Thứ Sáu, 11/06/2010 22:30

"Phản ứng của nhà đầu tư chỉ là nhất thời"

"Trước những biến động lớn trên thị trường tài chính quốc tế, các nhà đầu tư Việt Nam đã có những dao động về tâm lý và thực hiện những hành động mang tính phòng thủ. Mặc dù vậy, các phản ứng trên chỉ là nhất thời".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hắc Hải, Giám đốc Khối phân tích, đầu tư, Công ty chứng khoán Rồng Việt trong cuộc trao đổi ngắn với TBKTSG Online về tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông, khủng hoảng nợ châu Âu đã tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Hắc Hải: Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hướng vào xuất khẩu. Tác động tiêu cực trước mắt của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến kinh tế Việt Nam là việc đồng euro giảm giá ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại khu vực này. Tuy vậy, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp nói riêng rất nhỏ và EU nói chung cũng chỉ chiếm khoảng 17% về giá trị. Các mặt hàng xuất khẩu sang EU chủ yếu thuộc nhóm hàng cơ bản, có giá trị gia tăng thấp như giày dép, dệt may, gỗ, cà phê…

Có thể kỳ vọng, sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhưng không quá lớn. Cũng có thể nói, trong ngắn hạn, khủng hoảng nợ châu Âu chưa tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam.

Về dài hạn, nếu khủng hoảng nợ lan rộng khắp châu Âu, kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo kinh tế Mỹ (do châu Âu là đối tác thương mại lớn của Mỹ) và thế giới nhiều khả năng sẽ chứng kiến một đợt suy thoái kinh tế mới. Khi đó, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, chưa kể đến sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc và các quốc gia khác (là những nước cũng hướng về xuất khẩu) khi thị trường thế giới thu hẹp.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng được nhờ mô hình tăng trưởng về lượng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào cũng khó có thể kéo dài do dư địa cho chiến lược tăng trưởng như vậy không còn nhiều (tỷ trọng đầu tư/GDP hiện đã ở mức cao trong khi hiệu quả đầu tư ngày càng giảm).

Ngoài ra, nếu kinh tế toàn cầu gặp khó khăn lớn, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam (hiện chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản). Đây cũng là một điểm cần tính đến. Như vậy, có thể thấy, tác động đáng lo ngại nhất của cuộc khủng hoảng nợ lần này đến kinh tế việt Nam là tác động về triển vọng tăng trưởng kinh tế và đặt ra các thách thức đối với mô hình tăng trưởng hiện tại.

Còn với thị trường chứng khoán? Thị trường bị tác động trực tiếp hay gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng nợ này?

- Như phân tích ở trên, cuộc khủng hoảng trên chưa tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nên tác động trực tiếp của nó đến thị trường chứng khoán Việt Nam là không nhiều. Tuy nhiên, thị trường sẽ chịu tác động gián tiếp, chủ yếu là thông qua tâm lý nhà đầu tư. Thời điểm từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới nhất đến hiện tại cũng khá gần. Nỗi ám ảnh về tác động của đợt khủng hoảng vừa rồi vẫn còn trong tâm trí nhiều nhà đầu tư. Do vậy, trước những biến động lớn trên thị trường tài chính quốc tế, các nhà đầu tư Việt Nam không khỏi có những dao động về tâm lý và thực hiện những hành động mang tính phòng thủ. Mặc dù vậy, các phản ứng trên chỉ là nhất thời. Triển vọng của thị trường sẽ do các yếu tố kinh tế cơ bản quyết định.

Nếu ông cho rằng khủng hoảng nợ không ảnh hưởng nhiều thì yếu tố nào hiện nay đang tác động đến thị trường?

- Như tôi đã đề cập trong phần tác động về dài hạn của cuộc khủng hoảng nợ lần này, điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ liệu cuộc khủng hoảng nợ có lan rộng khắp châu Âu hay không. Nếu câu trả lời là có (chúng ta thật sự không muốn điều này xảy ra), chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam. Và khi đó, với các yếu tố cơ bản sẽ thay đổi, triển vọng chung của thị trường của thị trường sẽ thay đổi và sẽ rất tiêu cực.

Hiện nhiều nhà đầu tư vẫn đang chọn giải pháp quan sát, chờ đợi đến khi có tin tức rõ ràng mới trở lại thị trường. Nếu xem Hy Lạp như một triệu chứng bệnh mới bùng phát thì nhà đầu tư cần kiên nhẫn hơn để xem liệu liều thuốc của EU và IMF có khả năng chữa dứt điểm căn bệnh này hay không. Thời điểm hiện tại là giai đoạn đấu tranh căng thẳng, dự kiến sẽ kéo dài và kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều sự kiện bất ngờ. Do vậy, có thể nói, giai đoạn này, tâm trạng hoài nghi sẽ chi phối thị trường.

Có yếu tố nào từ cuộc khủng hoảng này tác động tích cực đến thị trường không?

- Tính đến thời điểm hiện tại, điểm tích cực có thể thấy rõ nhất của cuộc khủng hoảng nợ lần này đó là tác động của nó đến giá hàng hóa (commodities) trên thế giới. Do lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới và do sự suy giảm của đồng euro, giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới trong thời gian qua đã suy giảm khá nhiều. Kết quả là nhiều mặt hàng trong nước cũng giảm giá.

Như chúng ta đều biết, mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2010 là vừa kiềm chế lạm phát ở mức thấp (8% sau khi điều chỉnh tăng từ 7%) trong khi vẫn giữ tăng trưởng ở mức nhất định (6,5%). Điều này đòi hỏi một chính sách tiền tệ khá phức tạp, vừa phải nới lỏng (để hỗ trợ tăng trưởng) nhưng đồng thời phải thắt chặt và thận trọng (để lạm phát không bùng nổ). Tính đến hết tháng 5/2010, chỉ số CPI cả nước đã là 4,55%, vượt hơn một nửa chỉ tiêu đề ra. Như vậy, có thể thấy, khả năng kiềm chế lạm phát theo mong muốn của Chính phủ là khá khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với tác động của cuộc khủng hoảng, giá nhiều mặt hàng đã giảm mạnh, góp phần giải tỏa phần nào sức ép lạm phát, tạo điều kiện để Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ cởi mở hơn, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Khi áp lực lãi suất được gỡ bỏ, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Về ảnh hưởng gián tiếp, lãi suất ở mức chấp nhận được sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đi vay, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các nhà đầu tư chứng khoán sẽ được hưởng lợi thông qua kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Về ảnh hưởng trực tiếp, với chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất sẽ giảm. Khi đó tính hấp dẫn của các kênh đầu tư (trong đó có thị trường chứng khoán) sẽ gia tăng so với kênh tiết kiệm truyền thống.

Như vậy, theo ông, trong tháng 6, thị trường sẽ diễn biến ra sao?

- Hiện tình hình vĩ mô của Việt Nam đang khá tốt kể từ thời điểm cuối năm 2009. Tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tới kinh tế Việt Nam chưa thể hiện trực tiếp. Vì vậy khi mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể thực hiện được thì Chính phủ phải thực thi các chính sách hỗ trợ để phục vụ cho tăng trưởng. Những hành động gần đây cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tình hình trên thị trường tiền tệ nếu được cải thiện cũng không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Áp lực lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới vẫn là những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế. Về cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, sau sự kiện Hy Lạp, tâm điểm chú ý hiện tập trung vào các nước PIGS (Bồ Đào Nha, Ailen, Italy, Hy lạp, Tây Ban Nha). Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu dự kiến sẽ kéo dài và có thể sẽ xuất hiện nhiều sự kiện bất ngờ. Do vậy, có thể dự đoán, thị trường tài chính thế giới sẽ diễn biến khá phức tạp trong thời gian tới.

Như vậy, kỳ vọng vào một sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thị trường thế giới không ổn định và tình hình trong nước chỉ cải thiện ở mức độ vừa phải là hơi khó. Ngoài ra, nếu thị trường thế giới không có những diễn biến rất xấu thì yếu tố kinh tế trong nước ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Với những đánh giá trên, cá nhân tôi cho rằng trong tháng 6-2010, chỉ số VN – Index sẽ dao động trong khoảng 480 – 530 điểm.

Thanh Thương thực hiện

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Đề xuất lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư (11/06/2010)

>   Investcom triển khai nhiều dự án lớn (11/06/2010)

>   Lớp PTKT Bậc 1 tại Hà Nội – Khai giảng ngày 12/06/2010 (11/06/2010)

>   Mỗi công ty đại chúng mới công bố 1,5 tin! (11/06/2010)

>   OPC góp vốn thành lập công ty dược liệu (11/06/2010)

>   Tăng cường chống tội phạm chứng khoán (11/06/2010)

>   "Không kỳ thị doanh nghiệp có cổ phiếu bị làm giá" (11/06/2010)

>   Chiến thuật “ăn quẩn cối xay” (11/06/2010)

>   SRB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2010 lần 2 (10/06/2010)

>   PHR vay 50 tỷ đồng để mua mủ nguyên liệu (10/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật