WB lạc quan về phục hồi kinh tế toàn cầu
Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 và 2011 lên 2,9-3,3% và năm 2012 lên 3,2-3,5%.
Trong Báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 10/6, WB cũng lạc quan về sự phục hồi nhanh của thương mại toàn cầu, với các mức tăng trưởng dự báo 21% năm 2010 và 8% trong hai năm 2011 và 2012. Hơn 50% mức tăng thương mại toàn cầu giai đoạn 2010-2012 là từ các nước đang phát triển.
Trong thế giới đa cực hiện nay, các nền kinh tế đang phát triển đang thúc đẩy nhanh sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và các nước thu nhập cao cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy nền kinh tế của đang gặp khó khăn do nợ nần của mình.
Các nước đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế 5,7-6,2%/năm trong thời gian từ năm 2010 - 2012. Tuy nhiên, mức dự báo cho các nước thu nhập cao trong năm 2010 chỉ là 2,1-2,3%, mức chưa đủ để bù đắp sự suy giảm 3,3% của các nền kinh tế này trong năm 2009.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 của khu vực châu Âu và Trung Á dự kiến là 4,1%, phần lớn nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một số nước đang phát triển sẽ có thể bị tác động do có mối liên hệ chặt chẽ trong lĩnh vực tài chính và thương mại với các nước xảy ra khủng hoảng nợ công (Hy Lạp, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha).
Khẳng định kinh tế toàn cầu đang tiếp tục phục hồi nhanh hơn dự báo, WB cũng cho rằng cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã tạo ra những trở ngại mới trên con đường phục hồi bền vững trung hạn của kinh tế thế giới.
WB cũng cảnh báo sự phục hồi của kinh tế thế giới về trung hạn đang đứng trước nhiều trở ngại lớn như dòng vốn quốc tế tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao, năng lực nhàn rỗi không được huy động vượt quá 10% ở nhiều nước phát triển.
Các nước đang phát triển cũng không được “miễn dịch” trước các tác động của cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền ở các nước thu nhập cao. Dòng vốn tư nhân đầu tư vào các nước đang phát triển chỉ phục hồi ở mức thấp, từ 454 tỷ USD năm 2009, chiếm 2,7% GDP của các nước này, lên 771 tỷ USD năm 2012, chiếm 3,2% GDP, thấp hơn nhiều so với kim ngạch 1.200 tỷ USD, tức 8,5% GDP.
WB hy vọng các nước đang phát triển có thể vượt qua được tác động này nếu tập trung thúc đẩy các chiến lược tăng trưởng, khuyến khích đầu tư kinh doanh và chi tiêu hiệu quả hơn.
Nguyễn Chiến
CHÍNH PHỦ
|