!
Thứ Sáu, 13/08/2010 11:26

Doanh nghiệp mạng “nhỏ” thiếu vốn

S-Fone, Beeline và Vietnamobile, 3 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động đang đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, nhất là vốn đầu tư để mở rộng thị phần.

Theo một nguồn tin có thẩm quyền, khó khăn về tài chính của  Beeline là có thật, vì doanh nghiệp này mới tham gia thị trường, thị phần nhỏ, do đó doanh thu không nhiều, song chi phí quảng cáo, tiếp thị... bỏ ra lại lớn.

Gần đây, theo thống kê của RJB Consultants Ltd., công ty nghiên cứu thị trường, sau hơn 1 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, thị phần của Beeline tính theo số lượng thuê bao ở dưới 2% và số thuê bao thực của nhà mạng này cũng không vượt quá con số một triệu.

Trong khi đó, kể từ thời điểm ra mắt (tháng 7/2009) đến nay, Beeline đã không dưới 2 lần gây “sốc” cho thị trường với những gói cước khủng “nói quên ngày tháng” và những chương trình khuyến mãi chạy đua theo thị trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc liệu Beeline có “cắn răng” chịu lỗ khi tung ra các gói cước khủng hay không, bà Nadezhda Melnikova, Trưởng phòng Marketing của GTel Mobile, chủ sở hữu mạng Beeline cho biết, Beeline cũng đã tính toán rất kỹ bài toán lỗ - lãi trước khi quyết định tung ra gói cước và mong muốn đem đến sự tiện lợi, giá cước hấp dẫn nhất cho khách hàng. Còn ông Alexey Blyumin, Tổng giám đốc GTelMobile cũng đã thừa nhận, năm 2009 là một năm khó khăn với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, khi tất cả các nhà mạng cùng tham gia cuộc đua khuyến mãi. Đồng thời, ông Alexey Blyumin cũng dự báo, năm 2010 sẽ vẫn là một năm khó khăn cho thị trường viễn thông Việt Nam.

Beeline không phải là nhà mạng có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) duy nhất gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam hiện nay. Hai nhà mạng có sự tham gia của nhà ĐTNN khác là Vietnamobile và S-Fone cũng đang trầy trật trong việc thu hút và giữ chân khách hàng để hoạt động kinh doanh có hiệu quả tại thị trường Việt Nam.

Minh chứng là, hai nhà mạng này cũng chỉ chiếm một thị phần nhỏ với Vietnamobile là 1,5% thị phần (sau 3 năm khai trương mạng) và S-Fone là 2% thị phần (sau 7 năm cung cấp dịch vụ). Mới đây, nhà ĐTNN trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) của mạng S-Fone cũng đã chính thức tuyên bố ngưng đầu tư và rút khỏi Việt Nam. S-Fone phải đối phó bằng phương án chuyển đổi từ BCC sang hình thức liên doanh và dự kiến, vào tháng 10 tới, mô hình liên doanh của nhà mạng này sẽ được chính thức phê duyệt.

Còn Vietnamobile, sau cuộc “thay máu” công nghệ cũng không làm được cuộc cách mạng mới trên thị trường, mà xem ra còn bị coi là nhà mạng “thùng rỗng kêu to”. Bởi theo hồ sơ liên danh thi tuyển 3G, nhà mạng này cam kết cùng với EVNTelecom khai trương mạng 3G vào tháng 6/2010 với tổng số trạm phát sóng  trong hồ sơ thi tuyển 3G của liên danh là 2.400 trạm. Nhưng đến nay, chỉ có EVNTelecom đơn phương tuyên bố khai trương mạng 3G với quy mô khoảng gần 3.000 trạm. Và đại diện EVNTelecom cũng cho biết, theo hồ sơ hợp tác thi tuyển, hai bên sẽ ưu tiên sử dụng hạ tầng hiện có của nhau để xây dựng mạng lưới, còn việc xây dựng mạng lưới 3G thì mỗi bên phải tự chủ động. “Hiện nay, tuy Vietnamobile chưa triển khai đầu tư mạng 3G, nhưng EVNTelecom đã chủ động đầu tư mạng EVNTelecom 3G với 3.000 trạm phát sóng”, một lãnh đạo của EVNTelecom cho biết.

Có thể nói, các nhà mạng có vốn  ĐTNN đã không thể  “làm mưa làm gió” ở thị trường Việt Nam, cho dù họ là nhưng nhà ĐTNN danh tiếng trên thế giới. Theo lý giải của một vị quan chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, điều này có lẽ là do các nhà mạng của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường khá tốt. Còn theo bình luận của giới chuyên môn, đây là nguyên nhân dẫn tới xu hướng các nhà ĐTNN trong thời gian gần đây chỉ mong muốn mua cổ phần của các nhà mạng Việt Nam hơn là cùng hợp tác để thành lập liên doanh với tỷ lệ góp vốn tối đa có thể lên đến 49% theo như cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

Huyền Anh

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Đừng để Vedan tiếp tục coi thường (13/08/2010)

>   Phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu (13/08/2010)

>   Đề nghị 3 doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu xi măng (13/08/2010)

>   “Không khuyến khích doanh nghiệp đi bán hàng lưu động” (13/08/2010)

>   Thị trường nội địa không lo thiếu gạo (13/08/2010)

>   Tối thiểu hoá hậu quả Vinashin (13/08/2010)

>   Doanh nghiệp đầu tư vào gạo thương hiệu (13/08/2010)

>   Vượt rào cản thương mại - Cách nào? (13/08/2010)

>   Xăng máy bay VN bị chê? (13/08/2010)

>   Tăng giá điện: Chưa khả thi (13/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật