phiếu. Còn các bà nội trợ, chỉ để mua rau thôi, thì một số chứng khoán đã có giá một cổ phiếu bằng một mớ rau.

Những công ty làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nhà đầu tư “bỏ chạy” đã đành. Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chia cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng, giá giao dịch đang thấp hơn giá trị sổ sách, nhà đầu tư vẫn cứ bán ra. Không giống như mọi thứ hàng hóa khác, giá càng rẻ người ta càng mua, chứng khoán càng rẻ người ta càng bán và tranh nhau mua khi giá của nó tăng lên.

Hầu hết giới quan sát đều nhận định yếu tố tâm lý đang chi phối thị trường. Nhưng nhìn xa hơn, ngay cả những tổ chức đầu tư tỉnh táo cũng bắt đầu lo lắng. Sự lo lắng có phần bắt nguồn từ các cơ quan quản lý. Ở phía Bộ Tài chính, cơ quan trực tiếp quản lý thị trường chứng khoán, là sự chậm trễ quá mức trong việc đưa ra các giải pháp để thúc đẩy thị trường khi quy mô của nó đã và đang tăng mạnh như hiện nay. Thí dụ cụ thể: không biết bao nhiêu lần những hứa hẹn của cơ quan quản lý về cơ chế giao dịch cổ phiếu T+2 chìm vào quên lãng.

Đầu tiên là phát biểu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc có thể áp dụng T+2 từ đầu năm 2010, rồi qua cuối quí 1, rồi sang cuối quí 2, rồi đầu quí 3 và bây giờ tháng 8-2010 sắp qua đi, không thấy ủy ban đả động đến nữa. Đã thế, khi thị trường liên tục diễn ra hiện tượng làm giá các cổ phiếu thị giá nhỏ, mức vốn hóa nhỏ, không có một biện pháp hạn chế hay can thiệp nào của Nhà nước được thi hành. Lòng tin vào chứng khoán của nhà đầu tư trong nước giảm sút là một chuyện, lòng tin của giới đầu tư gián tiếp nước ngoài lại là chuyện khác.

Thử hỏi từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư lâu dài ở Việt Nam giải ngân được bao nhiêu vốn? Khối ngoại vẫn đang mua ròng, nhưng con số tuyệt đối lại giảm mạnh so với mức vốn hóa của thị trường. Điều đáng nói, phần lớn dòng vốn gián tiếp vào cổ phiếu đó không phải là vốn mới, nó là vốn từ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp chuyển qua. Khi lợi tức từ trái phiếu không đáng kể, trái chủ nước ngoài đã chuyển đầu tư từ trái phiếu vào cổ phiếu với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Dồn nén

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đó là sự dồn toa của thời điểm thực hiện các quy định mới. Đầu tiên là việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng lên 3.000 tỉ đồng. Nghị định 141 về việc tăng vốn này ra đời từ năm 2006 và NHNN cho rằng các tổ chức tín dụng có tới bốn năm để chuẩn bị. Câu hỏi là tại sao NHNN không đưa ra một lộ trình bắt buộc các ngân hàng thực thi? Chẳng hạn năm 2007, 2008, 2009 vốn của mỗi ngân hàng phải là bao nhiêu và năm cuối của thời hạn là 2010 là bao nhiêu nữa nhằm đạt quy định. Nếu NHNN yêu cầu vốn ngân hàng năm 2007 (giả sử) tối thiểu phải 1.000 tỉ đồng; năm 2008 phải đạt 1.750 tỉ đồng; năm 2009 tối thiểu 2.500 tỉ đồng và cuối năm nay là 3.000 tỉ đồng, thì các ngân hàng sẽ dễ thở hơn!

Thứ hai là Quyết định 493 ban hành năm 2005. Các ngân hàng cũng có tới năm năm để thực hiện điều 9 về trích lập dự phòng rủi ro chung 0,75% theo quyết định này. Ngày bắt đầu phải trích lập là 15-5-2010. Không có một văn bản nào của NHNN nhắc nhở các tổ chức tín dụng về thời điểm thực hiện quy định trên trước ngày 15-5 năm nay cả. Chỉ biết là từ thời điểm đó, thanh tra NHNN vào làm việc; ngân hàng nào chưa trích lập đầy đủ là bị xử lý.

Một nguồn tin của TBKTSG cho biết tuần trước NHNN mới làm việc với Bộ Tài chính và đang chờ phía bộ hướng dẫn sử dụng phần trích lập này. Vì sao lại liên quan đến Bộ Tài chính? Vì trích lập dự phòng chung được tính vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Những liên quan đến thuế đều do Bộ Tài chính giải quyết. Như vậy, các ngân hàng thương mại vẫn phải chờ và trong khi chờ thì cứ trích lập như quyết định 493 cái đã!

Thứ ba là Thông tư 13 ban hành ngày 20-5-2010. Từ Mỹ đến châu Âu các ngân hàng đều đã phải trải qua các cuộc kiểm tra sát hạch và họ phải đáp ứng những chuẩn mới nhằm đảm bảo an toàn cho cả nền tài chính. Nhưng họ có thời gian tính bằng năm để thích nghi với quy định mới. Một số ngân hàng cần phải tăng vốn ngay thì được Nhà nước hỗ trợ hoặc phải tự giải quyết bằng phá sản, giải thể, sáp nhập.

Việt Nam không có những tiêu chí cụ thể cho một kỳ sát hạch như thế và cũng không có sự sát hạch chặt chẽ từng ngân hàng. Thay vào đó là quy định mới về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động và áp dụng chung cho mọi tổ chức tín dụng. Những quy định mới sẽ có ngân hàng thực hiện được, nghĩa là qua sát hạch tốt, và sẽ có ngân hàng gặp khó khăn, nghĩa là không thể qua sát hạch. Nhưng tất cả cứ đánh đồng tốt và chưa tốt, dồn nén vào thời hạn 1-10-2010.

Đồng ý là doanh nghiệp phải có trách nhiệm chính trong việc tuân thủ các quy định nhưng nhìn từ vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước, mọi chính sách quy định mới đều cần thực tế kiểm nghiệm và cơ quan soạn thảo cần trải đều sự thực hiện nó qua một lộ trình, qua các lần thực tập, hướng dẫn. Sẽ không công bằng khi chính sách cứ ban hành, còn đối tượng nào bị điều chỉnh thì phải ráng mà thực hiện, chạy theo để khỏi phải “nước đến chân mới nhảy”.

Suy cho cùng tâm lý bi quan và thiếu ổn định đang ngự trị trên thị trường chứng khoán hiện nay phản ánh hai thái cực: buông lơi các giải pháp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực và thiếu giải pháp kịp thời kích thích thanh khoản thị trường từ phía Bộ Tài chính và sự dồn nén thời hạn thực hiện các quy định mới của ngành ngân hàng. Khi chứng khoán bị ngoảnh mặt, cổ phần hóa bị đình trệ (vì khó bán cổ phần và nếu bán cũng không được giá như mong muốn), công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước, quản trị các tập đoàn kinh tế sẽ như thế nào trong tương lai gần mới là điều thực sự cần quan tâm lúc này!

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lý do chứng khoán lao dốc (19/08/2010)

>   Thị trường ngày 19/08 và góc nhìn từ CTCK (19/08/2010)

>   Hết cửa cho môi giới tự do? (18/08/2010)

>   Tại sao chính sách tốt vẫn gây tác động tiêu cực? (18/08/2010)

>   PSB giao dịch đột biến, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (18/08/2010)

>   Nhiều cổ phiếu 'chết' trên sàn UPCoM (18/08/2010)

>   Thấy gì qua báo cáo quý II? (18/08/2010)

>   Mốc 440 điểm là hợp lý để đầu tư dài hạn (18/08/2010)

>   Đại gia chứng khoán hắt hủi giao dịch online (18/08/2010)

>   Đón cơ hội phục hồi: Cổ phiếu nhỏ hay bluechip? (18/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật