Thị trường nội địa không lo thiếu gạo
Những ngày gần đây, giá gạo trên thị trường tăng ngay khi vụ hè thu đang thu hoạch rộ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch mùa vụ, sản lượng, và cân đối tiêu dùng lúa gạo hiện nay, hoàn toàn có thể phủ nhận thông tin thiếu gạo... Mối lo còn lại, nếu có, chỉ là sợ giá lúa quá thấp, nông dân thu được ít lợi nhuận.
Cục Trồng trọt – bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo sản lượng lúa của Việt Nam năm nay có thể đạt 39 triệu tấn. Đến cuối tháng 8 này, sau khi cân đối diện tích lúa đông xuân và hè thu đã thu hoạch xong ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cục Trồng trọt cho rằng chúng ta nắm chắc trong tay 26 triệu tấn. Con số còn lại 13 triệu tấn, hoàn toàn có thể đạt được vì từ nay đến cuối năm, mỗi tháng có thêm ít nhất ba đến năm trăm ngàn hecta lúa cho thu hoạch.
Lo thừa hơn lo thiếu
Trả lời phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, sáng 12.8, ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng cục Trồng trọt, cho biết sau khi cân đối nguồn tiêu thụ nội địa, nguồn dành đảm bảo an ninh lương thực (khoảng 23 – 24 triệu tấn), thì năm nay, sản lượng lúa dư ra dành xuất khẩu khoảng 14 – 15 triệu tấn, tương đương trên dưới 7 triệu tấn gạo. Số liệu từ hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra trong cuộc họp mới đây cũng sát với tính toán này. Năm nay, theo VFA, doanh nghiệp chỉ đủ khả năng xuất 6,5 – 7 triệu tấn gạo. Trường hợp có ký thêm hợp đồng, thì cũng “khó có khả năng giao hết cho khách hàng”, lời ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, vì những lý do như hạn chế về tiến độ bốc xếp, hạn chế tàu thuyền, năng lực vốn…
Như vậy, diễn biến giá gạo tăng trong vòng một tháng trở lại đây khiến dư luận lo lắng về khả năng thiếu gạo là không đủ cơ sở.
Vấn đề đặt ra là tại sao, một nước sản xuất lúa lớn như Việt Nam, người dân lại thường xuyên có hoài nghi về tính ổn định an ninh lương thực? Theo lập luận của ông Nguyễn Văn Sơn, một chuyên gia am tường thị trường lúa gạo, thì nguyên nhân xuất phát từ con số thống kê cung cầu gạo hàng năm không sát với tình hình thực tế. Ông Sơn cho rằng, ngày nay, cuộc sống khấm khá hơn, người dân thay vì chỉ biết đến gạo thì họ có thể lựa chọn những loại thực phẩm thay thế như thịt, cá, rau củ quả, bánh mì, mì tôm… Do đó, việc cân đối 10kg gạo cho một người dân thành thị và 15kg cho dân nông thôn mà chúng ta đang áp dụng hiện nay là quá dư thừa.
Thực tế, từ đầu 2010 đến nay, Việt Nam nhập tới 1,8 triệu tấn lúa mì, phần lớn trong số này dùng vào sản xuất thực phẩm dành cho người.
Nông dân có thể sản xuất 3 – 4 vụ lúa trong vòng 12 tháng. Thị trường lúc nào cũng đầy ắp lúa gạo. Đó là chưa kể nguồn gạo do nông dân sang Campuchia thuê đất sản xuất, mỗi năm đưa về nửa triệu tấn. | Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cũng khẳng định, ngành này không xài đến 2 triệu tấn lúa mỗi năm như cách cân đối của bộ NN&PTNT. Từ nhiều năm nay, thành phần nguyên liệu thức ăn chủ yếu là sử dụng bắp, lúa mì, đậu tương, bột thịt, bột cá… vốn có tỷ lệ đạm nhiều hơn chứ không phải lúa gạo như trước đây. Ngoài ra, lượng lúa cân đối hàng năm dành cho nhu cầu về giống, chế biến thực phẩm, dự trữ quốc gia, theo nhiều ý kiến cũng cần phải được tính toán lại chứ không đến mức lên đến nhiều triệu tấn như hiện nay.
Cần thay đổi cách làm kế hoạch
Cân đối cung cầu thiếu chính xác dẫn đến hậu quả là chúng ta thường mất đi tính chủ động điều tiết sản lượng lúa gạo hàng năm. Từ năm 2006 đến nay, kế hoạch xuất khẩu gạo mà bộ Công thương, bộ NN&PTNT thường đưa ra vào đầu năm luôn thấp hơn rất nhiều so với con số thực tế đạt được. Nguyên nhân sâu xa cũng vì quá lo lắng đến vấn đề an ninh lương thực, đưa ra chính sách kiểm soát xuất khẩu không phù hợp, làm vuột mất cơ hội và gây tổn thất lớn cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Dư, cục phó cục Trồng trọt nói rằng, mùa vụ sản xuất lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu diễn ra hầu như quanh năm. Nông dân có thể sản xuất từ ba đến bốn vụ lúa trong vòng 12 tháng. Thị trường lúc nào cũng đầy ắp lúa gạo. Trong trường hợp có bất ổn nguồn cung, chúng ta vẫn còn nguồn lúa gạo của nông dân sang Campuchia thuê đất sản xuất. Lượng gạo đưa về mỗi năm lên tới trên nửa triệu tấn.
Thị trường lúa gạo sôi động, giá tăng khi vào vụ thu hoạch là điều đáng ra phải vui mừng đối với một nước sản xuất lúa gạo hàng hoá lớn như Việt Nam. Giá lúa gạo tăng, không chỉ nông dân mà quốc gia cũng thu được nhiều lợi ích từ kim ngạch xuất khẩu. Lúa gạo hè thu tăng giá thời gian gần đây, hoàn toàn không phải sốt ảo, mà do nhu cầu thực tế thị trường, khi có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào đáp ứng các hợp đồng đã ký. Nếu có mối lo nào đó về thị trường lúa gạo, đó chỉ là sợ giá lúa quá thấp, nông dân thu được ít lợi nhuận.
Hoàng Bảy
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|