Thứ Năm, 10/06/2010 14:28

Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái kép

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo cho rằng, suy thoái kép có thể xảy ra ở nhiều quốc gia, nếu các nhà đầu tư mất niềm tin vào những nỗ lực của các chính phủ trong việc ngăn chặn gánh nặng nợ nần gia tăng.

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2010 của WB nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nền kinh tế phát triển sẽ làm giảm sút cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển, đồng thời cũng làm giảm các dòng vốn đầu tư chảy từ các nước giàu sang các thị trường khác.

Tuy nhiên, WB cho rằng, ở thời điểm hiện nay, những lo ngại về việc tình hình tài chính bi đát của Hy Lạp có thể lan rộng sang các quốc gia nặng nợ khác, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vẫn chưa ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.

“Nếu thị trường mất niềm tin vào những nỗ lực của các chính phủ nhằm đưa chính sách của họ trở lại nền tảng bền vững, tăng trưởng toàn cầu có thể bị tác động mạnh và khả năng xảy ra suy thoái kép là không thể loại trừ”, báo cáo của WB có đoạn viết.

Không chỉ có WB dự báo về nguy cơ xảy ra suy thoái kép ở thời điểm này. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke trong phiên điều trần ngày 9/4 trước Quốc hội Mỹ cũng cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro rơi vào suy thoái lần nữa. FED dự báo, GDP của Mỹ năm nay sẽ tăng trưởng 3 - 4%.

Trong báo cáo vừa công bố, WB kêu gọi các nước giàu thực hiện mạnh mẽ việc thắt chặt tài khóa, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc này càng được tuân thủ sớm bao nhiêu thì sẽ càng tốt hơn bấy nhiêu cho các nước đang phát triển. Cũng theo WB, các nước giàu nên tận dụng cơ hội mà tốc độ tăng trưởng cao hơn tại các nền kinh tế đang phát triển, để tăng cường các hoạt động kinh tế.

Mặc dù vậy, báo cáo của WB cảnh báo, sự gia tăng của nợ công trong thời gian dài có thể khiến lãi suất vay vốn đắt đỏ hơn, làm hạn chế hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi. WB nhận định, những dữ liệu gần đây cho thấy, tới cuối tháng 3 vừa qua, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn mạnh ở hầu hết các quốc gia từ một số quốc gia Đông Âu nơi tăng trưởng đình trệ.

Với nguy cơ lan rộng của khủng hoảng nợ, các nước trong Eurozone đã cam kết các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đưa nền tài chính công về vòng kiểm soát. Đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thành lập một quỹ chặn khủng hoảng trị giá gần 1.000 tỷ USD.

“Giai đoạn khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng nợ đã qua và giờ chúng ta phải đối mặt với một thách thức dài hạn là làm thế nào đưa chính sách tài khóa ở các nước giàu trở lại với sự bền vững. Mức độ thành công của những nỗ lực này sẽ có ảnh hưởng quan trọng với cả các nước đang phát triển và phát triển”, chuyên gia kinh tế Andrew Burns thuộc WB nhận xét.

WB dự báo, các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng với tốc độ 5,7 - 6,2% mỗi năm trong thời gian từ 2010 - 2012, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của nhóm nước phát triển, và cao hơn nhiều so với mức tăng 1,7% đạt được trong năm 2009. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng ở châu Âu còn diễn biến xấu đi và lan rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển được WB dự báo sẽ chỉ còn 6,1% trong năm nay, và 5,7% trong năm 2011.

Theo định chế này, các nền kinh tế phát triển sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,1 - 2,3% trong năm 2010, không đủ bù đắp cho mức sụt giảm 3,3% trong năm ngoái. Tiếp đó, trong năm 2011, nhóm nền kinh tế này được dự báo tăng 1,9 - 2,4%.

WB nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2010 và 2011.

Ngân hàng này cho biết, họ lo ngại về dòng vốn tài trợ cho các nước nghèo sẽ giảm sút trong bối cảnh các nước giàu thắt chặt chi tiêu. Theo chuyên gia Burns, kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy, dòng vốn tài trợ từ các nước giàu có thể giảm 20 - 25%  vì cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, vốn tài trợ có thể chiếm tới 20% chi tiêu chính phủ ở nhiều nước đang phát triển.

Kiều Oanh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   "Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt" (10/06/2010)

>   IMF: Khủng hoảng nợ châu Âu có thể gây hiệu ứng dây chuyền (10/06/2010)

>   Hàn Quốc: Tình trạng thất nghiệp được cải thiện đáng kể (09/06/2010)

>   Góc khuất Nam Phi đằng sau sự kiện World Cup (09/06/2010)

>   World Cup gây thiệt hại kinh tế Anh tới 1 tỷ bảng? (09/06/2010)

>   Nợ công của Mỹ sắp vượt quá GDP (09/06/2010)

>   Trung Quốc: Mức tăng trưởng đỉnh không đủ để ngăn lạm phát (09/06/2010)

>   Kinh tế Brazil tăng trưởng cao nhất trong 14 năm (09/06/2010)

>   Hungary công bố kế hoạch khôi phục kinh tế (09/06/2010)

>   Romania khủng hoảng trầm trọng nhất trong 60 năm (09/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật