Thứ Bảy, 12/06/2010 12:10

TTCK “lăn” theo trái bóng tròn World Cup? 

Khi người Việt Nam phải thức đêm xem các trận đấu thì buổi sáng người ta thường mệt mỏi, thiếu ngủ, hoặc dậy muộn bỏ ăn sáng mà chạy đi làm hay ra sàn chứng khoán.

World Cup và giá cổ phiếu

Dường như sẽ là buồn cười nếu nghĩ rằng có một sự liên hệ thật sự giữa các trận  bóng và giá cổ phiếu. Tuy nhiên, gần đây, một nhóm nghiên cứu của Đại học Bangor, Leeds và Newcastle (Anh) lại có một nghiên cứu cho rằng, có thể có một liên hệ nào đó giữa các đợt tranh tài lớn với diễn biến của chỉ số chứng khoán.

Nhóm nghiên cứu này tổng hợp khoảng 290 trận đấu quốc tế của tuyển Anh từ năm 1984 đến 2009 và thấy rằng, dường như có liên hệ giữa kết quả các giải đấu lớn (ví dụ như World Cup) với diễn biến của chỉ số FTSE 100. Một kết quả đáng chú ý khác là trong những trận đấu tranh cúp mà tuyển Anh thất bại thì có vẻ như các tác động tiêu cực tới TTCK của Anh kéo dài hơn.

Giáo sư Robert Hudson của Trường kinh doanh thuộc Đại học Newcastle lý giải rằng, tâm lý thất vọng vì tuyển nhà thua cuộc đã theo đuổi các nhân viên môi giới vào trong phòng làm việc.

Thật ra, lý giải này có lẽ còn giới hạn vì chỉ số chứng khoán không chỉ bị tác động bởi nhân viên môi giới chứng khoán, nhưng quả thật nỗi buồn thua trận có thể còn lây lan lẫn nhau giữa các nhân viên môi giới với các nhà phân tích làm việc cho công ty môi giới đó và khách hàng của họ.

Sẽ có không ít tranh luận về chuyện kết quả nghiên cứu này đáng tin cậy đến đâu, tuy nhiên, ít ra nó cũng là một cái gì đó để buộc người ta nghiêm túc đặt câu hỏi "có thật World Cup có tác động đến giá chứng khoán hay không?".

Xét ở một số khía cạnh, World Cup thật sự có tác động đến nền kinh tế ở góc độ một lễ hội của hành tinh và do đó, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến TTCK.

World Cup: Lễ hội và các hoạt động kinh doanh

Trước hết, phải nhìn nhận World Cup là một lễ hội của hành tinh và nhiều tín đồ bóng đá sẽ gia tăng chi tiêu trong dịp này.

Một góc nhìn thực tế là mỗi lần diễn ra các giải bóng đá lớn, người ta thường thấy doanh số bán ti vi ở Việt Nam tăng rất mạnh. Nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng hưởng lợi như thức uống, thức ăn, các sản phẩm cổ động World Cup…

Một số nhà phân tích chứng khoán cho rằng, các đợt World Cup đều giúp gia tăng doanh số bán của các siêu thị và công ty bán hàng thể thao "ăn theo".

Một số liệu ước tính cho thấy, khoảng hơn 1 tỷ bảng Anh đã được người ta chi ra để mua những sản phẩm liên quan đến World Cup 2006.

Tất nhiên, ngành truyền thông cũng hưởng lợi không nhỏ. Đài truyền hình có những lợi ích trong việc thu hút quảng cáo trong các chương trình truyền hình bóng đá trực tiếp và báo in cũng có thể tăng số lượng bản in đưa tin về World Cup. Trong một năm, có lẽ không phải lúc nào cũng có một sự kiện thu hút đông đảo bạn xem đài, bạn đọc như vậy.

Một không khí lễ hội có xu hướng kích thích chi tiêu mạnh là điều không khó hiểu. Nó tương tự dịp Tết của Việt Nam khi mà mọi người đều hân hoan đón Tết và sẵn lòng chi tiêu thêm.

Tiêu dùng tăng, trong một chừng mực nào đó, có thể kích thích doanh số của một số công ty niêm yết và do đó có tác động đến kỳ vọng của NĐT vào chỉ số chứng khoán. Điều này sẽ đặc biệt quan trọng hơn đối với một quốc gia có một đội tuyển tham gia World Cup, vì người dân có thể vì tự hào dân tộc mà chi tiêu mạnh hơn nữa. Liệu điều này có thể ảnh hưởng đến TTCK?

Rất có thể, đơn giản là vì sẽ có không ít nhà phân tích bắt đầu dự đoán những ảnh hưởng của các chi tiêu trong mùa World Cup trong nền kinh tế và ảnh hưởng của World Cup tới các hoạt động kinh doanh.

Nói một cách đơn giản, ngay cả người không quan tâm đến World Cup cũng phải chú ý và nói tới World Cup, chỉ vì xung quanh họ người ta hầu như chỉ bàn tán những chủ đề có liên quan (mặc dù đôi khi cũng chẳng dính dáng lắm đến trái bóng) như "bạn có xem trận đấu hôm qua không ?" hoặc "cầu thủ nào đẹp trai", thậm chí là "cổ động viên nước nào ăn mặc đẹp hơn" hay là "đội A dùng phù thủy ếm đội B" (!) Khi mà nhiều tin tức có liên quan đến World Cup xuất hiện, thì cũng không lạ nếu có ai đó vào cuối một ngày giảm điểm bực mình nói rằng, "chứng khoán xuống … tại World Cup"! Khi người ta muốn tìm chỗ nào đó để trút giận thì chẳng phải cái gì mà họ nghe mãi mấy ngày liên tục là một đối tượng tốt để trút giận hay sao?

Hiệu ứng "mệt mỏi" và "bỏ sót" của dòng tiền mùa World Cup

Một điều mà nhiều bài báo cũng đề cập là trong những đợt lễ hội bóng đá mà người Việt Nam phải thức đêm xem các trận đấu thì buổi sáng người ta thường mệt mỏi, thiếu ngủ, hoặc dậy muộn bỏ ăn sáng mà chạy đi làm hay ra sàn chứng khoán.Và hiệu ứng "mệt mỏi" này sẽ đi kèm với việc "bỏ sót" tin chứng khoán nào đó chỉ vì "mê" nghe tin World Cup hơn. Do đó, có thể dòng tiền sẽ phản ánh hiệu ứng này ở chỗ chủ của nó là NĐT sẽ "lười" hơn trong việc lướt các con sóng hoặc một vài cổ phiếu sẽ bị "lãng quên tạm thời".

Hiệu ứng xuất hiện "cổ phiếu bị bỏ sót" (neglected stocks) không phải là lạ. Và cũng không phải là không có ở Việt Nam. Khi một số loại cổ phiếu nào đó không hấp dẫn NĐT và các nhà phân tích của CTCK trong một giai đoạn vừa qua và trong mùa World Cup này, nếu các cổ phiếu đó cũng không có tin gì đặc biệt thì có thể nhà phân tích và NĐT sẽ "lười" quan tâm đến chúng. Hiệu ứng này có diễn ra ở mùa World Cup năm nay hay không và nó có đáng chú ý không thì phải phụ thuộc vào mức độ "thức cùng World Cup" và "mệt mỏi" của NĐT.

"Chơi chứng khoán" và cá độ bóng đá

Có bóng đá thì có cá độ bóng đá, đó là chuyện tồn tại xưa nay trong và ngoài nước, bất kể là hợp pháp hay không hợp pháp. Và có lẽ là hợp lý khi ai đó lo là cá độ bóng đá sẽ rút bớt dòng tiền chứng khoán. Tuy nhiên, bản thân người viết không cho rằng, cá độ bóng đá sẽ có ảnh hưởng quá lớn đến dòng tiền.

Một trong những lý do cơ bản là phần lớn dòng tiền đầu tư vào chứng khoán hiện nay có lẽ không đến từ những người xem chứng khoán là một trò chơi "sáng đến trưa lại về" nữa.

Những mối quan tâm của các NĐT về chuyện lãi suất, lạm phát, kế toán công ty mập mờ, quản trị công ty, các hình thức làm giá..., đã cho thấy nhiều NĐT quan tâm gắn bó với thị trường và với những giá trị cốt lõi hơn, thay vì là "ngày mai lên hay xuống" như những ngày đầu.

Sự chuyên nghiệp hơn sẽ giúp loại bỏ nhiều hơn những dòng tiền "dạo chơi" trên thị trường. Cá cược bản thân nó có một lượng người tham gia riêng và khác với NĐT lựa chọn giữa tiết kiệm, vàng, bất động sản, chứng khoán...

Nếu có một sự "lấn sân" của NĐT chứng khoán sang thị trường cá cược bất hợp pháp, thì có lẽ cơ quan quản lý thị trường cần nhìn lại thị trường đang thu hút ai tham gia.

Nhưng với những quan sát trong những năm trở lại đây, quan điểm chủ quan của người viết là TTCK đã chuyên nghiệp hơn và thu hút một lượng "tín đồ" của riêng mình, sự biến động của thị trường chủ yếu là do những tín đồ này dẫn dắt. Còn chuyện thị trường lên xuống nhiều ít, là do "tín đồ" thích lướt sóng, sử dụng đòn bẩy, hay thích dùng tiền của mình, ăn chắc mặc bền…, là chuyện của "nội bộ" thị trường này hơn là chuyện nhiều "tín đồ" đột nhiên chuyển sang "mê cá độ" trong ngắn hạn (đó là chưa xét tới tính hợp pháp của việc cá độ khiến cho hoạt động "đầu tư vào cá độ" trở nên rất rủi ro so với đầu tư chứng khoán).

Xem World Cup không quên nỗi lo?

World Cup năm nay diễn ra trong một bối cảnh không mấy vui vẻ trên các sàn chứng khoán. Thị trường Mỹ và châu Âu tiềm ẩn nhiều bất ổn với những phát biểu lấp lửng không mấy lạc quan của Chủ tịch FED về tình hình thị trường việc làm và hồi phục kinh tế, những nỗi lo về nợ nần ở châu Âu.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn là một ẩn số khi mà một thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ Trung Quốc cho là nó "tồi tệ" hơn so với Mỹ và Anh trước khủng hoảng. Vài thị trường lớn vẫn đang trong một xu thế điều chỉnh giảm về mặt kỹ thuật và thị trường Việt Nam cũng trong một xu thế tương tự.

Những vụ việc tưởng như không đáng quan tâm lắm như vụ tràn dầu ở vịnh Mexico có thể có tác động rất lớn tới chi phí ngân sách của Mỹ và những tổn thất của BP. Và đa phần chúng ta đang nhận tin xấu.

Tít bài "Nỗi lo trở lại" (Fear returns) của tờ Economist và sự tăng giá kỷ lục gần đây của giá vàng thế giới là một phản ánh rõ nét của những nỗi lo này.

Liệu NĐT có thể "quẳng gánh lo đi mà xem World Cup"? Khi có nhiều tin xấu quá rồi thì NĐT sẽ hết lo sợ và sẽ tham lam trở lại. Nhưng khi nào thì điều đó diễn ra? Chỉ hy vọng nó sẽ diễn ra trước trận chung kết World Cup để ai cũng có thể vui vẻ mà xem bóng đá.

Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Tình trạng DN biến báo số liệu kế toán ngày một nhiều (12/06/2010)

>   Quỹ mở, giải quyết nhiều vấn đề của quỹ đóng (12/06/2010)

>   Lớp PTKT Bậc 1 tại TPHCM – Khai giảng ngày 15/06/2010 (14/06/2010)

>   CII: Lại thu phí “oan” ?! (12/06/2010)

>   "Phản ứng của nhà đầu tư chỉ là nhất thời" (11/06/2010)

>   Đề xuất lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư (11/06/2010)

>   Investcom triển khai nhiều dự án lớn (11/06/2010)

>   Lớp PTKT Bậc 1 tại Hà Nội – Khai giảng ngày 12/06/2010 (11/06/2010)

>   Mỗi công ty đại chúng mới công bố 1,5 tin! (11/06/2010)

>   OPC góp vốn thành lập công ty dược liệu (11/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật