Thứ Sáu, 18/06/2010 16:42

Thị trường tài chính thế giới tuần qua: Thêm nhiều dự báo lạc quan 

Niềm tin châu Âu liệu đã trở lại hay những dự báo lạc quan về kinh tế thế giới; Kinh tế châu Á đang vươn lên mạnh mẽ; Tuy vậy chính sách siết chặt tài khoá có là nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới; Giữa lúc cả thế giới đều đang lo lắng Hy Lạp có thể vỡ nợ, khủng hoảng nợ châu Âu có thể sẽ xấu đi, việc Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư vào Hy Lạp, đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu kinh tế…

- Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế: Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 và 2011 lên mức 2,9 – 3,3%, và năm 2012 lên mức 3,2 – 3,5%.

Theo WB, khủng hoảng nợ của châu Âu đã tạo ra những trở ngại mới trên con đường phục hồi bền vững trung hạn của nền kinh tế thế giới. Mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu cho đến nay đã được kiềm chế nhưng nợ chính phủ vẫn đang tăng có thể làm lãi suất vay các nguồn vốn tín dụng trở nên quá cao và cản trở đầu tư và tăng trưởng ở các nước đang phát triển.

- 20 năm nữa, kinh tế châu Á sẽ “qua mặt” G7

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với xu hướng phát triển hiện nay, trong vòng 5 năm tới, kinh tế châu Á sẽ tăng khoảng 50%, chiếm hơn 1/3 sản lượng thế giới và có thể sánh ngang với nền kinh tế Mỹ và châu Âu. IMF cho rằng, trong vòng 20 năm tới, GDP của châu Á sẽ vượt xa các nền kinh tế công nghiệp trong khối G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy.

Tuy nhiên, Giáo sư Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy giảm, giữa lúc các nước trên thế giới đồng loạt thi hành chính sách tài khoá thắt chặt. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít người nhận được việc làm và nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ không được như kỳ vọng, do nguồn thu từ thuế sẽ eo hẹp hơn và chi trả cho bảo hiểm thất nghiệp tăng lên.

- Hy Lạp: Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ 4 bậc xếp hạng tín dụng của Hy Lạp xuống mức không đầu tư và cảnh báo, việc Hy Lạp giảm thâm hụt ngân sách sẽ tạo ra nhiều hậu quả xấu về kinh tế. Theo hãng tin Bloomberg, xếp hạng tín dụng của Hy Lạp bị hạ xuống mức Ba1 từ mức A3.

Trong khi đó, theo hệ thống xếp hạng của Standard & Poor’s, Hy Lạp đã ở mức không an toàn. Standard & Poor’s hôm 27/4 đã hạ xếp hạng tín dụng của Hy Lạp xuống mức không đầu tư. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đồng Euro được lưu hành năm 1999, 1 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu mất xếp hạng đầu tư.

Nhưng mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư vào Hy Lạp, đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu kinh tế. Bắc Kinh đã ký hiệp ước hợp tác về hàng hải với Athens, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc ký 13 thỏa thuận thương mại trị giá hàng trăm triệu Euro với các công ty Hy Lạp.

Có nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc cấp thiết cần ra tay viện trợ cho châu Âu là nhằm mục đích ngăn chặn số tài sản Euro khổng lồ, tương đương 670 tỷ USD, mà nước này đang sở hữu tiếp tục mất giá. Theo ông John Markin, chuyên gia kinh tế tại Viện Mghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, số tiền mà Trung Quốc đầu tư cho Hy Lạp là không đáng kể, nhưng điều quan trọng là, Trung Quốc đang lên kế hoạch nhằm ngăn chặn đồng Euro sụt giảm. Ông Markin cho rằng, đồng Euro sụt giảm đã khiến một lượng lớn dự trữ ngoại tệ bằng đồng Euro mà Trung Quốc nắm giữ bị mất giá và cũng đã làm suy yếu đi viễn cảnh xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu.

- Nhật báo “ilsole24ore”, chuyên về kinh tế, số ra gần đây đã đăng bài phân tích của Fabrizio Galimberti về một số nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng của đồng euro.

Một điểm dễ nhận thấy là các nước khối euro chỉ tạo được sự thống nhất về mặt tiền tệ, trong khi vẫn giữ chủ quyền trong các lĩnh vực khác.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã khiến nhiều người nghi ngờ đồng euro. Đã có dư luận về việc ra khỏi đồng euro, hoặc đưa ra ý tưởng về việc tạo ra 2 đồng euro: euro Bắc và euro Nam nhằm tránh một kết thúc xấu đối với cả khu vực đồng tiền chung.

Việc EU chậm trễ trong việc đưa ra các gói cứu trợ cho Hy Lạp có nguyên nhân từ sự mập mờ, không dứt khoát của hai nước đầu tàu EU là Đức và Pháp.

Không thể trách sự chậm trễ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bởi vì sự can thiệp tức thời của IMF có thể bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực đồng tiền chung. Và vì thế, việc IMF phối hợp với EU được coi là giải pháp hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, sau chuỗi ngày dài bị yếu thế, trong phiên giao dịch đêm qua tại Mỹ, đồng euro bất ngờ lên giá. Tin tức lạc quan đã đưa tỷ lệ hoán đổi giữa đồng euro và bạc xanh đã leo lên ngưỡng cao nhất trong 3 tuần trong phiên giao dịch đêm qua (17/6). Mỗi euro hiện đổi được 1,2384 đôla trên thị trường ngoại hối New York (11h sáng 18/6 theo giờ VN) . Sự kiện Tây Ban Nha phát hành trái phiếu thành công (huy động 3,479 tỷ euro, tương đương khoảng 4,3 tỷ USD) ngay lập tức kéo đồng euro đi lên trong sự lạc quan của giới đầu tư.

- Trong khi đó, USD mất giá sau những thông tin u ám về tình hình kinh tế Mỹ. Niềm tin vào đồng USD sụt giảm sau báo cáo lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần qua bất ngờ tăng. Số lao động bị mất việc làm ghi nhận thêm 12.000 trường hợp sau khi đã giảm trong 3 tuần liên tiếp trước đó. Mặc dù năng lực sản xuất của nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 6 nhưng tốc độ đã co hẹp xuống mức thấp nhất trong 10 tháng sau khi giảm mạnh từ mức 21,4 điểm xuống 8 điểm.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa yêu cầu Quốc hội thông qua khoản chi bổ sung khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD để hỗ trợ sự hồi phục kinh tế và tránh sa thải hàng loạt công chức nhà nước.

FED thông qua luật thẻ tín dụng mới với mục tiêu bảo vệ người sử dụng thẻ tín dụng khỏi những cú sốc liên quan tới việc trả chậm và mức phạt bất ngờ.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2010 do kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Chỉ số giá nhập khẩu tại Mỹ tháng 5 giảm 0,6%, đây là mức giảm mạnh nhất tính từ tháng 7/2009.

- Tình hình kinh tế - tài chính tại một số nước

Nợ công của Italy cao kỷ lục: Ngân hàng Trung ương Italy vừa cảnh báo, nợ công của nước này trong tháng 4/2010 đã lên 1.813 tỷ Euro, tăng 0,8%. Công bố này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Italy mới đây đưa ra một loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu công.

Anh công bố chương trình cải tổ điều tiết ngành tài chính

Chính phủ Anh trong ngày thứ Tư đã công bố chương trình cải tổ mới, theo đó quyền lực của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) sẽ được điều chỉnh lại. Ngân hàng Trung ương Anh sẽ chịu thêm trách nhiệm ngăn rủi ro hệ thống và giảm sát hoạt động hàng ngày của lĩnh vực tài chính Anh, trong đó bao gồm cả những tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động tại trung tâm tài chính Anh (the City of London). BoE sẽ có nhiệm vụ giám sát trên mọi phương diện đối với các nhà cho vay, các công ty bảo hiểm và các ngân hàng đầu tư, nhằm góp phần duy trì sự ổn định của cả nền kinh tế.

Lạm phát tại Ấn Độ vượt 10%: Báo cáo vừa được cơ quan thống kê Ấn Độ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại nước này tăng tới 10,16% trong tháng 5/2010. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số này kể từ năm 2008 cũng như vượt xa dự đoán được giới phân tích đưa ra trước đó là xấp xỉ 9%. Lãi suất cơ bản của hệ thống tín dụng nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới, làm chậm tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, vốn vừa đạt được mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua.

SBV

Các tin tức khác

>   Ngày 18/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua (18/06/2010)

>   Giám đốc điều hành BP xin lỗi (18/06/2010)

>   Ngày 17/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua (17/06/2010)

>   Ngày 16/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua (16/06/2010)

>   Ngày 15/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua (15/06/2010)

>   Mỹ tìm thấy 1.000 tỉ USD ở Afghanistan (14/06/2010)

>   Nguy cơ chảy máu chất xám tại Hy Lạp (14/06/2010)

>   Nhà đất ở Úc: Bong bóng có vỡ? (14/06/2010)

>   Công nhân đòi tăng lương: Bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc (14/06/2010)

>   Một giờ với tỉ phú Sheldon Adelson (13/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật