Quỹ mở, giải quyết nhiều vấn đề của quỹ đóng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa thông báo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập và quản lý quỹ mở. Đây kỳ vọng sẽ là khung pháp lý hỗ trợ cho việc phát triển mô hình quỹ mới khắc phục nhiều yếu điểm của mô hình quỹ đóng hiện nay tại TTCK Việt Nam.
Quỹ đóng và "gánh nặng" chiết khấu
Báo cáo thường niên 2009 của Quỹ VF1 cho biết, năm 2009 mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đạt 53%. Tại ĐHCĐ thường niên, Ban điều hành VF1 đánh giá, Quỹ tăng trưởng khá tốt khi gần theo kịp mức hồi phục 57% của VN-Index. Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng ý với đánh giá này, một cổ đông nêu ý kiến: "Nếu năm qua VF1 không mua bán gì, Quỹ nắm giữ một số chứng khoán mang tính đại diện cho VN-Index thì NAV cũng có thể tăng tương đương chỉ số chung. So với nhiều loại cổ phiếu khác tăng giá gấp 5 - 6 lần thì không nên coi con số 53% là thành công".
Ai cũng biết trong một chừng mực nào đó giá chứng khoán phụ thuộc vào lợi nhuận, với chứng chỉ quỹ (CCQ) đó là sự tăng trưởng NAV. Nhưng thực tế, giá chứng khoán tăng hay giảm hàng ngày phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của các NĐT trên thị trường về lợi nhuận tương lai. Sự đa dạng hóa của các quỹ đóng khi đầu tư lâu dài giảm thiểu rủi ro nhưng cũng giảm thiểu sự đột phá. Các cổ phiếu phòng vệ như ngành điện, dược phẩm… triệt tiêu sự đột biến ở nhóm cổ phiếu tài chính, BĐS, khai khoáng. Kết quả, sự tăng trưởng NAV các quỹ chỉ ở mức trung bình.
Ấn tượng mờ nhạt của CCQ khiến NĐT không mấy mặn mà, biểu hiện ở việc NĐT chiết khấu khá lớn NAV vào giá CCQ. Kể từ khi niêm yết cách đây 5 năm, chỉ có thời gian ngắn vào lúc TTCK nóng nhất, thị giá của VF1 cao hơn NAV. Thường trực sau đó, thị giá VF1 luôn thấp hơn NAV. Điều tương tự cũng xảy ra với "người em" của VF1 là VF4. Thậm chí với PRUBF1 và MAFBF1 sau 3 - 4 năm hoạt động, hiện tại thị giá của hai quỹ vẫn chưa thể trở lại vạch xuất phát ban đầu (mệnh giá). So với mức giá đóng cửa của ngày 10/6 và NAV công bố ngày 7/6 (số liệu giao dịch phiên ngày 3/6) thì hiện nay các CCQ đang có mức chiết khấu khá lớn từ 23,7% đến 51,8% (xem bảng). Không chỉ các CCQ đang niêm yết tại HOSE, nhiều CCQ của các quỹ tên tuổi đang niêm yết tại nước ngoài cũng chịu chung cảnh ngộ. Chẳng hạn, CCQ quỹ đóng Vietnam Opportunity Fund (VOF) do Vina Capital quản lý đang niêm yết tại sàn chứng khoán Luân Đôn (AIM) hiện có NAV/CCQ là 2,5 USD, nhưng giá giao dịch là 1,38 USD, thấp hơn 44%; Quỹ Vietnam Enterprice Investemet Ltd (VEIL) do Dragon Capital quản lý niêm yết tại sàn chứng khoán Iceland (NCB) có NAV/CCQ là 2,42 USD, nhưng giá mua ngày 3/6 chỉ là 1,77 USD, chênh lệch gần 27%...
NĐT đang chiết khấu NAV vào thị giá quá nhiều là bài toán khó với ban điều hành nhiều công ty quản lý quỹ trong nước. Điều này, một mặt gây ra các áp lực về quản trị, mặt khác gây cản trở khi các quỹ muốn huy động thêm vốn. NĐT không có lý do bỏ tiền vào các CCQ khi thấy sau một thời gian hoạt động, NAV các CCQ giảm thấp hơn cả mệnh giá và giá thị trường lại còn thấp hơn nữa. Đứng trước bài toán này, VFM đã có nhiều nỗ lực. Đầu tiên là giải pháp tâm lý như việc xin mua lại CCQ như các DN niêm yết mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, đề nghị trái thông lệ mô hình quỹ đóng này bị cơ quan quản lý bác bỏ. Chênh lệch giữa NAV và thị giá của VF1 khiến rất nhiều cổ đông kiến nghị Quỹ nên có lộ trình phân chia lợi nhuận sớm trước thời điểm đóng quỹ. Từ năm ngoái, VFM đã chia cổ tức khá cao cho các NĐT (với tỷ lệ 22% cho Quỹ VF1 và 16% với VF4), nhưng cổ đông của PRUBF1 và MAFPF1 chưa được hưởng kết quả này khi 2 năm qua, NAV của hai quỹ vẫn thấp hơn mệnh giá.
Kỳ vọng quỹ mở
Tất cả các khó khăn của các công ty quản lý quỹ có kế hoạch huy động vốn trên thị trường nội địa để thành lập quỹ đại chúng sắp được giải quyết bằng việc UBCK đang có các nỗ lực tạo ra hành lang pháp lý cho mô hình quỹ mở phát triển. Khác với quỹ đóng, sau khi huy động vốn thành công, CCQ của quỹ mở sẽ không niêm yết, các giao dịch mua bán CCQ được thực hiện trực tiếp giữa NĐT với công ty quản lý quỹ căn cứ vào NAV tại thời điểm thỏa thuận. Theo dự thảo Thông tư, các quỹ sẽ tiến hành tối thiểu 2 lần mua mỗi tháng, tuy nhiên tần suất và thời gian cụ thể của việc phát hành và mua lại CCQ mở được quy định cụ thể trong điều lệ và bản cáo bạch từng quỹ. Điều này giúp thị giá CCQ mở sẽ bám sát NAV hơn, tháo gỡ một vướng mắc lớn hiện nay từ phía cả NĐT và ban quản lý quỹ.
Về dự thảo này, đại diện của Công ty Quản lý quỹ Manulife hồ hởi nói với ĐTCK: "Chúng tôi đang đọc và so sánh một số quy định mang tính kỹ thuật với thông lệ quốc tế. Nếu sớm đưa vào hoạt động mô hình quỹ mở sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển công ty quản lý quỹ và của cả thị trường". Ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc VFM ví von, mô hình quỹ đóng và quỹ mở như công nghệ analog và digital trong viễn thông. Theo ông Lynh, tại TTCK phát triển, các tổ chức đầu tư nắm giữ số chứng khoán chiếm từ 40 - 60% thị trường, trong đó số lượng quỹ đóng chưa tới 5%. Tại Việt Nam, mô hình quỹ mở là sự đòi hỏi tất yếu khi thị trường phát triển. Ông Lynh kỳ vọng, hành lang pháp lý cho quỹ mở hoạt động sẽ giúp các công ty quản lý quỹ thành lập các quỹ quy mô thực sự như quỹ hưu trí.
Như vậy, sự phát triển của quỹ mở là tất yếu. Tuy nhiên, giai đoạn ban đầu, mô hình mới có thành công hay không vẫn là dấu hỏi, khi hiện nay các CCQ bị chiết khấu NAV cao không phải quỹ có một danh mục đầu tư tồi mà là ở niềm tin của NĐT vào CCQ và cả tâm lý thích tự kinh doanh của các NĐT cá nhân.
(NAV và thị giá và một số chứng chỉ quỹ ngày 10/6)
Chứng chỉ quỹ |
VFMVF1 |
VFMVF4 |
PRUBF1 |
MAFPF1 |
Giá trị tài sản ròng/CCQ (NAV) (đồng) |
24,300 |
11,085 |
8,906 |
7,079 |
Thị giá (đồng) |
11.700 |
7.400 |
5.300 |
5.400 |
Mức chiết khấu giữa thị giá và NAV (%) |
51,8% |
33,2% |
40,5% |
23,7% | |
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|